Vụ Asanzo dán nhãn “Made in Vietnam” trên sản phẩm lắp ráp từ linh kiện nhập từ Trung Quốc tiếp tục gây tranh cãi. Và lúc này, nếu cộng đồng có đem chuyện nhập nhèm trong quảng cáo để kết tội các doanh nhập khẩu linh kiện nước ngoài về lắp ráp, thì cơ quan quản lý Nhà nước phải chịu trách nhiệm!
1. Tại Tọa đàm Như thế nào là hàng “Made in Vietnam” vừa diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia, nhà quản lý đã đưa câu chuyện Công ty Asanzo dán nhãn “Made in Vietnam” trên hàng hóa lắp ráp để minh họa cho khoảng trống pháp lý và sự hiểu biết thế nào là sản phẩm sản xuất tại Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Luật sư Trần Ngọc Trung - Cố vấn Công ty Luật Baker & Mckenzie: Vấn đề của Asanzo, nếu sử dụng linh kiện nhập Nhật để làm Made in Việt Nam thì dư luận có dậy sóng không? “Tôi cũng không nắm rõ được quy trình lắp ráp của Asanzo. Tuy nhiên, khả năng doanh nghiệp tự ghi xuất xứ Việt Nam là đúng vẫn có thể xảy ra. Đơn cử như hiện nay đối chiếu với Hiệp định tự do thương mại ASEAN và Trung Quốc thì sản phẩm mà không có nguồn gốc từ Việt Nam, không được ghi “Made in Vietnam”. Tuy nhiên, với hiệp định WTO mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên thì có thể được phép”, ông Trung nói.
Theo lý giải của vị luật sư này: Nguyên tắc cộng gộp của WTO là hàng sản xuất cuối cùng ở quốc gia nào có nhập thiết bị từ một nước thứ 2 trong WTO thì có quyền ghi “made in” ở nước sản xuất cuối cùng.
Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam giới thiệu về quy trình sản xuất tivi tại nhà máy ở KCN Vĩnh Lộc chiều 23/6.
Từ ý kiến của Luật sư Trần Ngọc Trung, có thể thấy cơ quan quản lý và người dân còn rất “mù mờ” trong xác định “Made in Vietnam” cụ thể là gì? Đơn cử như việc Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam hoặc nhập khẩu hàng hóa đều phải ghi nhãn cho hàng hóa (trừ một số trường hợp đặc biệt). Tuy nhiên, xác định xuất xứ hàng hóa theo nguyên tắc nào, quy tắc nào thì chưa có hướng dẫn rõ ràng.
Theo VnEconomy, Việt Nam đã tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), cùng với đó là việc đã ban hành nhiều quy định (Thông tư của Bộ Công Thương) về việc xác định xuất xứ, nhưng các quy định này đều là xuất xứ gộp, bao gồm cả Việt Nam và các nước. Hay Bộ Công thương cũng có Thông tư 05/2018/TT-BCT quy định thế nào được coi là xuất xứ Việt Nam, nhưng lại chỉ áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.
2. Tại Họp báo chuyên đề về công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ vừa diễn ra tại Hà Nội chiều 19/7, ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan đã phát biểu về vụ việc liên quan tới Công ty Asanzo: Có nhiều lỗ hổng pháp lý, chưa thể kết luận!
Về việc Asanzo nhập khẩu thiết bị linh kiện điện tử, hàng hóa Trung Quốc về gắn nhãn mác “Made in Vietnam” có vi phạm pháp luật hay không? Và đâu là cơ sở pháp lý chứng minh?, ông Âu Anh Tuấn cho biết: Hiện có nhiều ý kiến, đối với vụ Asanzo cần làm rõ nhiều hình thức của doanh nghiệp này. Tại Nghị định 43 của Chính phủ có quy định ghi nhãn mác “Made in Vietnam”. Tuy nhiên, Nghị định 31 chỉ ghi tiêu chí xuất xứ để xác định nhãn mác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, chưa có đối với hàng hóa lưu thông trong thị trường nội địa.
Cũng theo ông Tuấn, hiện cơ sở xác định doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện nhập khẩu sau đó lắp ráp bán tại thị trường Việt Nam có đáp ứng tiêu chí xuất xứ với hàng Việt Nam hay không là không có. Nếu áp dụng với hàng nhập khẩu, xuất khẩu chúng ta có rõ ràng về giá trị gia tăng ở Việt Nam là bao nhiêu, quy tắc chuyển đổi mã HS (Biểu phân loại hàng hóa trong thương mại quốc tế) từ đầu vào, đầu ra 4 số hay 6 số.
“Nếu hàng hóa xuất khẩu thì chúng ta có tiêu chí, còn đối với hàng hóa lưu thông trong nước, chúng ta chưa có tiêu chí, do vậy trường hợp doanh nghiệp nhập linh kiện về lắp ráp như thế nào thì được ghi và không được ghi “Made in Vietnam” hiện là chưa có”, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý cho biết. Riêng đối với trường hợp doanh nghiệp nhập nguyên chiếc bếp từ, nồi cơm điện, bàn là từ Trung Quốc, sau đó ghi nhãn mác “Made in Vietnam” ông Tuấn khẳng định là hoàn toàn sai.
Cần phải sớm làm rõ các tiêu chuẩn, quy định về sản phẩm made in Vietnam
Lúc này, cơ quan Hải quan đã thành lập đoàn kiểm tra sau thông quan doanh nghiệp này và các doanh nghiệp liên quan nhập các linh kiện về bán lại cho Asanzo. Sau khi có kết quả sẽ báo cáo Bộ Tài chính, để trình Thủ tướng.
Vậy là, những khoảng trống pháp lý “toang hoác” kể trên không chỉ khiến người tiêu dùng ngơ ngác, mà cả Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng không đưa ra được các tiêu tiêu chí để người dùng hiểu về sản phẩm “Made in Vietnam” mà ưu tiên sử dụng.
3. Việc sản phẩm Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt không phải mới diễn ra. Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, tình trạng hàng nhái, giả mạo xuất xứ, nhãn mác “Made in Vietnam” trong đó tập trung mặt hàng tiêu dùng, thời trang… để gian lận thương mại, gây thất thu ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng doanh nghiệp sản xuất trong nước và thiệt hại cho người tiêu dùng… là đáng báo động.
Mới đây, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, hiện Bộ cũng đang soạn thảo dự thảo về quy định ghi nhãn mác “Made in Vietnam”. Ông cho biết: Phương pháp phổ biến nhất để xác định xuất xứ là xác định hàm lượng giá trị khu vực (RVC) trong sản phẩm. Có nghĩa là xác định xem giá trị được tạo ra tại khu vực có liên quan là bao nhiêu. Nếu khu vực là một nước, ví dụ như Việt Nam, thì xem phần giá trị được tạo ra trên lãnh thổ Việt Nam là bao nhiêu, nếu khu vực là ASEAN thì xem phần giá trị được tạo ra trong phạm vi ASEAN. Một phương pháp phổ biến nữa, theo ông Khánh chia sẻ, là sử dụng Biểu HS để xác định xuất xứ…
Việc các cơ quan quản lý “mất bò mới lo làm chuồng” đã rõ? Còn những Asanzo, còn người tiêu dùng sẽ như thế nào?
Thiệt hại của Asanzo là rất lớn, theo Chủ tịch HĐQT Phạm Văn Tam, là lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Nhưng Asanzo đáng thương hay đáng trách? Lúc này, có thể lướt qua về đạo đức kinh doanh, về truyền thông, quảng cáo. Theo đó, về việc Asanzo công bố thông tin “Made in Vietnam”, hay “đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”, chưa bàn về đúng - sai, thì cũng đã không giúp người tiêu dùng nắm bắt trọn vẹn về nguồn gốc, giá trị thực của sản phẩm. Và nay, như ta đã thấy, Asanzo lập tức gặp khủng hoảng vì người tiêu dùng cảm thấy bị lừa dối.
Người tiêu dùng mất niềm tin, cũng bởi trong chuỗi giá trị sản phẩm “Made in Vietnam” vai trò của Asanzo không có gì đặc biệt, nhất là bởi sự vắng bóng của hoạt động R&D - thứ sẽ giúp doanh nghiệp sở hữu các công nghệ lõi, nâng cao khả năng cạnh tranh để lớn mạnh thông qua chuyển đổi và hạ giá thành sản phẩm.
“Nói Asanzo sai có hoàn toàn đúng? Asanzo đúng có hoàn toàn sai?” - đó là những trăn trở của doanh nghiệp, cộng đồng mà các cơ quan Nhà nước phải lập tức vào cuộc và trả lời, để lấp đầy khoảng trống pháp lý, khoảng trống về niềm tin đang gây hại cho sự phát triển đất nước.
Và cũng cần phải thẳng thắn, vấn nạn “vỏ Việt, ruột Tàu” vẫn tiếp diễn!
Nguồn: https://congluan.vn/asanzo--khoang-trong-phap-ly-khoang-trong-niem-tin-post65570.html