Trong thời gian vừa qua, mảnh đất màu mỡ thị trường xe ôm công nghệ đang phát triển rực rỡ và nhiều hãng mơ ước được một thửa trong mảnh đất này. Rất nhiều ứng dụng gọi xe mới như VATO, Mai Linh Bike, Aber, Xelu, T.NET hay như FastGo, Go-Viet bước vào mong tranh được thị phần lớn với các ông lớn trước đó.
Nói về sức cạnh tranh, ngoài yếu tố về chất lượng dịch vụ thì tiềm lực tài chính cũng là yếu tố quan trọng chẳng kém. Để nhận định về thị trường gọi xe công nghệ, có lẽ phải kể đến 3 thương hiệu đang quen thuộc nhất hiện nay là Grab, Go-Viet và FastGo.
Grab
Grab vào Việt Nam đầu tháng 2/2014 với loại hình dịch vụ đầu tiên là xe ôm công nghệ. Dù là một trong những kẻ khai phá mảnh đất gọi xe công nghệ và gặp không ít khó khăn nhưng Grab vẫn trở thành "gã khổng lồ" hùng mạnh trong thị trường này.
Theo báo cáo của người tiêu dùng châu Á, tỷ lệ tai nạn giao thông trung bình của Grab thấp hơn 5 lần so với tỷ lệ trung bình của quốc gia, riêng tại Việt Nam và Malaysia tỷ lệ này thấp hơn tới 6 lần. Như vậy, Grab có mặt đã giúp việc di chuyển trở nên an toàn hơn cho hàng triệu hành khách.
Kể từ năm đầu thành lập (2013), ứng dụng Grab tại các thành phố lớn của Đông Nam Á đã được đông đảo người dân ủng hộ, với số lượt tải ứng dụng tăng trưởng 360% mỗi năm.
Giữ thế độc tôn về chất lượng dịch vụ khi thị trường liên tiếp có những hãng mới nhảy vào không phải là dễ. Tuy nhiên, ở thị phần xe ôm công nghệ, Grab luôn có những chính sách chăm sóc khách hàng như giảm giá thường xuyên và các chế độ chăm sóc an toàn như giám sát tốc độ chạy xe; theo dõi các chỉ báo về hành vi lái xe khiến mỗi chuyến đi của hành khách hoàn thiện hơn.
Xét về góc độ tiềm lực tài chính, Grab đang là bên có lợi thế lớn nhất trong trường đua techbike nhờ vốn lưu động mạnh. Được biết, các công ty tài chính đã rót vốn vào Grab trong thời gian qua gồm: OppenheimerFunds, Ping An Capital, Mirae Asset - Naver Asia Growth Fund, Cinda Sino-Rock Investment Management Company, All-Stars Investment, Vulcan Capital, Lightspeed Venture Partners, Macquarie Capitall, Toyota.
Gần đây, Grab đã huy động được cả chục tỉ USD nhằm củng cố và mở rộng dịch vụ tốt nhất đến tay người dùng. Tiềm lực tài chính hùng mạnh giúp Grab không ít trong cuộc chiến giành "ngôi vương" trong thị trường gọi xe trực tuyến.
Go-Viet
Bước chân vào thị trường TP.HCM từ đầu tháng 8/2018, Go-Viet có lợi thế rất lớn là đã được mở đường sẵn, không chịu áp lực của kẻ đi đầu. Hãng chỉ cần chuẩn bị vốn và chiến lược để đối phó với lực lượng xe ôm công nghệ hùng hậu của các hãng đi trước.
Các hãng tiên phong như Grab, Uber chật vật len lỏi vào thị trường Việt, khi người dùng chưa hiểu biết gì về xe ôm công nghệ, về các sử dụng ứng dụng gọi xe, đã phải lăn lộn “educate” cho những tài xế ngu ngơ về smartphone, cải biến những suy nghĩ già cỗi và bảo thủ của rất đông những xe ôm truyền thống. Thậm chí đối mặt với những trận chiến đổ lửa có cả mồ hôi và nước mắt trước đội ngũ xe ôm truyền thống.
Khi thói quen gọi xe đã hình thành trong tiềm thức của người dùng thì hành trình của Go-Viet càng thảnh thơi hơn khi nhiều tài xế của các hãng cũ đầu quân sang với tâm thế được hưởng lợi từ các chiến dịch chào thị trường.
Thế nhưng hành trình của Go-Viet khó có thể nói là suôn sẻ khi chỉ là tân binh nhưng có vẻ đã tỏ ra kém bền vì để xảy ra nhiều lùm xùm về an toàn cho hành khách, phần mềm khó sử dụng hay dùng chiêu khuyến mãi “xổi” cho cả đối tác và khách hàng.
Nói đi cũng phải nói lại, Go-Viet đang được hỗ trợ từ rất nhiều ông lớn công nghệ, đó là sân sau của Go-Jek – hãng gọi xe trực tuyến nổi đình nổi đám ở Indonesia và quỹ đầu tư VinaCapital.
Nếu như có chiến lược đúng đắn và lành mạnh để lấy được lòng tin của người dùng, hãng này chắc chắn sẽ có tiềm lực cạnh tranh lâu dài với các ông lớn gọi xe công nghệ hiện nay.
FastGo
Ra đời vào tháng giữa 6/2018, hãng gọi xe trực tuyến FastGo được hy vọng sẽ làm nên chuyện bởi đây là ứng dụng hoàn toàn của người Việt.
Sau 3 tháng hoạt động, FastGo đã ghi nhận gần 15.000 đối tác lái xe đăng ký tham gia và hơn 50.000 khách hàng đăng ký ứng dụng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Theo CEO của FastGo thì “trung bình mỗi ngày FastGo tăng trưởng 10%”.
Cũng như nhiều hãng gọi xe trực tuyến khác, khi mới bước vào thị trường, FastGo cũng gây được chú ý với các chương trình khuyến mãi sốc, không thu phí tài xế, thưởng cao cho đối tác nhận được nhiều cuốc,… Tuy vậy, hãng vẫn gặp phải khó khăn lớn là lực lượng tài xế quá mỏng khiến cho việc gọi xe còn khó khăn và có đến “40% hủy chuyến”.
Nhưng FastGo vẫn chắc nịch với tham vọng sẽ ra mắt thị trường Indonesia và Myanmar vào cuối năm nay, nhanh chóng chiếm 30% thị phần xe ngay sau khi ra mắt và trở thành số 2 ở các thị trường này sau Grab.
Thời gian qua, FastGo đã gọi vốn được 2,5 triệu USD và Vinacapital Ventures đầu tư vào khoảng 3 triệu USD để phát triển hệ thống. FastGo đang kỳ vọng có thể huy động tiếp lên đến 50 triệu USD trong thời gian tới.
Thực sự mà nói, với tiềm lực tài chính của Fastgo khó có thể theo cuộc đấu lâu dài với Grab vốn dĩ phải tốn rất nhiều tiền bạc và hao tâm tổn trí. Do vậy, hãng này cũng thể hiện muốn hợp tác với một số hãng gọi xe khác như Mai Linh với tham vọng mở rộng thị trường.
Tuy nhiên, trước khi biến tham vọng thành hiện thực, FastGo cũng phải nhìn nhận những điều khách hàng đánh giá là những gì hãng thể hiện vẫn còn rất mờ nhạt, nếu muốn đuổi kịp Grab và Go-Viet thì hãng này còn phải nỗ lực cải thiện rất nhiều về dịch vụ, ứng dụng và hệ thống định vị của mình.
Các hãng nhỏ lẻ khác
Còn một số hãng xe ôm công nghệ khác như Vato, Ixe, Mai Linh Bike, T.Net, Aber cũng đã dấn thân vào lĩnh vực gọi xe công nghệ với mức độ đầu tư lớn nhưng vẫn vắng bóng trong tiềm thức người dùng và chưa thể thấy được tiềm năng trong tương lai.
Có thể nói rằng, trong "cuộc chiến kim tiền", các ứng dụng gọi xe Việt rất khó để chiến thắng, bởi lẽ, ứng dụng gọi xe là mảng đầu tư rủi ro cao, nên không dễ để các “cá mập” sẵn sàng chi khoản tiền lớn, đầu tư lâu dài để cạnh tranh với các đại gia như Grab. Ngay trong chương trình "Quốc gia khởi nghiệp", TGĐ của Mai Linh miền Bắc cũng đã thừa nhận điều đó.