Khởi nghiệp từ một công ty dệt nhỏ ở Thái Bình, năm 2000, Bitexco bất ngờ nhảy sang lĩnh vực bất động sản và đầu tư nhiều dự án lớn tại TPHCM.

Thông qua các hợp đồng BT, Tập đoàn này sở hữu hàng loạt dự án đất vàng tại trung tâm TP. Tuy nhiên, ngoài tòa tháp biểu tượng Bitexco Financial và dự án căn hộ The Manor đã hoàn thành thì phần lớn các dự án khác đều trong tình trạng "đắp chiếu".

Điều này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, phải chăng Bitexco nhờ vào "mối quan hệ" để có được những mảnh đất màu mỡ nhưng lại không đủ năng lực tài chính lẫn năng lực thi công?

Mả Lạng và “giấc mơ” 12 năm chưa thành hình

Bản đồ khu Mả Lạng (khu màu đỏ)

Bản đồ khu Mả Lạng (khu màu đỏ)

Năm 2006, dự án đô thị Nguyễn Cư Trinh (thường được gọi là khu Mã Lạng) với hành lang giao thông 4 tuyến đường: Trần Đình Xu - Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh - Nguyễn Cư Trinh được TP.HCM chuyển giao cho Bitexco đầu tư xây dựng để biến khu vực này thành một khu phức hợp hiện đại sau khi chủ đầu tư cũ đã treo hơn 6 năm.

Khi TP.HCM giao dự án này cho Bitexco thì phạm vi của dự án đã mở rộng, lấy hết cả khu tứ giác này với diện tích lên đến 8,2ha chứ không chỉ có khu Mã Lạng.

Như vậy, toàn bộ 1.600 hộ dân (theo số liệu của Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1) trong khu tứ giác này sẽ bị giải tỏa di dời nhường chỗ cho khu phức hợp.

Đến năm 2007, Bitexco lại tiếp tục được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng tổ hợp cao ốc văn phòng thương mại và khách sạn 5 sao với trên khu đất rộng 5.000m2, chiều cao tối đa 45 tầng tại 125 Lê Lợi (bệnh viện đa khoa Sài Gòn).

Đây là khu đất vàng, có hành lang giao thông thuận tiện, thuộc một trong những vị trí đắc địa bậc nhất TP.HCM, đối diện với chợ Bến Thành.

Đổi lại, Bitexco phải dành 1ha đất tại Mả Lạng để xây dựng dự án bệnh viện đa khoa Sài Gòn mới hiện đại, công nghệ cao và quy mô lớn hơn bệnh viện Sài Gòn cũ. Tổng mức đầu tư bệnh viện mới là 1.030 tỷ đồng với 300 giường bệnh.

Như vậy, 8,2ha đất ở tứ giác Nguyễn Cư Trinh đã được Bitexco quy hoạch thành "siêu dự án Mả Lạng" với các khu căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn, khu tái định cư khoảng 900 hộ dân và bệnh viện Sài Gòn mới.

Cho đến nay, "kế hoạch Mả Lạng" của Bitexco đã kéo dài tới 12 năm vẫnchỉ đang ở khâu giải tỏa mặt bằng và chưa hẹn ngày hoàn thiện.

Theo Luật Đất đai, nếu sau 3 năm đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà dự án chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì phải điều chỉnh, hủy bỏ.

Tuy nhiên, đến nay, sau rất nhiều "3 năm” nhưng Bitexco vẫn vô tư sở hữu đất vàng trong tay, và "ngâm" bất kể khi nào có điều kiện thì thi công mà vẫn chưa có bất kỳ động thái nào từ các cơ quan chức năng. Điều này khiến dư luận nghi ngại, liệu Bitexco có năng lực gì đặc biệt, hay lại là có "bệ đỡ" đằng sau?

Spirit of Saigon – Danh đã đổi nhưng phận vẫn chưa thay

Dự kiến hoàn thành năm 2015 nhưng năm 2018, Spirit of Saigon vẫn chỉ xong phần tầng hầm.

Dự kiến hoàn thành năm 2015 nhưng năm 2018, Spirit of Saigon vẫn chỉ xong phần tầng hầm.

Dự án Spirit of Saigon (tên gọi ban đầu là The One Ho Chi Minh City) là một “siêu dự án” của Bitexco nằm ngay tại khu “Tứ Giác Bến Thành” tọa lạc tại số 1, Phạm Ngũ Lão, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1. Dự án sở hữu vị trí vô cùng đắc địa, có một không hai tại trung tâm của TP.

Spirit of Saigon có vốn đầu tư dự kiến khoảng 500 triệu USD, được xây dựng trên diện tích khu đất rộng khoảng 8.600m2.

Theo thiết kế,dự ánlà hình ảnh hai con rồng bay lượn vươn cao trên bầu trời, miệng ngậm hai viên ngọc thể hiện vẻ hùng hồn của sức sống mới, sự phát triển mới, vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam.

Dự án bao gồm hai tòa tháp cao lần lượt 55 và 48 tầng với các chức năng là trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn và khu căn hộ. Dự kiến khi hoàn thành “siêu dự án” Spirit of Sai Gòn sẽ trở thành điểm nhấn kiến trúc ngay trung tâm TP.HCM.

Dự án này được khởi công vào giữa năm 2011, giữa thời điểm thị trường bất động sản trong cơn khủng hoảng nặng nề.

Phát biểu với báo giới lúc đó về lý do tại sao lại quyết định khởi công dự án giữa lúc thị trường đang trầm lắng, ông Vũ Quang Hội, Chủ tịch Bitexco nói rằng, ông tin rằng đến năm 2015, khi công trình hoàn thành, nền kinh tế và thị trường bất động sản sẽ khởi sắc trở lại.

Vào thời điểm đó, Bitexco cũng rất tự tin công bố dự án này sẽ được hoàn thành vào năm 2015. Tuy nhiên, sau 7 năm, dự án “2 con rồng ngậm ngọc” của Bitexco mới chỉ xong phần tầng hầm.

Từ công trình mong muốn vực dậy thị trường bất đống sản trong cơn khủng hoảng (2011), đến nay, thị trường bất động sản đã trải qua nhiều lần “vượt sóng” thì sự chuyển mình duy nhất của dự án vẫn chỉ là danh đã đổi nhưng phận chưa thay.

Dự án “bị bỏ quên” 26 năm ở Thanh Đa - Bình Quới

Phối cảnh Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa

Phối cảnh Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa

Tại dự án Thanh Đa - Bình Quới, Bitexco được TP.HCM chỉ định đầu tư sau nhiều năm bị chủ đầu tư cũ bỏ mặc. Trước đó, từ năm 1992, dự án này được UBND TP.HCM phê duyệt và đến năm 2004 giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, do thiếu năng lực nên đơn vị này không triển khai được, đến năm 2010, chính quyền TP.HCM đã thu hồi quyết định. Sau đó, giao cho 1 tập đoàn trong nước lập đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000) của khu vực này.

Tưởng chừng như dự án sẽ được hồi sinh, nhưng lại tiếp tục rơi vào quên lãng. Mãi đến cuối năm 2015, Liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được UBND Thành phố chỉ định là nhà đầu tư Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa.

Theo đó, liên danh sẽ xây dựng khu đô thị mới này theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại với hệ thống hạ tầng xã hội - kỹ thuật đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ, nằm trong tổng thể không gian công viên sinh thái, cảnh quan thiên nhiên.

Tổng diện tích dự án khoảng 427ha, gồm toàn bộ phường 28, quận Bình Thạnh, vốn đầu tư trên 30.000 tỷ đồng. Và thời gian thực hiện dự án trong 50 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng.

Theo Ban đền bù giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh, dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2016.

Tuy nhiên, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng chưa thể triển khai do có sự thay đổi về chủ đầu tư, Công ty Emaar Properties PJSC (Dubai) xin rút khỏi dự án.

Tập đoàn Bitexco vẫn tiếp tục muốn "ôm" dự án này và ngay sau đó, UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chỉ định Tập đoàn Bitexco tiếp tục là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa.

Mới đây, UBND thành phố vừa giao Sở Kế hoạch Đầu tư tham mưu, đề xuất tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Bình Quới - Thanh Đa.

Như vậy, sau 26 năm chìm nổi, đổi nhiều đời chủ đầu tư khác nhau, đến nay, dự án Bình Quới - Thanh Đa quay lại vạch xuất phát để tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư mới.

Câu hỏi đặt ra là, phải chăng Bitexco không còn đủ năng lực tài chính lẫn năng lực thi công và nhiều "tiền sử" về chậm tiến độ nên đã không được cấp trên đồng ý tiếp tục là nhà đầu tư thực hiện dự án như kiến nghị của UBND TP.HCM?

Bài 2: Hàng loạt "bê bối" trên những dự án BT đầy toan tính ở miền Bắc...

Theo Reatimes.vn