Điều mà nhiều người trăn trở nhất là mức xử phạt chó thả rông quá nhẹ, trong khi việc bắt chó thả rông chỉ làm việc theo kiểu “chiến dịch”...

 Đầu tháng 11/2018, quận Thanh Xuân, Hà Nội là nơi đầu tiên thí điểm thành lập tổ phản ứng nhanh bắt chó thả rông. Ảnh: P.V

Đầu tháng 11/2018, quận Thanh Xuân, Hà Nội là nơi đầu tiên thí điểm thành lập tổ phản ứng nhanh bắt chó thả rông. Ảnh: P.V

Quá nhiều cái chết đau lòng vì bị chó cắn

Vừa qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã xảy ra nhiều trường hợp chó tấn công người gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó đáng buồn nhất, nạn nhân hầu hết là các em nhỏ.

Vụ việc đàn chó lao vào tấn công bé trai 7 tuổi ở Kim Động (Hưng Yên) khiến cháu bé tử vong vừa xảy ra mới đây khiến nhiều người bàng hoàng và lo sợ. Cách đây không lâu, tại Nam Định, một bé gái 6 tuổi bị chó nhà lao vào cắn xé, gây đa chấn thương vùng mặt, lóc da mảng lớn. May mắn bé gái qua khỏi nguy kịch nhưng di chứng và tâm lý của em đã bị ảnh hưởng rất lâu sau đó.

Không chỉ có trẻ em, ngay cả người lớn cũng khó “thoát nạn” khi bị chó tấn công. Vào tháng 3/2019, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai tiếp nhận một bệnh nhân nam có biểu hiện của bệnh dại như mỏi mệt, nôn, vật vã với diễn biến gia tăng, sau thời gian ngắn, bệnh nhân đã tử vong. Được biết, 3 tháng trước nạn nhân mua 1 con chó không rõ nguồn gốc và bị chó cắn vào tay. Sau khi cắn xong con chó bỏ đi mất tích, nạn nhân đã không tiêm phòng dại nên dẫn đến hậu quả trên.

Mới đây nhất là gia đình ở xã Trung Sơn (Lương Sơn, Hòa Bình) có tới 4 người bị chó nhà nuôi cắn từ trước Tết Nguyên đán nhưng ngày 2/4, người bố và con trai mới phát bệnh dại và lần lượt qua đời.

Với một loạt các vụ việc đáng tiếc như trên nhưng tình trạng chó thả rông, không rọ mõm vẫn chưa được xử lý triệt để. Ngay trên đường phố Hà Nội, hàng ngày, nhiều người dân vẫn vô tư đưa chó ra vườn hoa hoặc lượn phố mà không hề có rọ mõm để đảm bảo an toàn cho mọi người. Tình trạng trên diễn ra khá phổ biến tại các quận như Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Đống Đa...

“Tại khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, mỗi buổi sáng và chiều xuất hiện nhiều người dân mang chó đi dạo mà không hề đeo rọ mõm cho chó. Nhiều khi đang đi đường gặp những con chó lớn xồ đến, khiến không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng phải khiếp sợ, ai thấy chúng thì phải tự động tránh”, chị Hoàng Thị Lan - một người dân cho biết.

Đáng chú ý, hiện nay ở Thủ đô xuất hiện trào lưu nuôi chó pitbull. Đây là giống chó dữ thuộc hàng bậc nhất thế giới hiện nay. Tại Việt Nam, do bị lai giống nên nhiều con pitbull đã có hiện tượng lỗi thần kinh, quay lại tấn công chính chủ chó hoặc người đi đường. Tháng 8/2018, chó pitbull đã cắn chết anh trai chủ nuôi ở Hà Nội khi người này quát nó.

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt việc thành lập đội săn bắt chó thả rông theo đề xuất của Chi cục Thú y Hà Nội. Theo đó, đội bắt giữ chó chuyên nghiệp được trang bị xe, dụng cụ chuyên dụng sẽ đi quay vòng các quận, huyện. Những con chó mắc bệnh sẽ bị tiêu hủy, con khỏe mạnh sẽ đưa về nơi lưu giữ, chờ chủ đến nhận. Đầu tháng 11/2018, quận Thanh Xuân là nơi đầu tiên thí điểm thành lập tổ phản ứng nhanh bắt chó thả rông. Theo dự kiến, đầu năm 2019, đội bắt chó chuyên nghiệp sẽ hoạt động. Những con chó ở nơi công cộng như vỉa hè, công viên, sân chơi chung cư… mà không có chủ dắt bằng xích, rọ mõm đều bị coi là chó thả rông và bị bắt giữ.

Dù vậy, qua khảo sát của PV, tổ phản ứng nhanh bắt chó thả rông tại các quận huyện chỉ hoạt động theo kiểu cầm chừng. Ngay tại Thanh Xuân nơi được đánh giá làm tốt nhất trong suốt thời gian vừa qua các tổ phản ứng nhanh cũng chỉ bắt được hơn 10 con chó thả rông và xử phạt chủ chó tổng số tiền chưa đến 10 triệu đồng.

Theo lý giải của Trạm Thú y các địa phương, tổ phản ứng nhanh bắt chó thả rông còn gặp nhiều khó khăn vì thiếu kỹ năng xử lý tình huống, không có xe chuyên dụng và chưa có nơi nhốt chó. Chó bị bắt thường được cho vào rọ sắt, đưa về trụ sở ủy ban phường đợi chủ đến nhận. Chưa kể do nhiều người trong tổ hay bị chó cắn trong lúc săn bắt nên trước khi làm nhiệm vụ thường phải truyền huyết thanh để kháng các loại bệnh về dại.

Lo lắng những phát sinh…

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội vào chiều 5/4, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, những ngày qua khi các vụ việc chó cắn người tại các tỉnh, thành xảy ra ngày càng nhiều khiến những công việc liên quan đến xử lý chó thả rông ở Hà Nội cũng “nóng” hơn.

Theo ông Sơn, vừa qua quận Thanh Xuân đã đi đầu trong triển khai bắt chó thả rông và đạt được nhiều kết quả, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Tuy nhiên, đội bắt chó thả rông gặp phải nhiều áp lực khi thực hiện nhiệm vụ trong thời gian đặc thù, lực lượng mỏng, chưa có xe chuyên dụng, dụng cụ đơn giản, chủ yếu làm theo kinh nghiệm. “Thậm chí bây giờ có những con chó cảnh có giá trị vài chục triệu, cả trăm triệu, nếu xảy ra điều gì thì liên quan đến vấn đề dân sự”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, hiện Chi cục Thú y đang tính toán việc triển khai 3 khu nuôi nhốt tập trung chó thả rông bị bắt để “chuyên biệt” hơn; đồng thời sẽ tham mưu, đề xuất với UBND thành phố về một số cơ chế thực hiện để giải quyết những vấn đề phát sinh như kinh phí chăm sóc, nuôi nhốt, nếu chó chết thì xử lý thế nào...

“Theo báo cáo của Trạm thú y Thanh Xuân tại hội nghị sơ kết, số chó thả rông bị bắt là 12 con, xử phạt 9 chủ nuôi chó với số tiền 6,3 triệu đồng. Có 3 con chó không có người nhận đã được bàn giao vào Trung tâm Nghiên cứu và bảo vệ vật nuôi thuộc Bộ KH&CN để tiếp tục theo dõi, nuôi dưỡng và tìm chủ mới. Dù kết quả đạt được chưa cao nhưng tình trạng chó thả rông trên địa bàn thành phố Hà Nội đã giảm đi trông thấy. Cái hiệu quả lớn nhất là từ những hoạt động này sẽ tăng cường nhận thức cho chính quyền địa phương trong việc phối hợp xử lý cũng như ý thức chấp hành của các chủ nuôi”, Chi cục trưởng Thú y Hà Nội nhấn mạnh.

 

Nhóm Phóng Viên

Theo Giadinh.net.vn