Trước đây, thị trường bất động sản khu Nam thành phố khá trầm lắng do hạn chế về hạ tầng giao thông khi tập trung nhiều điểm đen về ùn tắc giao thông, như các tuyến đường Tam Trinh, Minh Khai, Lĩnh Nam…

Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã thay đổi khi nhiều tuyến đường được chú trọng đầu tư phát triển. Cụ thể, khi tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2 nối Vĩnh Tuy – Chợ Mơ – Ngã Tư Vọng – Ngã Tư Sở hình thành, cùng với việc mở rộng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng được khởi công thì nhiều nhà đầu tư và giới kinh doanh địa ốc tin rằng giá trị bất động sản ở khu vực này sẽ tăng trong thời gian tới.

Không chỉ vậy, một loạt kế hoạch xây cầu mới bắc qua sông Hồng như cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, kết nối khu Đông Nam gần hơn với trung tâm Thủ đô, cũng là yếu tố góp phần làm giá bất động sản khu vực này tăng.

Giới phân tích cho rằng, việc giá bất động sản tại khu Nam tăng là hoàn toàn tương xứng với sự đầu tư của hạ tầng trong thời gian qua. Tuy nhiên, bên cạnh đó lại xuất hiện một số dự án đang cố tình tạo mặt bằng giá cao hơn so với giá trị mà bất động sản đem lại.

khu Nam sẽ thành điểm ngắm mới của các nhà đầu tư và cả cư dân có nhu cầu ở thật

Khu Nam sẽ thành điểm ngắm mới của các nhà đầu tư và cả cư dân có nhu cầu ở thật (Ảnh minh họa)

Theo tìm hiểu tại một số sàn giao dịch, một số dự án tại khu vực Hoàng Mai, Minh Khai... có giá lên tới 35 - 37 triệu đồng/m2. Mặc dù giá cao song nhìn một cách thực tế những khu vực này hạ tầng vẫn chưa thực sự hoàn thiện, mới vẫn chỉ là “lời hứa hẹn”.

Đáng chú ý, nếu lấy giá này so sánh với hệ thống hạ tầng, tiện ích mà môi giới cung cấp, quả thực không tương xứng. Một số đơn vị môi giới cũng cho rằng, mức giá này là quá cao nếu ở khu Hoàng Mai, Minh Khai và ngang bằng, thậm chí cao hơn một số dự án căn hộ, đất nền mà ở đó, hạ tầng đồng bộ, hoàn thiện hơn, không gian đô thị tốt hơn như Hoài Đức, Từ Liêm, Mỹ Đình...

Ngoài ra, theo phản ánh của đa số người dân, việc di chuyển trên những tuyến đường tại khu vực phía Nam Thủ đô vẫn khá khó khăn do thường xuyên rơi vào cảnh tắc nghẽn, đường hẹp. Trong khi đó, mật độ dân số và lưu thông khu vực này ngày càng tăng cao.

Theo báo cáo của CBRE, trong quý II/2018, toàn Hà Nội chỉ có 6.534 căn hộ được chào bán từ 19 dự án trên toàn thành phố, giảm 20% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, các dự án chung cư mở bán chủ yếu đến từ khu vực phía Tây và phía Bắc thành phố, chiếm lần lượt 53% và 25% lượng căn mở bán mới trong quý. Trong khi đó, khu Nam Hà Nội khá nhỏ giọt về nguồn cung, trái ngược với sự sôi động về phát triển hạ tầng và sức cầu nhà ở đang tăng mạnh tại khu vực.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Savills Hà Nội cho hay, so với khu Tây và một số khu vực khác, phía Nam Hà Nội không thực sự được kỳ vọng. Riêng khu vực Hoàng Mai sẽ phải đợi phát triển thêm một số tuyến hạ tầng nữa.

Với việc hạ tầng giao thông đang được đầu tư mạnh, đặc biệt là đường Minh Khai được mở rộng sẽ giải quyết phần nào bài toán giao thông giữa khu Nam và trung tâm Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận.

Do đó, khu Nam sẽ thành điểm ngắm mới của các nhà đầu tư và cả cư dân có nhu cầu ở thật. Ngoài ra, các phân khúc khác như văn phòng cho thuê, căn hộ dịch vụ, mặt bằng bán lẻ, cũng có cơ hội phát triển và tăng giá.

“Tuy nhiên, hiện nay, giá bất động sản một số dự án khu vực này đã tăng cao so với mặt bằng giá nói chung. Đặc biệt là khu Hoàng Mai, giá của những dự án tại đây đang ở ngưỡng có thể nói cao hơn nhiều so với trước đây khiến cho nhà đầu tư phải cân nhắc khi so sánh với hệ thống hạ tầng hiện tại”, bà Hằng nhận định.

Theo Reatimes.vn