Lần đầu tiên công nghệ thực tế ảo đã được sử dụng để đào tạo chuyên gia phẫu thuật lồng ngực tại hội nghị phẫu thuật nội soi lồng ngực khu vực châu Á do Hiệp hội phẫu thuật nội soi lồng ngực châu Á - Thái Bình Dương (ATEP) phối hợp với Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức.
Với mục tiêu thúc đẩy nâng cao tiêu chuẩn phẫu thuật ít xâm lấn trong chuyên khoa Ngoại - Lồng Ngực khu vực các nước châu Á - Thái Bình Dương, chương trình quy tụ các chuyên gia hàng đầu về phầu thuật lồng ngực đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,… cùng hơn 40 chuyên gia tại Việt Nam.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên hình thức mô phỏng phòng mổ thực tế ảo, sử dụng hệ thống kính thực tế ảo được thực hiện tại châu Á.
Bác sĩ sử dụng kính thực tế áo để trải nghiệm quá trình phẫu thuật lồng ngực. Ảnh: Hải Yến.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, những khó khăn của đại dịch Covid-19 giúp chúng ta đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực. Công nghệ thực tế ảo là một bước đột phá lớn trong lĩnh vực đào tạo y khoa.
Trước đây, nếu phải vào phẫu trường mổ để quan sát, học tập thì sẽ chỉ có rất ít học viên có cơ hội tham dự vì sự giới hạn của không gian. Tuy nhiên, nhờ công nghệ hiện đại, chúng ta đã có thể tiếp nhận những hình ảnh chân thực nhất từ một ca mổ ở cách xa hàng ngàn cây số.
“Với công nghệ hiện đại để truyền tải kiến thức và kinh nghiệm, chúng ta có thể làm ngắn quá trình đào tạo một bác sĩ có đam mê với phẫu thuật, nhanh chóng trở thành chuyên gia, để phục vụ cho người bệnh. Bởi người bệnh chỉ có những cơ hội nhất định để cứu chữa và nếu gặp được bác sĩ giỏi ngay từ đầu thì cơ hội đó sẽ rất lớn”, PGS Nguyễn Viết Nhung phân tích.
Tại đầu cầu Hàn Quốc, các bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật cắt thùy phổi và u trung thất bằng phương pháp sử dụng video hỗ trợ (VATS) với hình thức mô phỏng phòng mổ thực tế ảo, sử dụng hệ thống kính thực tế ảo đầu tiên tại châu Á.
Phẫu thuật nội soi lồng ngực có video hỗ trợ (VATS) là một dạng của phẫu thuật nội soi, được sử dụng cho bệnh lý ở lồng ngực và phổi. Thay vì những vết mổ dài trong phẫu thuật truyền thống, phẫu thuật nội soi chỉ để lại những vết mổ rất nhỏ trên cơ thể bệnh nhân.
VATS sử dụng một dụng cụ đặc biệt gọi là ống soi lồng ngực (thoracoscope). Đó là một ống mỏng có đèn chiếu sáng ở một đầu để đưa vào trong lồng ngực người bệnh. Nó có nhiệm vụ truyền hình ảnh về một thị kính hoặc màn hình video để giúp các bác sĩ có thể nhìn thấy rõ bên trong lồng ngực.
Các nghiên cứu cho thấy hiệu quả điều trị của phẫu thuật VATS tương đương hoặc tốt hơn cả phẫu thuật mở. Thủ thuật này còn có ưu điểm giống như các phẫu thuật xâm lấn tối thiểu khác. Nó giúp bệnh nhân ít đau hơn, không làm co rút xương sườn, thời gian nằm viện ngắn, người bệnh sớm quay trở lại công việc và cuộc sống bình thường hơn.
Trong một thời gian cực ngắn, tất cả các kỹ thuật quan trọng được truyền tải ngay tới các học viên.