Vào tối ngày 25/11/2015, anh X là một doanh nghiệp, trú tại quận Long Biên, Hà Nội mời một số đối tác đến ăn tối tại nhà hàng ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Kết thúc bữa ăn cả 6 khách hàng cùng “phát sốt” khi nghe nhân viên nhà hàng cho biết hóa đơn của bữa ăn có “dưa chuột chẻ VIP” hết 25.543.100đ.
Bữa ăn có giá gần 26 triệu này nhanh chóng gây thu hút và có nhiều ý kiến trái chiều. Không ít độc giả ngạc nhiên bởi những món ăn, đồ uống rất đơn giản nhưng có giá được cho là “trên trời”.
Cụ thể đĩa “dưa chuột chẻ VIP” có giá 69.000đ/đĩa, ổi xanh có giá 175.000đ/đĩa, món ăn chính là Sâm cầm được nhà hàng tính 1.700.000đ/con.
Tuy nhiên, cũng nhiều người khẳng định, bữa ăn tiếp đối tác, ở các nhà hàng sang trọng như vậy, giá tiền thanh toán gần 26 triệu là quá bình thường, không có gì là quá đáng hay ăn chặn của khách cả.
Trên một diễn đàn mạng, bạn đọc tên Trang từng là khách hàng của nhà hàng này có viết: Bữa ăn có rượu Macallan 18 năm, chim sâm cầm, xì gà xịn và nhiều món nhậu khác mà có giá 26 triệu đồng là bình thường.
Cộng thêm ăn ở những quán “VIP” thì sẽ phải chịu chi phí phục vụ, tiếp khách cao hơn những quán bình dân khác.
Cụ thể ta có thể so sánh một chút về giá của loại rượu Macallan. Macallan 18 trước đây giá khá mềm mại chỉ rơi vào khoảng 150 USD vào những năm 2008 nhưng đến nay thì giá cho một chai Macallan 18 là vào khoảng hơn 250 USD (khoảng 5.212.000 VND).
Nhưng đây là giá gốc của loại rượu này, và một số nhà nhà hàng sang trọng khác ở Hà Nội cũng có giá bán rơi vào khoảng trên dưới 6 triệu đồng.
Chia sẻ với người viết bài, một khách hàng tên Duy chia sẻ, từng chứng kiến hai người bạn vào gọi hai chai rượu ngoại có giá hơn 13 triệu đồng. Mà họ vẫn thản nhiên, vui vẻ thanh toán.
Do vậy bữa ăn của anh X và các đối tác không có gì lạ cả. Với hai chai rượu Macallan giá gốc đã là trên 5 triệu đồng/ chai. Sâm cầm giá 1,7 triệu là hợp lý, các món khác cũng không gọi là đắt đỏ khi đem so với các quán khác.
Theo khảo sát, một số quán bình dân của Hà Nội hóa đơn cũng đắt đỏ không kém. Hơn nữa, ở các nhà hàng hạng sang hóa đơn không chỉ tính theo giá trị thực phẩm, đồ uống mà còn là phí dịch vụ.
Tương tự, nhiều độc giả cũng có ý chê trách người khách hàng hơn là số tiền của nhà hàng: “Ăn nhậu sang, dùng rượu Macallan 18 năm, chim sâm cầm, xì gà xịn mà hết 26 triệu cũng không phải bị tính oan nhiều nhặn gì cho cam.
Vì chỉ 3 món nhậu trên cũng đã chiếm khoảng 20 triệu đồng rồi. May là còn chưa dùng Macallan loại 30 năm đấy, loại này có giá khoảng 50 đến 55 triệu đồng 1 chai.”
“Giá này bình thường mà, Sài Gòn những nhà hàng như Việt Xưa và các nhà hàng ở quận 1 thì sâm cầm không có giá 1.700.000đ/con đâu. Giá vậy là rẻ đó, chứ ở đây 1 dĩa rau muốn xào là 90.000 đồng rồi mà có vài cọng.
Các bạn ạ, dưa chuột hữu cơ em mua đã 32.000/kg thì đĩa dưa chuột kia nhìn đã thấy rất ngon rồi mà người ta tính 69.000 đồng cũng không hề đắt, ổi ai mua đc 175.000/40kg thì em gọi bằng thánh vì hóa ra ổi có hơn 4000/kg ạ? Ai cũng muốn ăn uống ngon, sạch, nguyên liệu vừa ngon, vừa đảm bảo, dịch vụ tốt, địa điểm đẹp, sang trọng mà muốn trả giá bình dân thì người ta lấy gì để phụ vụ?”.
Một khách hàng còn tỏ ra bức xúc: “Chai rượu Macallan 18 bán 6,7 triệu thì có gì mà đắt. 6 người uống hết 2 chai rượu Single Malt theo kiểu ăn nhậu thế này đủ biết độ quê mùa của khách hàng rồi.
Single Malt người ta uống để thưởng thức chứ uống thế này phí rượu. Đúng là “trưởng giả học làm sang””.
Có thể thấy, những hóa đơn có giá cao ngất trời ở các nhà hàng sang trọng không có gì là lạ. Đối với những người thường ăn nhà hàng, họ bình thản thanh toán và lần sau vẫn tiếp tục lui tới.
Lí do họ tới ăn không bởi giá trị của đồ ăn mà còn ở cung cách phục vụ. Những nhà hàng sang trọng họ luôn quan tâm tới khách hàng của mình từ những điều nhỏ nhất.
Ngay khi khách hàng của họ bước xuống xe đã có người nghiêng mình cúi chào, tận tình chỉ dẫn. Nhân viên luôn niềm nở và chu đáo, cố gắng làm hài lòng khách hàng nhiều nhất có thể.
Do đó, khi thanh toán hóa đơn họ không chỉ thanh toán dựa trên những đồ ăn khách gọi, mà còn thanh toán cả một phần phí mà người ta gọi là phí dịch vụ. Điều này chỉ có ở những nhà hàng “VIP”.
Và đương nhiên khách hàng tới ăn cũng phải “VIP” nếu không sẽ rất dễ bị choáng và giật mình khi cầm tờ hóa đơn trên tay.
Thực tế cho thấy, với những khách hàng muốn ăn ở quán “VIP” với chất lượng phục vụ tốt nhất, được đúng là “thượng đế” thì cái giá tiền bỏ ra cũng phải đáng so với những gì nhận được.
Do vậy, muốn ăn nhậu ở những quán sang thì phải là những người thật sự “chịu chơi” chứ không thể là những người ăn chơi kiểu “nhà quê” ra tỉnh được. Nếu không sẽ còn nhiều những câu chuyện mà dân tiếp khách đọc sẽ thấy buồn cười như tiếp diễn.
Và có lời khuyên cho những khách hàng muốn lui tới những nhà hàng sang trọng thì cần biết quy tắc tính tiền, và phải chuẩn bị cả “vật chất cũng như tinh thần” để không cảm thấy bất ngờ hay thấy không thỏa đáng./.