Trong những ngày qua, các đơn vị từ quận, huyện, phường, xã trên địa bàn Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, xử phạt người không đeo khẩu trang nơi công cộng, vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định, che dấu bệnh tật… Liên quan công tác phòng, chống dịch Covid-19, các trường hợp vi phạm có thể bị cơ quan chức năng Hà Nội xử phạt từ hành chính đến xử lý hình sự.

 Công an phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) nhắc nhở, xử lý các hàng quán vỉa hè. 

Tại các quận, huyện, phường, xã trên địa bàn TP, công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh được duy trì dưới nhiều hình thức, nội dung phong phú. Đồng thời, các trường hợp vi phạm liên quan công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã bị lực lượng chức năng các quận, huyện, phường, xã xử lý. Tại quận Thanh Xuân, lực lượng chức năng các phường cùng đồng loạt ra quân, xử lý các trường hợp vi phạm. Trong những ngày qua, Công an phường Thanh Xuân Bắc đã nhắc nhở, xử lý các hàng quán vỉa hè và người dân tụ tập đông người; đồng thời, xử phạt nhiều trường hợp không đeo khẩu trang. Lực lượng chức năng phường Hạ Đình nhắc nhở và xử lý các hàng quán vỉa hè; Đoàn thanh niên phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) tuyên truyền về phòng, chống dịch…

Mới đây, Hội đồng Phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 01/CV-HĐPHPBGDPL đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể, Hội đồng Phối hợp PBGDPL các quận, huyện, thị xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền các hành vi, nhóm hành vi bị nghiêm cấm và chế tài xử phạt 13 hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến vấn đề này.

Theo đó, từ ngày 7/8, người không đeo khẩu trang nơi công cộng bị phạt tiền tối đa đến 300.000 đồng; Người vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định tại nơi công cộng bị phạt tiền tối đa đến 5 triệu đồng, nếu vứt ra vỉa hè, đường phố bị phạt tiền tối đa đến 7 triệu đồng. Người che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh Covid-19 bị phạt tiền tối đa đến 2 triệu đồng. Người nào trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, phản ứng thái quá việc thực hiện cách ly để phòng, chống dịch Covid-19... có thể bị xử phạt hành chính tối đa đến 10 triệu đồng hoặc bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự trong trường hợp lây truyền dịch bệnh cho người khác. Những trường hợp trên nếu gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự…

Theo TS Luật học Hoàng Thị Loan (Đại học Luật Hà Nội), nếu không quyết liệt trong việc thực thi các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, hậu quả, rủi ro xảy ra có thể rất lớn. Do đó, chúng ta phải ủng hộ các chính sách, biện pháp mà Chính phủ, các tỉnh, TP đã và đang triển khai để hạn chế dịch bệnh lây lan. Điển hình như Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Hà Nội đã tuyên truyền, phổ biến về 13 hành vi vi phạm và chế tài áp dụng là một trong những thông điệp mang tính kịp thời, cần cung cấp đến người dân.

“Việc tóm lược 13 hành vi vi phạm và chỉ dẫn mức áp dụng chế tài cụ thể được trích dẫn một cách cô đọng, súc tích từ Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, Bộ luật Hình sự năm 2015 có thể coi là cẩm nang bỏ túi để người dân có thể nắm bắt, hiểu rõ và nhanh nhất về từng hành vi, hậu quả của hành vi khi vi phạm quy định về phòng, chống dịch. Mỗi biện pháp được các cơ quan Nhà nước triển khai đều hướng đến mục đích khắc phục, hạn chế, ngăn chặn dịch bệnh. Do đó, người dân phải nhận thức đúng đắn, kịp thời và thực hiện tốt các biện pháp mà Nhà nước đưa ra” - TS Hoàng Thị Loan nhấn mạnh.


Theo Kinh tế & Đô thị