Tháng 6/2020,  Anthony Tan, vị CEO thường xuyên tươi cười của Grab, xuất hiện ủ rũ trước nhân viên của mình. Lẽ ra ông cần động viên tinh thần họ giữa đại dịch COVID-19.

Thay vào đó, Anthony Tan giải thích lý do vì sao ông phải cắt giảm 5% nhân sự (khoảng 360 vị trí).

“Tôi nhớ là ông ấy nói: ‘Tôi không hề muốn điều này. Đây là lựa chọn cuối cùng”, một cựu nhân viên nói với Insider. “Ai cũng biết có ai đó bị sa thải. Tinh thần mọi người đều tệ và chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với công ty”.

Những giọt nước mắt của Anthony Tan là cú sốc với nhiều nhân viên Grab, những người luôn tự hào là nhân viên của startup giá trị nhất Đông Nam Á, một ví dụ điển hình cho thấy các startup trong khu vực có thể sánh được với các công ty Thung lũng Silicon.

Các đợt giãn cách xã hội vì COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nền đến mảng gọi xe của Grab. Theo một hồ sơ đệ trình lên Uỷ ban Chứng khoán và Sàn giao dịch (SEC) vào tháng 4/2021, giá trị giao dịch mảng gọi xe của Grab trong năm 2020 đã giảm 43% so với một năm trước đó.

“Chỉ sau một đêm, tôi thấy những con số rơi xuống vực thẳm”, một cựu nhân viên Grab chia sẻ.

Thực tế, đại dịch cũng thách thức cả các đối thủ của Grab. Bên kia đại dương, Uber cho biết doanh thu từ mảng gọi xe của nó cũng giảm 44% trong năm 2020.

Câu hỏi đặt ra là liệt Grab có thể trở lại?

Từ ý tưởng giành giải thưởng trong một cuộc thi tại Harvard

Grab nhen nhóm vào năm 2011 với tên gọi MyTeksi. Người sáng lập Anthony Tan, Tan Hooi Ling và Adeline Chan đều đang theo học tại Đại học Kinh doanh Harvard khi họ giới thiệu ý tưởng kinh doanh của mình tại một cuộc thi và đạt giải nhì.

Thời điểm đó, ý tưởng kinh doanh của họ cạnh tranh trực tiếp với Uber (khi đó là UberCab).

Với giải thưởng 25.000 USD, họ triển khai MyTeksi tại Malaysia vào năm 2012, khoảng một năm trước khi Uber mong muốn cạnh tranh tại khu vực này.

Hiện tại, Anthony Tan là CEO Grab trong khi đó Tan Hooi Ling giữ chức giám đốc vận hành. Không có nhiều thông tin về Adeline sau khi tốt nghiệp Harvard.

Anthony Tan và Tan Hooi Ling hy vọng MyTeksi có thể sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến dịch vụ taxi tồi tệ và không an toàn của Malaysia. Cho tới năm 2013, dịch vụ của họ có 2.500 tài xế ở 4 thành phố Malaysia và có một đơn đặt xe mỗi 8 giây. Theo TechCrunch, MyTeksi đã tạo ra một xu hướng khiến các đối thủ cũng muốn triển khai dịch vụ tương tự. MyTeksi mở rộng sang Thái Lan, Singapore và Philippines với tên gọi GrabTaxi. Đến năm 2014, công ty chuyển trụ sở sang Singapore.

Grab nhận được nhiều đầu tư từ những ông lớn như SoftBank và Temasek. Đến tháng 8/2018, Grab chính thức trở thành startup “kỳ lân” sau khi gọi vốn thành công thêm 350 triệu USD. Năm 2016, nó chính thức sử dụng tên gọi Grab để thể hiện sự đa dạng trong các dịch vụ cung cấp.

Lễ rung chuông niêm yết trên sàn Nasdaq của Grab. (Ảnh: Reuters).
Lễ rung chuông niêm yết trên sàn Nasdaq của Grab. (Ảnh: Reuters).

Thành công của Grab ở Đông Nam Á được đánh giá đến từ khả năng “may đo”, địa phương hóa các dịch vụ cung cấp cùng mức giá thấp. Grab cũng khiến việc thanh toán điện tử được thực hiện dễ dàng ở một khu vực nơi tiền mặt vẫn là “vua”.

Grab phát triển bùng nổ. Tháng 3/2018, Grab “tống” Uber ra khỏi Đông Nam Á bằng cách mua lại hoạt động kinh doanh của nó ở thị trường này. Một vài tháng sau đó, Grab tuyên bố trở thành “siêu ứng dụng hàng ngày đầu tiên” ở Đông Nam Á.

Hiện tại, Grab đang có 30,9 triệu người dùng ở 480 thành phố thuộc 8 quốc gia. Người dùng có thể gọi xe, đặt đồ ăn, thanh toán trực tuyến cùng các dịch vụ như bảo hiểm hay mua thuốc từ xa trên Grab.

“Grab là Uber, DoorDash và Venmo, tất cả trong một”, Tan Hooi Ling nói trong một bài phỏng vấn với Bloomberg.

Lao đao giữa đại dịch

Đại dịch COVID-19 làm tê liệt hoạt động gọi xe của các công ty. Sau đợt sa thải nhân sự vào năm 2020, Grab chuyển sang "chế độ" tìm mọi cách để tìm kiếm và cải thiện lợi nhuận.

2 nguồn tin nói với Insider rằng Grab cho các đội nhóm cạnh tranh lẫn nhau để tìm ra các dự án có khả năng mang lại lợi nhuận cao nhất.

“Nó như thể đặt cược vào những con ngựa khác nhau trong cuộc đua để xem con nào sẽ thắng”, một nhân viên nói.

Một ý tưởng được nêu ra là GrabMassage (mát xa), một nguồn tin nói với Insider. “Grab muốn trở thành một thương hiệu thân thiện với các gia đình, vì thế họ không theo đuổi kế hoạch này”, nguồn tin nói thêm.

Một động thái thành công của Grab giữa đại dịch là việc mua lại chuỗi siêu thị Jaya Grocer ở Malaysia. Thương vụ này được công bố vào tháng 1/2021 và chính thức được thực hiện đầu năm nay.

“Chúng tôi muốn sở hữu hạ tầng cho mảng giao đồ tươi sống để có thể cải thiện biên lợi nhuận trong khi đó không tăng giá với khách hàng”, nguồn tin chia sẻ.

Việc các công ty trẻ thường cố gắng tăng trưởng nhanh bằng cách thử làm nhiều điều nhất có thể không phải điều hiếm gặp. Với cách làm này, bên trong Grab, các đội ngũ được thành lập và giải thể, mức độ ưu tiên cũng liên tục thay đổi.

Grab cũng triển khai các chiến dịch để nhân sự tập trung vào mục tiêu lợi nhuận, ví dụ, chiến dịch "Path to Profitability” đơn thuần tập trung vào các chỉ số lợi nhuận.

Với chiến dịch này, trong năm 2020, Grab thường xuyên nhắm đến các mục tiêu tăng tổng giá trị hàng hoá giao dịch (GMV). Với Grab, chỉ số này nhằm mục đích hiểu về thị phần mà nó nắm giữ.

Tất cả các thay đổi nói trên dường như để nhắm đến chuẩn bị cho việc IPO. Tháng 4/2021, Grab cho biết sẽ niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ) bằng cách sáp nhập với một công ty thâu tóm, sáp nhập chuyên dụng (SPAC). Grab muốn dùng số liệu GMV mảng gọi xe và giao đồ trong năm 2002 làm “bằng chứng” cho vị thế của mình trên thị trường.

Grab muốn “chốt” mục tiêu niêm yết vào tháng 7/2021 song phải lùi lại tháng 12 cho mục đích kiểm toán.

Trong quá trình niêm yết, Grab tập trung nhiều hơn với chỉ số người dùng giao dịch hàng tháng (MTU). Mặc dù công bố mục tiêu niêm yết, nguồn tin nội bộ cho biết tinh thần của nhân viên Grab vẫn tồi tệ trong bối cảnh đại dịch trở thành rủi ro dài hạn với hoạt động kinh doanh.

Vào tháng 12/2021, Grab gọi vốn 4,5 tỷ USD qua thương vụ niêm yết với giá cổ phiếu chào sàn 13,06 USD. Dù vậy, hiệu ứng tích cực trên thị trường rất ngắn ngủi.

Vào ngày 3/3, Grab công bố khoản lỗ tăng 73% lên mức 1,1 tỷ USD trong quý IV/2021. Nếu tính cả năm 2021, Grab lỗ 3,56 tỷ USD (tăng 30%). Sau khi thông tin được công bố, giá cổ phiếu Grab giảm 37% xuống mức thấp kỷ lục 3,28 USD.

Các công ty luật đã tìm thấy một cơ hội giữa khó khăn của Grab. Theo Insider, ít nhất 11 công ty luật Mỹ đang chuẩn bị các vụ kiện về việc Grab lừa cổ đông.

“Điều khiến thị trường ngạc nhiên là họ luôn kỳ vọng Grab sẽ giảm các khoản phí khuyến khích tài xế song thực tế nó lại tăng lên”, Gerald Wong, người sáng lập Beansprout, chia sẻ.

Đối mặt với việc thiếu tài xế do đại dịch, chi phí khuyến khích tài xế của Grab tăng 58,3% so với một năm trước đó chạm mốc 22,8 triệu USD chỉ trong quý IV năm ngoái. Cùng thời điểm, Grab cũng phải chi 300,8 triệu USD để giữ chân người dùng.

Peter Oey, giám đốc tài chính Grab, nói với các nhà phân tích rằng Grab cần thêm từ 1 đến 2 quý để cân bằng giữa nguồn cung và nhu cầu trên nền tảng của mình.

Niềm tự hào và lợi nhuận

Khi thế giới dần mở cửa trở lại sau đại dịch, mọi người đang ra ngoài trở lại. Mới đây, Uber cho biết mảng kinh doanh gọi xe của nó đã tăng trở lại mức trước đại dịch. Cùng thời điểm, mảng gọi xe của Grab tại Đông Nam Á cũng phục hồi.

Trong báo cáo kinh doanh quý I/2022, Grab thu hẹp lỗ ròng xuống còn 435 triệu USD. Chi tiêu của người dùng trên nền tản cũng tăng 19% so với cùng kỳ lên mức 155 USD.

Dù vậy, lo lắng về triển vọng lợi nhuận vẫn bủa vây công ty. Grab có mức lỗ đậm hơn so với các thủ như Uber và DoorDash.

“Cả Uber và DoorDash đều đã có chỉ số EBITDA dương, trong khi đó Grab cần tới ít nhất nhất 24 tháng nữa để đạt được điều này theo quan điểm của chúng tôi”, ông Sachin Mittal, một nhà phân tích của DBS nói.

Lúc này, các nhân sự của Grab hiểu rõ về mục tiêu của mình nhưng họ dường như có cùng câu hỏi với các nhà đầu tư. “Chúng ta thực sự tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của người dùng nhưng liệu chúng ta có thể có lãi không?”, một nhân sự đặt câu hỏi.

Theo An An/Đô thị mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ben-trong-niem-tu-hao-dong-nam-a-grab-ngay-ca-nhan-vien-cung-hoai-nghi-ve-kha-nang-thanh-cong-20201231000006595.html