Theo đó, dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên đàn heo của ông Nguyễn Văn Tiễn (ấp 1A, xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre)  ngày 1/7.

Sau khi phát hiện đàn heo của gia đình 54 con, trong đó 7 con heo nái (chết 2 con nái) còn lại là heo thịt và heo con có biểu hiện mắc bệnh nên gia đình đã báo cho ngành chức năng, đồng thời cùng với ngành chức năng chôn số heo chết, tiêu độc, khử trùng và lấy mẫu gửi xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả heo châu Phi.

Bến Tre: Tỉnh cuối cùng ở ĐBSCL nhiễm dịch tả heo châu Phi - Ảnh 1Ngành chức năng tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn heo bị nhiễm dịch tả châu Phi.

Hiện cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu độc, khử trùng, tiêu hủy toàn bộ đàn heo bị nhiễm bệnh của gia đình ông Tiễn.

Đồng thời, địa phương cũng tiến hành lập chốt kiểm soát dịch bệnh động vật trên cạn tại vùng xảy ra dịch tả, ban hành quyết định công bố dịch và yêu cầu ngành chức năng tiến hành tiêu độc, khử trùng tại vùng dịch, các xã lân cận nhằm tránh lây lan trên diện rộng.

Như vậy, Bến Tre là tỉnh cuối cùng bị nhiễm dịch tả heo châu Phi sau các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

Được biết, tỷ lệ nuôi heo của tỉnh Bến Tre khá lớn, tổng đàn trên 641.000 con, đứng thứ hai trong khu vực, tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi thời gian qua luôn ở mức cao góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp tỉnh.

Trước đó, để kiểm soát dịch, Bến Tre đã thiết lập 8 chốt kiểm soát tạm thời dịch bệnh động vật trên cạn tại các cửa ngõ ra vào tỉnh, hoạt động từ ngày 5/3; đến khi tỉnh Tiền Giang có phát sinh dịch tả heo châu Phi, tỉnh Bến Tre đã thiết lập thêm 2 chốt tại cửa ngõ chính vào tỉnh gần chân Cầu Rạch Miễu rẻ về hướng xã An Khánh, huyện Châu Thành.

Nguồn: http://baodansinh.vn/ben-tre-tinh-cuoi-cung-o-dbscl-nhiem-dich-ta-heo-chau-phi-d100737.html

Theo baodansinh.vn