Tiếp tục ưu tiên đầu tư hạ tầng, phát triển vận tải công cộng, thực hiện chủ trương quản lý phương tiện giao thông... là những phương “thuốc đặc trị” chữa “bệnh” ùn tắc giao thông cho các đô thị lớn, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội. Chắc chắn quá trình triển khai sẽ nhận được nhiều ý kiến trái chiều, song mỗi người cần có nhận thức đúng, vì lợi ích chung.

Hà Nội xây dựng bản đồ giao thông số, có thể tích hợp với dữ liệu camera giao thông trên địa bàn để đưa ra khuyến nghị người dân biết được tình trạng giao thông.

Chủ trương đúng đắn

Trước thực trạng ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp và ngày càng nghiêm trọng, Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội đã ban hành hàng loạt chương trình, kế hoạch lớn. Đáng chú ý như: Chương trình số 06-CTr/TU ngày 29-6-2016 của Thành ủy Hà Nội về việc “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2016-2020”, trong đó lấy đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là khâu đột phá.

Ngày 4-7-2017, HĐND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND về việc thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến năm 2030" với nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm giảm phương tiện giao thông cá nhân đồng thời phát triển vận tải hành khách công cộng, giải quyết bài toán ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, chủ trương đặt ra đã rõ, để hiện thực hóa, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ 6 nhóm giải pháp. Thứ nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nhằm nâng cao năng lực giao thông cho thành phố; trong đó tập trung đầu tư hệ thống đường vành đai; trục hướng tâm và các tuyến đường có tính kết nối; khẩn trương đầu tư đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị... Thứ hai, tăng cường công tác duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng và tổ chức giao thông nhằm phát huy tối đa hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có. Thứ ba, phát triển vận tải hành khách công cộng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và giảm ô nhiễm môi trường. Thứ tư, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông đô thị. Thứ năm, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Thứ sáu là tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm tăng tính răn đe và ngăn ngừa các hành vi vi phạm.

Quyết liệt quản lý phương tiện giao thông cá nhân

Đề cập tới Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội, phân vùng hạn chế xe máy và nghiên cứu thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường, nhiều chuyên gia bày tỏ sự ủng hộ và nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ tất yếu trong quá trình phát triển.

GS.TS Vũ Thị Vinh, nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam cho rằng, đây là những đề xuất mang tính đồng bộ và cần thiết. Tuy nhiên, chủ trương này cần được thực hiện theo lộ trình cùng với những điều chỉnh phù hợp.

Còn PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) nhận định, để thay đổi thói quen đi lại của người dân từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng là một cuộc cách mạng. Chắc chắn việc dừng hoạt động của xe máy và thu phí ô tô vào nội đô sẽ nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, mỗi người cần có nhận thức đúng, vì lợi ích chung.

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Vũ Văn Viện khẳng định, đây là chủ trương lớn, cần thiết phải triển khai song lại là vấn đề phức tạp và nhạy cảm, tác động lớn đến đông đảo người dân. Do đó, quan điểm của Sở là phải nghiên cứu kỹ và chỉ triển khai khi có đủ điều kiện.

Giải pháp lâu dài đã rõ, song trước mắt rõ ràng đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển vận tải công cộng, ứng dụng giải pháp công nghệ mới trong điều hành giao thông, phổ biến pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông... là những việc cần phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ. Đối với kiểm soát phương tiện, mới đây, thành phố đã có chủ trương các điểm kinh doanh không thiết yếu mở cửa sau 9 giờ hằng ngày cũng là giải pháp được dư luận đồng tình; nếu thực hiện hiệu quả sẽ góp phần hạn chế mật độ giao thông trong giờ cao điểm.

Nhằm từng bước xây dựng giao thông thông minh, thành phố đang nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu (số hóa) về hạ tầng và phương tiện giao thông; xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến để phục vụ quản lý, điều hành và điều tiết giao thông. Bản đồ này có thể cung cấp tình hình giao thông thực tế cho người dân biết để tránh các điểm ùn tắc.


Theo Hà Nội Mới