Cùng với kết quả đạt được thể hiện ở niềm vui của cán bộ, đảng viên và nhân dân, những con số tổ chức cơ sở Đảng được củng cố, những vụ việc phức tạp được giải quyết, Nghị quyết số 15-NQ/TU thực sự là động lực nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm đổi mới của các cấp ủy Đảng. Giá trị lâu dài, tầm nhìn chiến lược của thành phố chính là ở điều này.
“Thước đo” trách nhiệm
Ông Lê Xuân Minh, thôn Nỏ Bạn, xã Vân Tảo, (huyện Thường Tín) vẫn nhớ hình ảnh cách đây hơn một năm khi nhận khoản tiền hỗ trợ hoa màu vụ mùa năm 2010 của mảnh đất bị giải tỏa để xây dựng nhà máy bia trên địa bàn. Ông nói: “Chúng tôi đã khiếu kiện nhiều nơi nhưng không được giải quyết. Vậy mà chỉ trong một năm sau khi Thành ủy có chỉ đạo, UBND thành phố về đối thoại đã quyết định chi hơn 1,4 tỷ đồng hỗ trợ cho nhân dân”.
Huyện Thường Tín có 2 vụ việc nêu trong Báo cáo số 102-BC/BTCTU của Ban Tổ chức Thành ủy. Vụ việc giải quyết hỗ trợ hoa màu trên đất thu hồi để xây dựng Nhà máy Bia châu Á - Thái Bình Dương với 466 hộ ở 2 thôn Dương Tảo và Nỏ Bạn, xã Vân Tảo là một trong số đó. Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội” (Nghị quyết 15), Ban Thường vụ Huyện ủy Thường Tín đã xây dựng kế hoạch và thành lập Ban Chỉ đạo gồm 17 thành viên. Xác định vụ việc tại xã Vân Tảo là trọng tâm, Ban Thường vụ Huyện ủy còn thành lập riêng 1 tổ công tác để tập trung giải quyết gồm 28 người. Nhờ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huyện Thường Tín đã phát huy trách nhiệm người đứng đầu, đeo bám, tranh thủ được sự vào cuộc của các sở, ban, ngành và UBND thành phố. Kết quả, huyện đã sớm giải quyết dứt điểm cả 2 vụ việc, trở thành một trong những đơn vị đầu tiên được đưa ra khỏi danh sách theo dõi của thành phố.
Ở các quận, huyện, thị xã, kết quả củng cố tổ chức Đảng yếu kém, giải quyết vụ việc phức tạp xảy ra trên địa bàn đã trở thành “thước đo” đánh giá cán bộ. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Chương Mỹ Trịnh Tiến Tường cho biết: “Nếu đảng ủy xã tôi phụ trách mà không hoàn thành nhiệm vụ hoặc chỉ dừng ở mức hoàn thành nhiệm vụ thì cá nhân tôi năm đó cũng không thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Long Biên Nguyễn Thế Thạch cho biết, người đầu tiên Bí thư Quận ủy yêu cầu báo cáo giải trình khi nảy sinh vụ việc phức tạp trên địa bàn phường là Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy phụ trách địa bàn. Nếu còn vụ việc chưa được giải quyết ở phường thì đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy lúc nào cũng canh cánh lo giải quyết.
Trong khi đó, xuất phát từ mục đích, yêu cầu mà Nghị quyết 15 đặt ra, nhiều địa phương đã khéo léo vận dụng thực hiện các biện pháp gián tiếp củng cố tổ chức Đảng, ngăn ngừa vấn đề phức tạp như đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung xây dựng chính quyền phục vụ... Tiêu biểu như Quận ủy Nam Từ Liêm đã chỉ đạo xây dựng chính quyền thân thiện, trong khi Huyện ủy Đan Phượng lại lấy đột phá là xây dựng nông thôn mới để giải tỏa những bức xúc dân sinh.
Nguyên tắc “3 không”
Nghị quyết 15 cũng đã tạo động lực đổi mới cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng từ thành phố xuống cơ sở. 3 năm qua, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15-CT/TU ngày 16-12-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo” thực sự trở thành “nhạc trưởng”; vừa theo dõi, đôn đốc, vừa hướng dẫn, kiểm tra tình hình thực hiện nghị quyết. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo đã tham gia đối thoại với người dân ở thời điểm “nóng” nhất của những vụ việc phức tạp. Mới đây nhất là vụ việc người dân xã Nam Sơn, xã Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) chặn xe chở rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.
Vừa đổi mới hoạt động của Ban Chỉ đạo, gắn việc thực hiện Nghị quyết 15 với thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU, Thành ủy Hà Nội còn chỉ đạo nghiên cứu, triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ chủ động nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chất lượng đảng viên; tạo cơ chế phòng ngừa những vụ việc phức tạp nảy sinh.
Trong đó, xác định để có giải pháp kịp thời xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố tổ chức Đảng yếu kém thì phải đánh giá chính xác, thực chất chất lượng tổ chức Đảng, đảng viên. Do đó, Hà Nội đã đi đầu cả nước trong đổi mới công tác đánh giá chất lượng tổ chức Đảng và đảng viên. Cụ thể, vào tháng 7-2018, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành quyết định và hướng dẫn triển khai thực hiện đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn hệ thống chính trị. Lần đầu tiên, Thành ủy thực hiện thí điểm đánh giá chất lượng đảng bộ cấp trên cơ sở. Đây là một trong những căn cứ quan trọng giúp Ban Thường vụ Thành ủy xác định được 9 đảng bộ quận, huyện “có vấn đề” phải quan tâm trước khi tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2020-2025.
Điểm sáng được nhân lên từ thực hiện Nghị quyết 15 chính là việc các cấp ủy Đảng từ thành phố xuống cơ sở rất chú trọng việc xây dựng quy chế làm việc, quy chế phối hợp công tác ngày càng chặt chẽ. Đúng như Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy nói về nguyên tắc làm việc “3 không” của Ban Chỉ đạo, đó là: “Không có vụ việc nào không có người giải quyết; không có tồn tại nào mà không có người chịu trách nhiệm và không có khuyết điểm nào mà không ai bị xử lý”.
Nếu không phải một hệ thống chính trị thường xuyên được chăm lo, xây dựng từ những hạt nhân khỏe mạnh, củng cố những nhân tố còn yếu thì Hà Nội khó lòng có thành công trong đợt đầu tiên của dịch Covid-19 vừa qua.
Trong cuộc làm việc với Thành ủy Hà Nội ngày 1-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: “Khi dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng, người dân cả nước đều mong rằng chính quyền thành phố Đà Nẵng cũng làm mạnh như Hà Nội đã làm để sớm dập dịch thành công”… Đó cũng chính là thành quả được bồi tụ từ những chủ trương rất đúng và trúng như Nghị quyết 15.
(Còn nữa)