Dòng vốn ngoại thời Covid-19
Tính đến hết ngày 19/5/2020, TP Hà Nội đã thu hút được 1,045 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với 255 dự án được cấp mới tổng số vốn đăng ký là 327 triệu USD; 63 lượt dự án tăng vốn với số vốn bổ sung 378 triệu USD; 468 lượt góp vốn mua cổ phần đạt 340 triệu USD. Xếp hạng theo quốc gia và vùng lãnh thổ, Singapore dẫn đầu với 262,7 triệu USD, chiếm 25,1% tổng số vốn đăng ký FDI. Tiếp đến là Nhật Bản đạt 230 triệu USD, chiếm 22%; Đài Loan 185,5 triệu USD, chiếm 17,7%; Hàn Quốc 106,9 triệu USD, chiếm 10,2%.
Các dự án lớn đã được cấp phép gồm: Dự án Nidec Chaun Choung Việt Nam (NĐT Nhật Bản đầu tư qua Đài Loan) – 174,5 triệu USD; Dự án Hanoi Lotte World Aquarium (Hàn Quốc) – 47 triệu USD; Dự án Công trình văn phòng 29 Liễu Giai (Twin Peaks) tăng vốn – 246 triệu USD; Dự án Trung tâm tài chính thương mại và các công trình phụ trợ (TSQ Việt Nam) tăng vốn – 67,5 triệu USD. Những động thái trên đã một lần nữa khẳng định, dòng vốn đầu tư nước ngoài dù đang chậm lại bởi đại dịch Covid-19, song vẫn tìm đến Hà Nội.
Tại cuộc làm việc của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ với Tổng Giám đốc AEON MALL Việt Nam Tetsuyuki Nakagawa, đại diện AEON MALL đã chia sẻ kế hoạch đầu tư Dự án bãi đỗ xe kết hợp trung tâm thương mại tại Bến xe Giáp Bát (Hà Nội). Theo ông Nakagawa, nếu được chấp thuận, AEON MALL sẽ đầu tư một dự án có tổng vốn đầu tư lớn nhất từ trước tới nay mà Tập đoàn đã đầu tư tại Việt Nam.
Thậm chí, AEON MALL đang nghiên cứu để triển khai một số dự án trung tâm thương mại khác trên địa bàn Hà Nội. Hay dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu - Phát triển của Tập đoàn Samsung tại Hà Nội với số vốn 200 triệu USD là minh chứng cho sự quyết tâm, hướng tới mục tiêu tăng trưởng theo chiều sâu của giới đầu tư nước ngoài.
Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội Takeo Nakajima phân tích, Uniqlo, Aeon và nhiều tập đoàn nổi tiếng khác của Nhật Bản muốn thâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam. Các DN Nhật Bản mong muốn sẽ được hợp tác với các DN Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài, với việc kiểm soát dịch bệnh được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, cùng với môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, sức hút từ thị trường tiềm năng, Hà Nội sẽ được xem là điểm đến thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại sau đại dịch.
Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, dự kiến đến hết tháng 6, TP Hà Nội sẽ thu hút được 2,764 tỷ USD (tăng hơn 1,7 tỷ USD so với thời điểm cuối tháng 5/2019).
Chủ động các giải pháp đón nhà đầu tư lớn
Hai năm liên tiếp 2018 và năm 2019, thu hút FDI của TP Hà Nội đứng đầu cả nước. Đặc biệt, trong năm 2019, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trong năm đạt 8,669 tỷ USD, cao nhất sau năm 30 năm mở cửa và hội nhập. Trong đó, vốn đầu tư giải ngân trong năm 2019 đạt 6,9 tỷ USD, đạt 79,6% vốn đầu tư đăng ký trong năm (tăng 3 lần so với năm 2018). Với sự vào cuộc mạnh mẽ của Đảng bộ và Chính quyền UBND TP trong công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư, dự kiến năm 2020 TP Hà Nội sẽ thu hút được từ 5 - 6,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.
Trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội, TP chọn 3 khâu đột phá là cải cách hành chính, xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, Hà Nội lấy vấn đề xây dựng TP thông minh làm nội dung trọng tâm để thu hút đầu tư, tạo cú hích cho phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế những năm sau này của TP.
TP xác định một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khai thác được các lợi thế của Thủ đô cũng như các thế mạnh của các tỉnh, TP trong vùng, bao gồm: Lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ và hiện đại: giao thông, khu đô thị thông minh, hạ tầng cấp nước, thoát nước, môi trường; Lĩnh vực sản xuất, gia công, trong đó, ưu tiên các ngành, lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy hải sản và thực phẩm; áp dụng công nghệ mới, công nghệ tự động hóa tiên tiến và in 3-D, sử dụng ít năng lượng hoặc năng lượng tái tạo, tạo thêm việc làm với mức lương cao hơn và người lao động được phát triển kỹ năng, tay nghề; Lĩnh vực dịch vụ có mức độ giá trị gia tăng cao như: Dịch vụ công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học, Du lịch, Thương mại, Giáo dục đào tạo, Y tế - Chăm sóc sức khỏe, Logistic. Xác định rõ các thị trường, quốc gia trọng điểm (tập trung vào 3 khu vực lớn là: Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản - Hàn Quốc), các tập đoàn lớn để giới thiệu các tiềm năng, lợi thế của TP Hà Nội.
Cùng với chủ trương đề ra, TP tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch. Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, tăng cường phối hợp các ngành với chính quyền địa phương để tập trung giải quyết các vướng mắc về quy hoạch, giải phóng mặt bằng và các nội dung liên quan… Thực hiện xây dựng quy trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư qua mạng thực hiện tại Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài (theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ).
|