Lượng rác thải nhựa do con người thải ra môi trường đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất. Đây là những con số đáng báo động về ô nhiễm rác thải nhựa. 

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), trong 50 năm qua, lượng nhựa được tiêu dùng không ngừng tăng lên, hiện đã tăng gấp 20 lần và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Gần 1/3 số túi nilon mà con người sử dụng không được thu gom và xử lý.

Trên thế giới cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được bán ra, mỗi năm hơn 5.000 tỉ túi nilon được tiêu thụ. Để hình dung về quy mô rác thải nhựa, túi nilon thì các chuyên gia đã ước tính khối lượng rác nhựa do con người thải ra mỗi năm đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất. Trong đó có khoảng 13 triệu tấn rác nhựa trôi nổi, đổ ra đại dương.

Khoảng 13 triệu tấn rác nhựa trôi nổi, đổ ra đại dương khiến môi trường sống của các loài sinh vật biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Trước đó, tại Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Bộ TN&MT và các thành viên của Liên Minh tái chế bao bì PRO Việt Nam ngày 11/9, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, vấn đề rác thải biển và ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà loài người đang phải đối mặt.

Việt Nam được nhận định là 1 trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất, với khoảng 1,8 triệu tấn ra môi trường mỗi năm. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người cũng tăng nhanh chóng từ 3,8kg/năm/người năm 1990 lên 41kg/năm/người vào năm 2015. Đáng nói, việc nhập khẩu phế liệu nhựa vẫn tăng theo cấp số nhân, năm 2016 là 18,548 tấn, năm 2017 là 90,839 tấn và 9 tháng năm 2018 là 175.000 tấn.

Ước tính lượng rác thải nhựa thải xuống biển đến năm 2050 sẽ nhiều hơn lượng cá. Ảnh: Lekima Hùng.

Ước tính lượng rác thải nhựa thải xuống biển đến năm 2050 sẽ nhiều hơn lượng cá (tính theo trọng lượng), đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái và môi trường đại dương. Nhiều nơi trên trái đất đã và đang trở thành những bãi rác thải nhựa "khổng lồ" mà chưa được xử lý, có thể sẽ phải mất rất nhiều thời gian để tự huỷ một cách tự nhiên. 

Còn ở Việt Nam, thống kê bình quân cho thấy mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng. Riêng Hà Nội và TP.HCM trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon.

Trên thế giới cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được bán ra - Ảnh minh họa.

Ngoài ra, thống kê của Bộ TN&MT cho thấy, chỉ tính riêng 2 TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày đã thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Riêng Hà Nội, thải ra 4.000 - 5.000 tấn rác mỗi ngày, trong đó rác thải nilon chiếm 7 - 8%.

Thực tế, rác thải nhựa đang gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống người dân. Theo các nhà khoa học, vi hạt nhựa ẩn chứa các nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người có thể gây ảnh hưởng đến phổi, đường hô hấp. Trong chất thải nhựa chứa khí carbon và hydro nên khi bị đốt cháy sẽ thải ra khí độc hại với con người.

Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ vấn đề rác thải rắn nói chung và rác thải nhựa nói riêng, Bộ TN&MT đã và đang tích cực hợp tác với các bên liên quan nhằm cùng tìm kiếm giải pháp bảo vệ môi trường và bảo tồn tài nguyên biển thông qua việc tăng cường hiệu quả quản lý chất thải rắn, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, xây dựng cơ chế trách nhiệm mở rộng của các nhà sản xuất, hỗ trợ các sáng kiến thân thiện môi trường hướng tới một Việt Nam phát triển bền vững.

Chia sẻ mục tiêu, tầm nhìn và trách nhiệm về thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, Bộ TN&MT đã hợp tác với các thành viên của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) nhằm thúc đẩy hoạt động giảm thiểu, phân loại, thu gom và tái chế rác thải.

Sự hợp tác này thể hiện cam kết mạnh mẽ của cả hai bên cùng thúc đẩy các chương trình hành động cụ thể và thiết thực nhằm hướng đến tầm nhìn “Vì một Việt Nam xanh, sạch, đẹp” của PRO Việt Nam và bảo vệ môi trường và bảo tồn tài nguyên cho một Việt Nam phát triển bền vững của Bộ TN&MT.

Theo Kinh Tế Môi Trường