Kì thị, xa lánh trong khi chống dịch Covid-19 không chỉ tạo nên bầu không khí căng thẳng mà vì “sợ bóng, sợ gió”, lo cho sức khỏe của mình, chúng ta lại trở thành vô cảm, vô ơn và vô tình còn khiến việc chống dịch trở nên khó khăn, mệt mỏi hơn rất nhiều.
Y, bác sĩ là những người ở tuyến đầu chống dịch. Họ là những chiến sĩ tiên phong, tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Họ đánh cược mạng sống của mình, làm việc bất kể ngày đêm, nguy cơ lây nhiễm cao nhất nhưng ngược lại họ lại bị kì thị nhiều nhất.
Nỗi niềm những người ở tuyến đầu
Trả lời báo chí, bác sĩ Trần Thị Hải Ninh - Trưởng khoa Nội Tổng hợp Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết, các chị và các đồng nghiệp từ đầu mùa dịch đến nay “cố thủ” ở bệnh viện, có người hoàn toàn không được về nhà. Họ luôn là các "F1" - người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh và phải "cấm trại" để bảo đảm an toàn cho người thân, hàng xóm...
Dù căng mình ra để cứu người, thời gian ở bệnh viện toàn tâm toàn ý cho bệnh nhân, các bác sĩ vẫn là những con người bằng xương bằng thịt. Họ vẫn ít nhiều bị tác động bởi yếu tố tâm lý. Khi bản thân, bố mẹ, con cái bị người xung quanh lảng tránh, nữ điều dưỡng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cảm thấy chạnh lòng.
Vì có bầu, chị cũng được chuyển sang làm hành chính, không trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân. Trước khi về quê nghỉ sinh, chị đã có khoảng thời gian cách ly tại viện, được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Vậy mà, hàng xóm thấy hai mẹ con chị ra khu vui chơi là họ đưa con về hết. Thậm chí, bố mẹ chị ra đường, đi chợ cũng bị hàng xóm nói: “Ông bà đi về ngay. Ai cho ông bà ra đường mà ra”. Ráo riết hơn, hàng xóm còn phản ánh lên công an xã yêu cầu thành viên trong gia đình chị không ai được ra ngoài.
GS, TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, có bác sĩ của viện dù có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng khi bà nội mất, cả dòng họ không cho về để chịu tang.
Điều dưỡng Doãn Thị Nguyệt - Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng không giấu được nỗi xót xa khi kể về những đồng nghiệp trẻ phải xa con nhỏ, bị chủ nhà trọ kỳ thị bằng hành động rất quyết liệt như lấy vôi bột rắc quanh nhà dù anh chồng đã nói vợ tôi trực ở bệnh viện không về...
Còn có cả những nhân viên của Bệnh viện Bạch Mai bị chủ nhà đuổi không cho trọ vì làm việc tại đây.
Vì là người tiếp xúc trực tiếp, y, bác sĩ nào cũng có thể là F1, là người lây nhiễm đầu tiên. Điều cả xã hội không mong muốn thì họ phải đối mặt, phải chịu đựng. Cũng vì là người làm trong ngành Y tế, họ quá hiểu biết về công việc của mình đang làm nên chắc chắn họ không bao giờ để người thân hay cộng đồng bị lây nhiễm. Như thế tự họ “mua thêm việc” cho mình bởi suốt thời gian qua việc chống dịch đã hết sức nguy hiểm, căng thẳng và cân não.
Những ngày dịch bệnh phủ bóng đen lên toàn cầu này, TS Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định họ chấp nhận làm việc trong môi trường nguy hiểm đó, chấp nhận nguy cơ để vì một cái lớn hơn, đó là sự toàn vẹn, sự an toàn cho cộng đồng.
Ông nhấn mạnh: “Tình huống xấu nhất xảy ra là chẳng may nhân viên y tế dương tính, bị cách ly rồi bệnh nặng hơn, thậm chí tử vong, ngày đi làm ấy là ngày cuối cùng nhìn thấy mặt gia đình nhưng không một nhân viên nào làm đơn xin nghỉ không lương. Đây là tinh thần chung của Bạch Mai và cả ngành Y tế.
Bạn bè, đồng nghiệp, nhân viên của tôi, chưa một ai tỏ ra lo lắng về việc lây nhiễm truyền sang cho mình. Bởi vì, ngay khi bước chân vào cái nghề này thì chúng tôi đã đã xác định rằng cái nghiệp - đó chính là sự hy sinh cho mọi người”.
Thời gian qua, rất nhiều lời chia sẻ trên mạng xã hội động viên Bệnh viện Bạch Mai vượt qua những ngày cách ly. Rất nhiều nhu yếu phẩm, vật chất, thuốc men được đồng bào gửi tới cho các y, bác sĩ ở những tuyến đầu chống dịch. Đó là nguồn động viên to lớn song vẫn còn có sự kì thị rất đáng lên án, làm tổn thương những chiến sĩ quả cảm này.
Đừng trở thành người vô cảm, vô ơn
Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, việc nghi ngại, nghi ngờ tất cả những người mình tiếp xúc cũng là sự đề cao cảnh giác, còn hơn là chủ quan, lơ là để bệnh dịch phát tán ra cộng đồng. Giữa việc nghi ngờ, hạn chế tiếp xúc và việc kì thị, biểu hiện bằng các hành động thiếu lịch sự, thiếu văn minh là điều cực kì phản cảm, không có tình người.
Ai cũng biết, y, bác sĩ là người tiên phong, ở tuyến đầu nhưng thực chất cũng là tuyến cuối. Vì chỉ có họ, không ai ngoài họ là người đứng ra gánh vác, chịu trách nhiệm khám chữa và trực tiếp đương đầu với dịch bệnh. Mỗi y, bác sĩ là một “tổng tư lệnh” với “mặt trận” bệnh tật của bệnh nhân.
Chính bởi thế, không phải chỉ là khuyến cáo, phác đồ điều trị, yêu cầu của bác sĩ là y lệnh với bệnh nhân, một mệnh lệnh trong điều trị mà bệnh nhân chỉ có thể tuân theo nghiêm túc. Hướng điều trị, cách dùng thuốc, liều lượng thuốc của họ đảm bảo việc sống còn cho bệnh nhân.
Theo TS Dương Đức Hùng, chuyện sợ như sợ hủi, sợ như sợ dịch là tâm lý bình thường của con người nhưng kì thị với thầy thuốc là điều rất đáng ngạc nhiên. Với sự phân công của xã hội, công việc của họ mang lại điều tốt đẹp cho xã hội. Tại sao lại kì thị họ?.
Những nhân viên y là những chiến sĩ chống dịch ở tuyến đầu, họ rất mong manh. Đừng làm họ tổn thương về thể chất cũng như tinh thần.
Vì thế, ông từng tha thiết bày tỏ: “Chúng tôi căng mình chống dịch, đi làm với mấy trăm phần trăm sức lực, không phải vì tiền, vì đãi ngộ. Điều chúng tôi cần nhất là sự đồng cảm. Nếu chồng phải cách ly vì điều trị cho bệnh nhân nhưng vợ con ở nhà bị hàng xóm kì thị tẩy chay thì rất đau lòng và gây ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần của nhân viên y tế.
Chúng tôi cần những người lính khỏe mạnh về thể chất và tinh thần để ra trận. Vì vậy chúng tôi mong được xã hội, được người dân đứng đằng sau làm chỗ dựa để yên tâm xông lên”.
Một bác sĩ làm việc tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai cũng chia sẻ: “Người dân Hà Nội không nên có thái độ kì thị nhân viên y tế. Chúng tôi là những người đang phải gồng gánh và căng thẳng chống dịch nhất. Thậm chí ngay cả khi được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, chúng tôi vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh trong những tình huống khó tránh khỏi khi thăm khám, cấp cứu. Vô cùng nhiều kịch bản có thể xảy ra”.
Khi chống dịch Covid-19, chúng ta “không để ai bị bỏ lại phía sau” nhưng không có nghĩa ai đó trong chúng ta đứng ngoài cuộc. Khi mình ung dung đứng ngoài vòng nguy hiểm, có thể thoải mái tự cách ly tại nhà, tránh xa nguồn bệnh nhưng lại kì thị, sợ hãi, làm tổn thương nhân viên y tế chính là sự vô ơn, vô cảm.
GS. TS Nguyễn Anh Trí - nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương lên tiếng khẳng định: Kì thị với y, bác sĩ chuyên ngành truyền nhiễm hoặc những người liên quan đến vùng dịch là tội ác.
PGS. TS Phạm Thanh Bình, UVBCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam kêu gọi: “Hiện nay, hàng trăm ngàn bác sĩ đang phải dấn thân, trực tiếp có mặt trên các tuyến đầu, không quản hy sinh, khó khăn, trực tiếp điều trị cho người bệnh.
Nếu bác sĩ cũng chỉ nghĩ đến cá nhân mình, không xông vào trận tuyến chống dịch, liệu 16/16 ca nhiễm đầu tiên có khỏi bệnh không? Những chiến sĩ áo trắng đang phải toàn tâm, toàn trí cứu tính mạng người bệnh, hy sinh, quên mình, tự nguyện cách ly với gia đình, chấp nhận chịu những rủi ro nghề nghiệp. Vì thế, mọi người hãy đồng hành với chúng tôi bằng những hành động thiết thực”.
Mỗi một lời động viên như tiếp thêm sức mạnh để y, bác sĩ làm việc hăng say, quên mình hơn nữa, góp phần to lớn cho ngày chiến thắng không xa. Mỗi một sự kì thị họ sẽ là một lực cản vô hình mà mỗi người có lương tâm, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng nên dẹp bỏ ngay khi chưa quá muộn.
(Còn nữa)