Hàng Thái...lên ngôi?
Đang chọn mua hàng Thái Lan tại một cửa hàng trên đường Nguyễn An Ninh, anh Lê Công Sơn (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết gia đình anh quyết định chuyển sang sử dụng hàng Thái Lan vì so với các loại hàng hoá nhập khẩu khác, hàng Thái Lan có chất lượng khá tốt, giá thành phải chăng. “Nếu so với một số mặt hàng ngoại nhập nói chung thì hàng Thái Lan có giá thành rẻ hơn rất nhiều, chất lượng hàng hoá cũng tốt nên tôi và gia đình quyết định mua hàng Thái về dùng”, anh Sơn cho hay.
Cùng chung tâm lý như vậy, chị Bùi Thị Hoa ở (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng thường xuyên chọn các loại hàng Thái Lan cho mình và gia đình. chị Hoa cho biết mình chọn sử dụng hàng Thái Lan là bởi các loại sản phẩm của Thái có mẫu mã khá phong phú, gia hợp với túi tiền.
Theo tìm hiểu, xu thế chuyển sang dùng hàng Thái Lan “lên ngôi” ngoài lý do lo ngại chất lượng các loại hàng hoá của Trung Quốc trong thời gian gần đây mà còn do mẫu mã, chủng loại hàng Thái Lan cũng khá phong phú và đa dạng, giá thành lại rẻ hơn rất nhiều so với các loại hàng hoá nhập khẩu từ các quốc gia khác.
Tại một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội như Nguyễn An Ninh (Hoàng Mai), Trần Thái Tông (Cầu Giấy), Thái Hà (Đống Đa), Giảng Võ,... có thể dễ dàng bắt gặp những cửa hàng bán hàng tiêu dùng Thái Lan bày bán đủ các mặt hàng từ quần áo, khăn mặt, dầu gội, mỹ phẩm,... Nhiều loại hàng hoá nếu nhập khẩu từ Thái Lan về đều có giá thành cao hơn bình quân từ 15 - 20% so với các loại cùng thương hiệu nếu sản xuất từ trong nước.
Cảnh giác về chất lượng của “hàng xách tay”
Theo một số chủ cửa hàng bán hàng thì xu thế tìm mua hàng Thái Lan về sử dụng xuất hiện khoảng ba năm trước nhưng “rộ” lên khoảng hơn một năm trở lại đây nên ngày càng nhiều cửa hàng bán hàng tiêu dùng Thái Lan xuất hiện để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Thậm chí, nhiều người phân phối hàng tiêu dùng Thái Lan không cần thông qua cửa hàng mà chỉ cần treo tấm biển “Hàng tiêu dùng Thái Lan”, “Hàng Thái Lan xách tay”,... nhưng cũng có rất đông người đặt mua.
Tuy nhiên, trên thực tế khi hỏi chất lượng cũng như nguồn gốc của các mặt hàng đang được bày bán thì chỉ tại một số cửa hàng lớn có nhãn mác kèm tiếng Việt rõ ràng, trong khi đó nhiều cửa hàng chỉ cho biết đó là “hàng nhập khẩu”, “hàng đảm bảo”, “hàng xách tay từ Thái về”,...
Qua tìm hiểu của PV, không phải cứ “dán nhãn” hàng Thái Lan là loại hàng hoá đó đảm bảo về chất lượng khi trên thực tế có nhiều cửa hàng vì lợi nhuận đã bất chấp tất cả khi nhập về những lô hàng kém chất lượng để bán cho người tiêu dùng.
“Hàng tiêu dùng Thái Lan hiện nay đang được bày bán được đưa về Việt Nam chủ yếu qua hai con đường là nhập khẩu chính ngạch và hàng xách tay”, chị Nguyễn Thị Vân Anh - chủ một cửa hàng bán hàng tiêu dùng Thái Lan trên đường Nguyễn An Ninh cho biết.
Cũng theo chủ cửa hàng này thì ngoài hàng nhập khẩu về theo đường chính ngạch và xách tay thì cũng có không ít đồ “nhái”, “đội lốt” hàng Thái Lan để bán giá cao hơn và những hàng này chất lượng thường rất kém.
Không chỉ bùng nổ nhiều cửa hàng bán hàng tiêu dùng Thái Lan ngoài thực tế mà việc kinh doanh các mặt hàng gắn nhãn “Hàng Thái Lan” cũng nở rộ trên Internet. Chỉ cần vào một số trang tìm kiếm và gõ cụm từ “hàng Thái Lan” là ngay lập tức sẽ cho ra hàng triệu kết quả chỉ trong vài giây.
Ngoài một số website khá uy tín ra thì cũng có không ít người kinh doanh hàng tiêu dùng Thái Lan qua mạng xã hội bằng cách lập các Fanpage hoặc trang cá nhân với số điện thoại ghi sẵn phía dưới để nếu ai có nhu cầu mua hàng thì liên hệ. Tuy nhiên, chất lượng hàng hoá khi mua sắm qua mạng thường rất khó kiểm định bởi thông thường người mua chỉ gặp người bán hoặc người giao hàng một lần nên nếu gặp phải hàng kém chất lượng thì đành chịu cảnh “tiền mất, tật mang”
Theo chủ một cửa hàng hàng tiêu dùng Thái Lan trên phố Thái Hà chia sẻ: “Để phân biệt hàng chính ngạch với hàng xách tay, hàng “nhái” cũng không có gì quá khó, chỉ cần tinh ý là phát hiện ra ngay.
Nếu là hàng chính ngạch thì bên trên hàng hoá bên cạnh tiếng Thái thì kiểu gì cũng phải có dán tem nhập khẩu bằng tiếng Việt. Nhiều người cứ ham hàng Thái “xịn” nhưng lại cứ nghe người bán rỉ tai là “hàng xách tay” nên không có tem tiếng Việt thành ra “tiền mất tật mang”, mua phải hàng nhái, hàng dỏm”./.