1. Bảo hiểm xe máy bắt buộc là gì?

Bảo hiểm xe máy hay còn gọi chính xác là Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới có tác dụng là khi xảy tai nạn thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thay chủ xe cơ giới chi trả về mặt tài chính trường hợp thiệt hại về người và tài sản cho bên thứ ba trong phạm vi của bảo hiểm.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật giao thông 2008 quy định về các giấy tờ mà người điều khiển phương tiện phải mang theo bao gồm Đăng ký xe, Giấy phép lái xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới và Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới ( hay còn được gọi là bảo hiểm xe) do đó Bảo hiểm xe bắt buộc phải mua.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật giao thông 2008 thì khi tham gia giao thông bắt buộc chủ phương tiện cơ giới phải mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. (Ảnh: Hương Ly) 

2. Người sở hữu bảo hiểm xe máy sẽ được hưởng các quyền lợi sau:

Không bị xử lý vi phạm về lỗi không mang hoặc không có Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019).

Được bồi thường thiệt hại về thân thể, tính mạng và tài sản đối với bên thứ ba do chủ xe cơ giới gây ra. (khoản 1 điều 7 Nghị định 103/2008).

Được bồi thường thiệt hại về thân thể và tính mạng của hành khách theo hợp đồng vận chuyển hành khách do chủ xe cơ giới gây ra (khoản 2 điều 7 Nghị định 103/2008).

3. Hiện nay trên thị trường phân phối rất nhiều loại bảo hiểm xe máy. Vậy bảo hiểm nào mới được chấp nhận?

Quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 103/2008 thì Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (sau đây gọi là Giấy chứng nhận bảo hiểm) là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự giữa chủ xe cơ giới với doanh nghiệp bảo hiểm.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật giao thông 2008 thì khi tham gia giao thông bắt buộc chủ phương tiện cơ giới phải mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới do đó chủ phương tiện cơ giới phải mua “bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới” thì mới đúng quy định.

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. (Ảnh: Hương Ly)

4. Quy trình, thủ tục, hồ sơ để được hưởng bảo hiểm xe máy

Quy trình hưởng bảo hiểm xe máy được quy định tại Điều 15, Điều 16 Thông tư 22/2016 Bộ tài chính:

Khi xảy ra tai nạn chủ phương tiện cơ giới phải có trách nhiệm thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm để phối hợp giải quyết đồng thời thông báo cho cơ quan công an và chính quyền địa phương nơi gần nhất.

Chủ phương tiện cơ giới không được tự ý di chuyển, tháo hoặc sửa chữa tài sản khi chưa được doanh nghiệp bảo hiểm cho phép.

Trong vòng 5 ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn chủ phương tiện cơ giới phải gửi thông báo bằng văn bản theo mẫu và các tài liệu quy định trong hồ sơ yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của chủ xe cơ giới.

Hồ sơ để được hưởng bồi thường bảo hiểm được quy định tại Điều 14 Thông tư 22/2016 Bộ tài chính như sau:

1. Tài liệu liên quan đến xe, lái xe (Bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đã đối chiếu với bản chính):

a) Giấy đăng ký xe.

b) Giấy phép lái xe.

c) Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc các giấy tờ tuỳ thân khác của lái xe.

d) Giấy chứng nhận bảo hiểm.

2. Tài liệu chứng minh thiệt hại về người (Bản sao của các cơ sở y tế hoặc bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm), tùy theo mức độ thiệt hại về người có thể bao gồm một hoặc một số các tài liệu sau:

a) Giấy chứng thương.

b) Giấy ra viện.

c) Giấy chứng nhận phẫu thuật.

d) Hồ sơ bệnh án.

đ) Giấy chứng tử (trong trường hợp nạn nhân tử vong).

3. Tài liệu chứng minh thiệt hại về tài sản:

a) Hóa đơn, chứng từ hợp lệ về việc sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra do chủ xe thực hiện tại các cơ sở do doanh nghiệp bảo hiểm chỉ định hoặc được sự đồng ý của doanh nghiệp bảo hiểm.

b) Các giấy tờ chứng minh chi phí cần thiết và hợp lý mà chủ xe đã chi ra để giảm thiểu tổn thất hay để thực hiện theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.

4. Bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan có thẩm quyền về vụ tai nạn (trừ trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều này):

a) Biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn.

b) Sơ đồ hiện trường, bản ảnh (nếu có).

c) Biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến tai nạn.

d) Thông báo sơ bộ kết quả Điều tra ban đầu vụ tai nạn giao thông.

đ) Các tài liệu khác có liên quan đến vụ tai nạn (nếu có).


Theo H.Vi/Đô Thị Mới