Ra quân ấn tượng
Sự xuất hiện của Go-Viet trên thị trường gọi xe công nghệ thổi bùng làn sóng cạnh tranh ở lĩnh vực này hơn bao giờ hết, thậm chí còn hơn cả thời kỳ Uber và Grab vẫn còn trên một trường đấu.
Một phần vì thị trường này đã được Grab, Uber mở đường, trở thành mảnh đất màu mỡ ai cũng thèm muốn. Nhưng nguyên nhân nổi bật hơn cả là cách mà Go-Viet chào sân một cách rầm rộ và đánh thẳng tâm lý thích giảm giá của người Việt.
Trước Go-Viet, đã có rất nhiều hãng như Vato, Xelo, Fastgo, Aber bước vào cuộc chơi nhưng không được người dùng chú ý đến nhiều bởi họ chưa thực sự đưa ra một chiến dịch truyền thông và marketing hiệu quả.
Go-Viet đến với thị trường xe ôm công nghệ Việt Nam với ưu đãi “sốc” đồng giá 1.000 đồng cho mọi chuyến đi dưới 6km, sau đó tăng lên 5.000 đồng.
Chương trình giảm giá như mơ đưa thẳng Go-Viet vào trường đua xe ôm công nghệ khá dễ dàng. Trên khắp các diễn đàn techbike, người dùng bàn tán sôi nổi, kháo nhau thử nghiệm ứng dụng mới này. Thậm chí, nhiều tài xế của các hãng khác cũng đổ xô đầu quân sang Go- Viet với mong muốn nhận được món tiền thưởng khủng mà hãng đưa ra.
Sự ra mắt rầm rộ của Go-Viet đi kèm 3 lần công bố số liệu thị phần của mình tại thị trường TP.HCM với những con số luỹ tiến hết sức ấn tượng: từ 10% thị phần sau 3 ngày ra mắt tăng lên 15% thị phần sau gần 1 tháng, 35% thị phần sau 2 tháng chạy thử nghiệm đã khiến nhiều người ngạc nhiên xen lẫn hoài nghi nhưng vẫn không làm giảm độ hot của một thương hiệu mới.
Go-Viet đang “lạc trôi” phương nào?
Tuy nhiên, sau 2 tháng chạy chương trình giảm giá hết tốc lực thì Go-Viet đã phải tăng giá lên 10.000 đồng. Go-Jek (Cha đẻ của Go-Viet) được định giá 5 tỷ USD tại vòng gọi vốn gần nhất (hồi tháng 2/2018), trong khi đó, Grab được định giá khoảng hơn 10 tỷ USD (cuối tháng 8). Có giá trị khá cao nhưng Grab vẫn phải bù lỗ chạy các chương trình khuyến mãi ròng rã suốt 4 năm có mặt tại thị trường Việt. Nếu Go-Viet mới 2 tháng đã phải thu hẹp chiến dịch marketing thì quả là sáo rỗng.
Sau khi tăng giá, đã không còn nhiều bóng áo đỏ quen thuộc Go-Viet chạy trên đường, nhiều góc phố các tài xế áo đỏ ngồi chờ dài cổ mới có một khách gọi.
Chia sẻ với chúng tôi, một tài xế Go-Viet, anh Đ.H cho biết, “Hồi mới đầu, tôi nhận chuyến không kịp để chạy, nhưng giờ ế lắm, có khi đứng đợi cả tiếng mới thấy có khách nên cũng chán. Để có chuyến đều đặn thì phải nhận khách xa, hết chương trình thưởng tiền cho lái xe rồi nên tiền săng xe còn không đủ. Vậy nên chả có tinh thần mà nhận chuyến vào giờ cao điểm”.
Chị Mai – một khách hàng thường xuyên của Go-Viet hồi mới ra mắt lại cho rằng, thời gian gần đây chị cũng không còn gọi xe Go-Viet mà quay về với Grab. Vì ứng dụng Go-Viet rất khó gọi, lại còn phải chờ rất lâu khiến việc di chuyển không được như ý muốn. “Sau vài lần không gọi được, tôi không muốn thử lại nữa”.
Việc tung chương trình khuyến mãi "bóc ngắn cắn dài" đã khiến Go-Viet mất điểm trong mắt cả khách hàng và đối tác. Kiểu hủy diệt thị trường trong phút chốc dường như quay lại "gậy ông đập lưng ông cho chính hãng này".
Trả lời phóng viên, Tiến sĩ Phan Lê Bình - Chuyên gia quy hoạch giao thông cho rằng, khuyến mãi sốc và tăng đột ngột sẽ không có lợi vì có thể khiến khách hàng bỏ đi lúc nào không biết: "Chúng ta đang làm việc trong cơ chế thị trường thuận mua vừa bán. Họ đưa giá thấp dân thấy hài lòng thì dân đi, còn nếu họ đưa ra giá cao không tiện lợi và kinh tế bằng các hãng khác thì dân sẽ không chọn Go-Viet nữa. không ai bắt khách hàng chọn cả, họ lựa chọn theo ưu khuyết, giá thành và chất lượng dịch vụ".
Đối với hoạt động chiến dịch marketing quảng cáo, Tiến sĩ Bình cho rằng, để "dìm đối thủ" cũng chẳng hề đáng hoan nghênh vì "Nếu nguồn tiền dồi dào quá mà bất chấp và hạ giá sâu hết mức khiến đối thủ cạnh tranh chết hàng loạt thì đó là cạnh tranh không lành mạnh".
Còn ông Hàng Bá Trí - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ phần mềm Go-ixe cũng không chấp nhận với cách ưu đãi "cật lực" như vậy được và theo ông chỉ nên "tập trung xây dựng nền tảng chung hướng đến các đơn vị vận tải để cùng nhau chia sẻ và phát triển" mới là con đường chiến lược lâu dài.
Sắp tới, chắc chắn sẽ có rất nhiều “đại gia” gọi xe công nghệ sẽ nhắm đến thị phần màu mỡ của Việt Nam. Nếu như các ứng dụng công nghệ không có sự đầu tư, chăm chút khách hàng bằng những chiêu cạnh tranh lành mạnh, e là khó sống chứ chưa cần nói đến thị phần.
Thiết kế ảnh: Link Hoàng