Thực dưỡng là gì?

Theo chia sẻ của Bác sĩ Nguyên Thị Hương Lan - Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Xanh Pôn thì thực dưỡng phổ biến vào thập niên 60 bởi triết gia người Nhật Bản, George Ohsawa. Đây được xem là phương pháp dưỡng sinh chủ yếu bằng ăn uống.

Nguyên tắc chính của chế độ ăn uống thực dưỡng là giảm sản phẩm từ động vật, ăn thực phẩm thực vật từ thiên nhiên và tiêu thụ bữa ăn trong chừng mực. Chế độ ăn thực dưỡng là phải ăn toàn phần, nghĩa là thực phẩm trải qua ít công đoạn chế biến nhất.

Chế độ ăn thực dưỡng chỉ tiêu thụ các loại ngũ cốc nguyên hạt (Ảnh minh họa)

Vì thế, phương pháp này cũng giống như một hình thức ăn chay, chỉ tiêu thụ rau xanh cùng các loại ngũ cốc nguyên hạt. Chế độ ăn thực dưỡng này sẽ bao gồm tiêu thụ thực phẩm với 40 - 60% ngũ cốc nguyên hạt (hữu cơ trồng và nấu tại nhà) 20 - 30% rau và 5-10% các sản phẩm từ đậu và rau biến, chỉ được ăn một lượng cá, thịt, hoa quả rất nhỏ hàng tháng. Phác đồ thực dưỡng của Ohsawa bao gồm 10 giai đoạn hạn chế dần về thành phần. Giai đoạn thứ 10 là chế độ ăn uống chỉ gồm nước và gạo lứt.

Thực hư thực dưỡng chứa được ung thư

Thực dưỡng được coi là phương pháp tốt cho sức khỏe nếu áp dụng khoa học. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều thông tin trên mạng xã hội cho rằng, phương pháp thực dưỡng có thể giúp chữa khỏi ung thư và nhiều bệnh khác.

Liên quan vấn đề này, chia sẻ với báo Gia đình Việt Nam, TS. Bác sĩ Nguyễn Thị Hương Lan cho rằng: “Nhìn chung về cơ bản, những thành phần thực phẩm có trong chế độ ăn thực dưỡng là tốt cho sức khỏe. Bởi ngũ cốc nguyên cám và rau củ được cho thấy có sự liên hệ với giảm thiểu nguy cơ nhiều loại ung thư như dạ dày, đại trực tràng và nội mạc tử cung. Tuy nhiên, hiện nay chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy việc sử dụng chế độ thực dưỡng có hiệu quả trong chữa trị ung thư. Ngược lại, chúng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong việc đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư, dẫn đến suy nhược cơ thể".

Theo TS. Bác sĩ Hương Lan, dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng để hỗ trợ quá trình điều trị ung thư của người bệnh đạt kết quả tốt hơn. Do đó, người bệnh cần được đáp ứng nhu cầu đầy đủ, đa dạng các chất dinh dưỡng. Trong khi đó, chế độ ăn uống thô của thực dưỡng lại quá đơn điệu và thiếu hụt chất dinh dưỡng, nên có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bệnh nhân ung thư. Ăn quá ít calo khiến bệnh nhân có nguy cơ bị suy dinh dưỡng nặng hơn. Từ đó, làm giảm chức năng miễn dịch, người bệnh không đủ sức khoẻ để chống chọi với bệnh tật cũng như không đáp ứng được các phương thức điều trị ung thư đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị.

Ăn thực dưỡng có thể khiến người bệnh bị thiếu hụt dinh dưỡng, từ đó gây suy nhược cơ thể (Ảnh: Zing.vn)

Ngoài ra, khi cơ thể không được đáp ứng đủ dinh dưỡng làm cân nặng giảm sút, có thể gây ra sự chậm trễ trong kế hoạch điều trị cho người bệnh ung thư. Bệnh nhân càng tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng tỷ lệ biến chứng, giảm chất lượng sống và tử vong sớm hơn.

Trước những luồng dư luận nhiều chiều, TS. Bác sĩ Nguyên Thị Hương Lan khuyến cáo, người mắc bệnh ung thư cần tìm hiểu rõ ràng, cụ thể nhiều nguồn thông tin tài liệu chính thống về căn bệnh đó. Nếu người bệnh muốn áp dụng chế độ ăn thực dưỡng trong điều trị ung thư cần tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng hoặc người có kinh nghiệm trong việc chăm sóc ung thư.

Theo Gia đình Việt Nam