Hỏa hoạn "rình rập" nhiều chung cư

Theo VOV, riêng Hà Nội, những năm gần đây, các tòa chung cư cao hàng chục tầng mọc lên như nấm. Những tòa chung cư này đang gây ra nhiều mối lo cho xã hội về sự quá tải đô thị, ùn tắc giao thông và trên hết là sự an toàn tính mạng cho chính chủ nhân của những căn hộ trong các tòa nhà này. Đặc biệt, khi gần đây “bà Hỏa” liên tục ghé thăm các khu chung cư cao tầng khiến người dân càng thêm lo lắng.

 

Theo số liệu từ Cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố Hà Nội, tính đến quý II/2015, toàn thành phố có 891 công trình nhà cao tầng. Trong số 779 công trình đã đưa vào sử dụng thì có 60 công trình chưa được thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy, 121 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.

Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố vẫn tồn tại thực trạng nhiều chung cư cao tầng vẫn được cấp phép xây dựng dù hồ sơ phòng cháy, chữa cháy chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm duyệt.

Sau vụ cháy chung cư cao tầng CT4A và CT4B, khu đô thị Xa La, trong cuộc họp báo diễn ra chiều 12/10, đại diện Cơ quan cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội cho rằng, chủ đầu tư của hai chung cư này chỉ lo bán nhà, thiếu trách nhiệm trong đảm bảo an toàn công trình và phòng chống cháy nổ, có thái độ chống đối khi không thực hiện các kiến nghị của cơ quan phòng cháy chữa cháy...

Phát triển nhà cao tầng để giải quyết chỗ ở cho cư dân đô thị là xu thế tất yếu của xã hội hiện đại. Nhưng không phải vì bài toán chỗ ở mà chủ đầu tư bất chấp mạng sống của người dân. Rất may vụ cháy xảy ra ở Xa La không gây thiệt hại về người nhưng thực sự là cú sốc tinh thần, sự hoảng loạn dữ dội đối với nhiều người dân. 

Dân đổ xô đi mua đồ cứu hỏa

Ghi nhận mới nhất của Vietnamnet, chị Thanh Hương, nhà ở tầng 17, chung cư HH ở Linh Đàm, không khỏi bối rối, lo sợ khi liên tiếp các vụ cháy chung cư xảy ra. Ngày thứ Hai, khi đến cơ quan làm việc, chị dành hẳn 2 giờ đồng hồ để tìm mua các mặt hàng cứu hỏa cho gia đình.

Một trang web quảng cáo bán mặt nạ phòng cháy

Chị Hương chia sẻ: “Mãi đến hơn 40 tuổi, sau thời gian dài phấn tôi mới có một tổ ấm thực sự. Giờ thì ngay cả khi ở tổ ấm cũng vẫn lo sợ. Sáng nay, tôi đã đặt mua 2 mặt nạ chống khói giá 180.000 đồng/chiếc. Hiện tôi đang xin báo giá thang cuốn thoát hiểm của một công ty tại TP.HCM. Trước khi người khác cứu được mình thì mình nên tìm cách cứu mình trước”.

Cũng giống như chị Hương, ngay khi một công ty quảng cáo các sản phẩm cứu hỏa vào trang mạng Cư dân HH Linh Đàm, anh Phạm Thanh Tùng đã lập tức đăng kí mua mặt nạ chống khói và 2 bình xịt loại 3kg và 8kg.

Anh Đào Tiến ở một công ty chuyên cung cấp các mặt hàng bảo hộ, cứu hỏa trên phố Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội, cho hay, để phòng cháy khi ở nhà chung cư, mỗi gia đình nên trang bị tối thiểu 3 loại: Mặt nạ chống khói (180.000 đồng/chiếc); thang dây cứu hộ (80.000 đồng/mét) và bình xịt cứu hỏa (từ 135.000 đến 235.000 đồng/bình).

Cũng theo anh Tiến, gần đây, đơn hàng từ các chung cư Xa La, Văn Quán, HH đã tăng lên đáng kể.

Chị Nguyễn Thùy Dương, cư dân chung cư HH3 Linh Đàm, cho biết, với gia đình có 4 người thì mua khoảng 4-5 chiếc mặt nạ chống khói, thêm bình xịt nữa, tổng cộng chi phí tầm 1 triệu là yên tâm.

Không chỉ mua đồ bảo vệ, thoát hiểm khi hỏa hoạn, các bà nội trợ đang tính đăng ký tham gia khóa học thoát hiểm cho gia đình. Mẹ Subi trên một diễn đàn, kể: “Nhiều lúc cả nhà hoang mang lắm.

Xem nhiều chứ chưa thử tập dượt, không biết lúc có việc bất trắc có biết cách cứu mình không. Chúng tôi đang hỏi bên phòng cháy chữa cháy, tìm trên các trang web để đăng ký lớp học thoát hiểm. Chắc lại tốn vài triệu đồng, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại không còn cách nào khác”.

Cẩn trọng không bị bẫy giá

Khi hàng trăm, hàng ngàn hộ dân đổ xô tìm mua các thoát hiểm, chống hỏa hoạn, nhiều chuyên gia về mặt hàng bảo hộ cho rằng: như bất cứ mặt hàng nào, đồ thoát hiểm cũng có hàng thật, hàng giả. Người tiêu dùng cần cân nhắc giữa giá cả và chất lượng, tránh để trong lúc nguy cấp lại chịu hậu quả từ hàng kém chất lượng.

Đối với mặt nạ chống khói độc hàng trong nước hoặc hàng Đài Loan, giá chỉ dao động từ 165.000 tới 250.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, với các hàng xuất xứ từ Mỹ, Hàn, Anh thì trung bình khoảng 650.000 đồng/chiếc.

Trên thị trường, người tiêu dùng có thể tìm được thang dây thoát hiểm TH02 (giá 2,1 triệu), TH01 (1,1 triệu loại 10m), Aptes,... hoặc dây đai Autoland (khoảng 3 triệu) tùy theo độ dài.

Thang dây thoát hiểm là mặt hàng khó mua nhất khi có rất nhiều loai, với các mức giá và chất lượng khác nhau

Bên cạnh đó, nhiều loại thang dây xuất xứ Trung Quốc khiến người mua bàng hoàng vì giá rẻ từ 80.000-200.000 đồng/m, được bán tại các phố Yết Kiêu, Hoàng Quốc Việt, Lê Duẩn,... Tất cả thông tin sản phẩm mà người mua có thể biết chỉ sơ sài qua lời quảng cáo của người bán.

Tuy nhiên, hiện nay, do nhu cầu của thị trường, nhiều thang dây thoát hiểm hàng ngoại nhập đã được nhập về Việt Nam.

Anh Trương Ngọc - nhân viên đại lý chuyên cung cấp thiết bị phòng cháy chữa cháy ở phố Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy cho hay, hiện đã xuất hiện loại thang dây được làm từ sợi bạt, có chất liệu siêu bền. Móc mạ bằng niken, kẽm chống gỉ. Trục thang là hai dây bản bằng sợi tổng hợp, hai khóa đầu trục thang để móc vào vật cố định chịu tải trọng.

Điều đặc biệt, thử tải mỗi bậc thang 300 kg nhưng không bị biến dạng. Kết cấu gọn nhẹ, có thể cuốn lại để bảo quản, dễ dàng di chuyển,... Giá của loại thang dây thoát hiểm này từ 3-10 triệu đồng./.

Ngân Chi (Tổng hộ)/ Theo Ngày nay Online