Mở đầu bài viết, tác giả đã nhắc lại nhận định của giới chuyên gia y tế được kênh CNN chia sẻ trước đó lý giải cách thức Việt Nam - một nước không giàu có, cũng không có hệ thống y tế tiên bộ vượt bậc, cho đến nay lại không ghi nhận ca tử vong nào do dịch COVID-19, đó là do Việt Nam đã hành động sớm và nhanh.

Theo tác giả, Việt Nam đã có sự chuẩn bị sẵn sàng phòng chống dịch bệnh tại thời điểm mà nước này phát hiện ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên vào ngày 23-1.

Khử trùng hành lý của công dân từ Hàn Quốc trở về. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Tác giả nhắc đến việc Việt Nam nhanh chóng triển khai biện pháp kiểm tra thân nhiệt tại sân bay ngay từ đầu tháng Một đối với các hành khách trở về từ Vũ Hán - tâm dịch COVID-19, bất chấp việc cả Trung Quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khi đó khẳng định không có bằng chứng virus này có khả năng lây nhiễm giữa người và người.

Chỉ một tuần sau đó, các quan chức chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng triển khai các quy định cách ly y tế tại các cửa khẩu, bến cảng và sân bay.

Tác giả cũng điểm lại thời điểm Việt Nam tuyên bố dịch bệnh trên cả nước vào ngày 1-2 dù thời điểm đó, Việt Nam mới chỉ ghi nhận 6 ca nhiễm.

Toàn bộ các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc ngừng khai thác sau khi Việt Nam quyết định ngừng cấp thị thực cho công dân Trung Quốc một ngày sau đó.

Đến cuối tháng 4-2020, chỉ sau ba tuần phong tỏa, Việt Nam gỡ bỏ các quy định giãn cách xã hội và không ghi nhận bất cứ ca nhiễm mới nào trong nước.

Hoạt động kinh doanh, trường học tại Việt Nam đã mở cửa trở lại và cuộc sống đang dần trở lại nhịp độ bình thường.

Mới đây, Hãng tin CNN của Mỹ cũng đã có bài viết ca ngợi thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Bài viết nhấn mạnh một loạt các biện pháp hiệu quả mà Chính phủ Việt Nam thực hiện đã đem lại thành công.

CNN cho biết, quốc gia với dân số 97 triệu người chưa ghi nhận bất kỳ ca tử vong nào liên quan tới COVID-19 và tới nay chỉ có 328 trường hợp nhiễm bệnh cho dù Việt Nam có đường biên giới dài với Trung Quốc và mỗi năm có hàng triệu khách du lịch Trung Quốc nhập cảnh.

Kết quả này càng đáng ghi nhận khi Việt Nam chỉ là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp với hệ thống y tế kém phát triển hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, Việt Nam chỉ có 8 bác sỹ trên 10.000 người dân, tỷ lệ chỉ bằng 1/3 ở Hàn Quốc.

Theo CNN, tốc độ ứng phó cùng với công tác truyền thông công cộng hiệu quả chính là nguyên nhân của sự thành công của Việt Nam.

Các hành động của Việt Nam từ cuối tháng 1 và đầu tháng 2 được thực hiện sớm hơn rất nhiều so với nhiều nước khác. Hơn nữa, ngay từ ban đầu, Chính phủ Việt Nam đã tuyên truyền rõ ràng, minh bạch cho người dân về dịch bệnh. Các trang web, đường dây nóng và các ứng dụng điện thoại di động được thành lập để cập nhật cho người dân về diễn biến mới nhất của dịch bệnh cũng như đưa ra các khuyến cáo y tế. Bộ Y tế Việt Nam cũng thường xuyên gửi những khuyến cáo tới người dân thông qua hệ thống tin nhắn qua điện thoại.

Bộ máy truyền thông lớn của Việt Nam cũng đã được huy động, nâng cao nhận thức của người dân về dịch bệnh trên hệ thống loa phát thanh, áp phích đường phố, báo chí và mạng xã hội.

Trước đó, diễn đàn đối thoại chính sách nổi tiếng East Asia Forum ngày 28-5 đã có bài viết đánh giá Việt Nam là một trong những nước thành công nhất ở châu Á trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.

Theo bài viết, Việt Nam đã thể hiện sự công khai, minh bạch cao trong đối phó với khủng hoảng dịch bệnh, thường xuyên thông tin trên truyền hình và cập nhật cho người dân về tình hình dịch bệnh thông qua tin nhắn. 

Không chỉ vậy, lực lượng quân đội và công an đều giành được tình cảm của người dân khi luôn sát cánh với người dân trong cuộc chiến chống dịch bệnh, đẩy uy tín của hai lực lượng này tăng lên mức chưa từng có.

Bài viết khẳng định sự lãnh đạo hiệu quả của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng danh tiếng của Việt Nam trên trường quốc tế, đem lại một hình mẫu để các quốc gia khác trong khu vực với nguồn lực hạn chế có thể học hỏi trong việc khống chế dịch bệnh COVID-19.

Không chỉ khống chế thành công dịch COVID-19, Việt Nam còn hỗ trợ trang thiết bị y tế cho các nước khác, thậm chí còn hợp tác sản xuất bộ đồ bảo hộ y tế cho Mỹ. East Asia Forum nhấn mạnh, sự hỗ trợ của Việt Nam đã phản ánh tinh thần và ý thức trách nhiệm của đất nước đối với cộng đồng quốc tế.

Ngoài việc ưu tiên các nguồn lực cho chống dịch, Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều chính sách nhằm giảm nhẹ tác động kinh tế của dịch COVID-19. Điển hình là việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị số 11, trong đó đề ra các biện pháp nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Bài viết kết luận Việt Nam có khả năng phục hồi nhanh sau đại dịch nhờ sự lãnh đạo hiệu quả của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng với năng lực và sự kiên cường của chính phủ. Thành công trong khống chế đại dịch sẽ giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầy hứa hẹn cho các công ty phương Tây đầu tư trong giai đoạn hậu COVID-19, đặc biệt là các công ty từ Mỹ hay châu Âu.

Theo Pháp luật & Xã hội