Cuộc đổ bộ của lĩnh vực gọi xe trực tuyến

Thời đại công nghệ 4.0 khiến mọi việc dễ dàng và nhanh chóng hơn. So với việc cách đây không lâu, bạn sẽ phải đội nắng che ô đi tìm một chiếc xe ôm hoặc đợi dài cổ một chiếc taxi đến cổng thì bây giờ chỉ cần ngồi trong nhà, bật ứng dụng trên điện thoại thông minh và “order” một cuốc xe đến đón chỉ trong vài phút.

Chính nhờ nhu cầu đi lại nhanh chóng và tiện lợi lên cao, thị trường gọi xe công nghệ sôi động hơn bao giờ hết. Lĩnh vực này càng trở nên "hot" hơn sau khi "ông lớn" Grab ra tay thâu tóm hãng taxi công nghệ Uber tại Việt Nam.

Thương vụ này đánh dấu sự thành công của Grab nhưng cũng đồng thời mở ra con đường cho các hãng gọi xe công nghệ kiếm miếng bánh thị phần trong lĩnh vực khá mới mẻ.

Ngay sau khi Grab mua lại Uber thì một nhóm kỹ sư công nghệ Việt kiều đã phát triển ứng dụng gọi xe có tên Aber tại TP.HCM. Ban đầu khi ra mắt, Aber đã rất tự tin sẽ chiếm lĩnh thị trường Việt và tung ra nhiều chiêu khuyến mãi, quảng cáo hấp dẫn.

Tuy nhiên, cho đến nay, ứng dụng này hoàn toàn mờ nhạt và những người biết đến Aber chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.

Mai Linh – Thương hiệu taxi Việt được rất nhiều người Việt kỳ vọng cũng bước vào thị trường này nhưng cũng không định danh được tên tuổi của mình.

Một ứng dụng gọi xe ra mắt thị trường vào cuối tháng 6 là FastGo cũng không thể khiến người dùng nhận diện được thương hiệu bởi nó quá lẻ tẻ và không mấy nổi bật. Thậm chí nhiều người còn nhầm hãng này với Go-Viet mới ra mắt đầu tháng 8 - hãng xe được xem là nổi bật nhất sau "ông lớn" Grab.

Miếng bánh thị phần nào to nhất?

Cho đến nay, có thể nói, hãng gọi xe công nghệ đình đám nhất vẫn là Grab. Dù Go-Viet đang nhăm nhe chiếm thị phần của đội ngũ áo xanh đang phủ đầy đường các thành phố lớn thì với một hãng gọi xe trực tuyến lâu năm như Grab, có lẽ Go-Viet hay các hãng khác phải tăng hết tốc lực mới mong đuổi kịp.

Người Việt luôn có tâm lý trung thành và theo thói quen, đã đi cùng một chặng đường sẽ theo lâu dài, vì thế Grab dường như vẫn được nhiều người dùng ưu tiên.

Tính đến nay, Grab đã vào Việt Nam được hơn 4 năm, thời gian không quá dài nhưng cũng không phải ngắn, đủ để ghi dấu ấn trong lòng người Việt, do đó không thể phủ nhận, thị phần của hãng này đang đi đầu trong lĩnh vực gọi xe công nghệ là điều không thể chối cãi.

Những ngày đầu ra mắt, để đối chọi với một Grab “lão làng”, Go-Viet đã tung những chương trình khuyến mãi rất sốc như đồng giá 1.000 đồng, rồi 5.000 đồng và tăng lên 9.000 đồng (chặng dưới 8km).

Nhưng nhiều khách hàng lại phản ánh rằng, không thể gọi được cuốc xe nào vì số lượng rất ít và ở xa. Không ai có thể xác minh hãng này nghẽn mạng do đặt quá nhiều hay tài xế không đủ để phục vụ khách.

Ảnh chụp màn hình của một tài khoản Go-Việt bị khóa.

Không chỉ với khách hàng, Go-Viet  còn đã “thả lưới” các tài xế hãng khác bằng chương trình thưởng tiền đậm “9 chuyến 1 ngày thưởng 220.000 đồng”. Đáng tiếc thay “gậy ông đập lưng ông” khi tài xế của hãng này thi nhau tìm mánh khóe đặt cuốc ảo để rồi tân binh thiếu kinh nghiệm phải mướt mồ hôi hột đi khóa tài khoản của cả xế lẫn khách khi thấy có điểm nghi vấn.

Dường như một chiến dịch ra quân chưa được suy tính kỹ càng và kẽ hở trong phần mềm, cộng với  cách xử lý không khéo léo khi gặp trục trặc với các nhân viên nhà mình đã khiến Go-Viet phần nào mất điểm trong mắt các đối tác và khách hàng khiến cuộc cạnh tranh của họ tại Việt Nam bị đánh giá thấp.

Tấn công thị trường Việt, Go-Viet loay hoay ở hai dịch vụ Go-Bike và Go-Send nhưng người tiêu dùng lại chỉ nhận diện được Go-Bike còn Go-Send còn khá lạ lẫm, trong khi đó Grab đã mở rộng mô hình kinh doanh của mình bằng các dịch vụ như giao nhận hàng hóa, thức ăn, rồi phát triển ví điện tử để cung cấp các dịch vụ tài chính, thậm chí tương lai có thể là cho vay tiêu dùng. Liệu rằng, Go-Viet có thể bơi được trong biển dịch vụ mà Grab tung ra thị trường?

Đầu năm 2017, Grab chỉ có trong tay 30% thị phần, trong khi đối thủ Go-Jek có trong tay gấp đôi với 58% thị phần. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của ABI Research, hiện nay ngay trên thị trường quê hương của Go-Viet (Indonesia), Grab cũng đã đánh bại Go-Jek với 62% thị phần ứng dụng gọi xe công nghệ (tính đến tháng 7/2018).

Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 năm, Grab đã có một cú "lội ngược dòng" ngoạn mục để khẳng định được vị thế khó lòng hãng gọi xe công nghệ nào có thể vượt mặt.

Tháng 8, sau khi ra mắt không lâu tại TP.HCM, Go-Viet tuyên bố đã chiếm 35% thị phần xe ôm công nghệ khiến nhiều người bối rối. Dù cho Go-Viet được tài trợ bởi quỹ đầu tư lớn VinaCapital và trực thuộc một thương hiệu nước ngoài (Go-Jek) thì thị phần có thể coi là khá lớn chỉ sau vài tuần ra mắt cũng khiến nhiều người lên tiếng “không thể tin nổi”.

Để lấy được niềm tin của “thượng đế”, Go-Viet sẽ phải làm nhiều hơn “khoa chân múa tay” và thực hiện hành động để chứng minh giá trị đích thực của mình chứ không phải bằng hàng loạt lùm xùm những cuốc xe ảo, những chương trình giảm giá kịch sàn cho những ngày “chân ướt chân ráo” vào thị trường gọi xe công nghệ.

Ngoài ra, sự vụ Go-Viet chưa được cấp phép kinh doanh càng khiến nhiều người hoang mang khi lựa chọn dịch vụ. Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tính đến ngày 17/9, Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương niêm yết danh sách 59 doanh nghiệp đã được cấp phép ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. Tuy nhiên, Go-Viet không có tên trong danh sách các đơn vị đã được cấp phép. Go-Viet cũng đã có hồi đáp trên truyền thông nhưng vẫn còn rất nhập nhèm rằng “chưa quyết định phương án cuối cùng”.

Điều này có đồng nghĩa với việc Go-Viet đang hoạt động "chui", đang kinh doanh một cách thiếu minh bạch và qua mặt người dùng? Việc người dùng có nên đặt niềm tin vào dịch vụ của "tân binh" hãng gọi xe trực tuyến rất mới này hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào những gì hãng thể hiện trong tương lai.

Theo Thanh Vân/Reatimes.vn