Bếp ăn tập thể là nơi nấu nướng, cung cấp suất ăn cho một tập thể đông người. Bởi liên quan trực tiếp tới sức khỏe của nhiều người một lúc nên bếp ăn tập thể cần phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định về ATTP…
Chính vì thế, ngoài sự chú trọng phối hợp vào cuộc của ngành Y tế, các DN cũng cần xác định sức khỏe công nhân là “sức khỏe” DN đồng thời chịu trách nhiệm bảo đảm ATTP cho công nhân, DN mình. Có như vậy mới bảo đảm ATTP, cải thiện sức khỏe, tái sản xuất sức lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động cũng như năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng DN phát triển vững mạnh.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), khoảng 70% số vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn cả nước thời gian qua là do sử dụng suất ăn từ nơi khác chuyển đến phục vụ công nhân. Cũng theo Cục An toàn thực phẩm thì mùa hè nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, thực phẩm dễ ôi thiu, nhiễm khuẩn, nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể cao hơn so với thời điểm khác trong năm. Hơn nữa, nguồn thực phẩm nguyên liệu cung cấp cho bếp ăn tập thể rất đa dạng, nên khó kiểm soát về chất lượng, an toàn.
Kiểm soát được thực phẩm đầu vào là một cách để mang tới một bếp ăn tập thể an toàn cho người lao động. |
Được biết trên địa bàn Hà Nội hiện có trên 65.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm với trên 4.000 bếp ăn tập thể (trong đó có gần 500 bếp ăn tập thể KCN). Trong những năm qua công tác quản lý ATTP các bếp ăn tập thể đã được chú trọng quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể KCN mà nguyên nhân chủ yếu do các bệnh truyền qua thực phẩm tại các bếp ăn tập thể do chưa thực hiện các quy định điều kiện bảo đảm về ATTP, đặc biệt nguồn gốc nguyên liệu chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ, nhận thức của người chế biến còn hạn chế…
Bà Hà Linh Chi, đại diện Cty TNHH Panasonic Appliances Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh) cho biết, qua kiểm tra đơn vị nhận thầu dịch vụ bếp ăn của Cty, họ đều có hợp đồng nhập thực phẩm. Tuy nhiên, Cty không thể kiểm soát được thực phẩm đầu vào có đúng như trong hợp đồng hay không. Thậm chí, Cty đã sử dụng cả bộ test nhanh để kiểm tra độ an toàn của thực phẩm, song biện pháp này cũng không bảo đảm tuyệt đối.
“Khó khăn chung chính vẫn là vấn đề ý thức của bên nhà thầu cung cấp thực phẩm, bởi nhiều khi những giấy tờ chứng minh sẽ không đảm bảo phản ánh chính xác được độ an toàn của thực phẩm. Thực tế, Cty chúng tôi đã sử dụng các biện pháp để kiểm soát độ an toàn của thực phẩm ví dụ như test thực phẩm. Nhưng biện pháp này mang tính xác suất rất cao. Vì vậy, Cty rất mong muốn các cơ quan chức năng có chế tài cho nhà cung cấp để tránh trường hợp các nhà cung cấp thực phẩm sử dụng giấy tờ “ma”!”, bà Chi đề nghị.
Khi được hỏi về chất lượng bữa ăn của công nhân, chị N.T.M, công nhân tại KCN Thăng Long, cũng bày tỏ sự lo lắng: “Cty tôi đang làm việc cũng đã quan tâm đến suất ăn cho công nhân với thực đơn đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, về nguồn gốc thực phẩm thì người lao động không được biết, nên vẫn có phần bất an trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm tiềm ẩn…”.
Thực tế trên cho thấy, rõ ràng lương tâm, trách nhiệm của các nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn là yếu tố quyết định sự an toàn cho những người tiêu dùng, cụ thể ở đây là những người lao động đang làm việc tại các KCN.
Đại diện cho tiếng nói của những người lao động, ông Đỗ Tiến Đản – Trưởng Văn phòng đại diện Ban quản lý các KCN & Chế xuất Hà Nội cho biết: Về vấn đề này, các cơ quan quản lý có trách nhiệm khuyến cáo, Ban quản lý cùng Sở Y tế cũng đã chỉ đạo và hướng dẫn các DN trong việc này. Tuy nhiên, trách nhiệm cuối cùng vẫn là lãnh đạo các DN, nhất là các DN nước ngoài. Theo ông Đản, các DN nước ngoài thuê đất tại các KCN cần chủ động hơn trong vấn đề quy mô sản xuất, hay diện tích xây dựng bếp ăn tập thể cũng như kế hoạch cân đối mua thực phẩm.
Đánh giá công tác thanh, kiểm tra và xử lý các sai phạm trong lĩnh vực ATTP là rất quan trọng, đại diện lãnh đạo Sở Y tế cho hay, hàng năm Sở Y tế đã tham mưu cho UBND TP xây dựng Kế hoạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hàng năm, trong đó có vấn đề về thanh, kiểm tra, chỉ đạo thanh kiểm tra liên ngành và chuyên ngành, theo các lĩnh vực y tế, nông nghiệp và công thương. Đối với hoạt động truy xuất nguồn gốc thực phẩm, Sở Y tế Hà Nội cũng đã phối hợp rất chặt chẽ với các ban ngành, điển hình là ngành y tế, CA… triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ngăn chặn các vi phạm về ATTP, công bố danh sách các đơn vị, cá nhân sai phạm lên các phương tiện thông tin đại chúng.
Có thể nói ngoài việc tăng cường đảm bảo cơ sở vật chất tại bếp ăn, KCN cần tạo điều kiện bếp ăn triển khai đúng chuẩn, chỉ có bếp ăn đủ điều kiện mới cho hoạt động. Cán bộ tham gia trực tiếp chế biến, bếp ăn cần rà soát, phải được bồi dưỡng kiến thức về ATTP, khám sức khỏe theo định kỳ… có như vậy một bếp ăn tập thể an toàn cho người lao động mới thực sự đi vào thực tế.
Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/bao-dam-an-toan-tu-bep-an-tap-the-cho-nguoi-lao-dong-157312.html