Mổ “chui” bằng phương pháp mới
Phương pháp mổ mới được nhóm nghiên cứu áp dụng cho 27 bệnh nhân là kỹ thuật Phaco+Tách dính góc tiền phòng để thay thế kỹ thuật Phaco + Cắt bè (Một kỹ thuật được áp dụng hiệu quả lâu nay đối với các bệnh nhân mắc Glôcôm- tăng nhãn áp kèm theo đục thủy tinh-PV).
Đứng đầu trong nhóm nghiên cứu trên gồm PGS.TS Đỗ Như Hơn – Nguyên Giám đốc Bệnh viện mắt, TS Đỗ Tấn, Trưởng khoa Glocom, bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Giang cùng các cộng sự tại Bệnh viện Mắt Trung ương.
Từ đề tài này, năm 2014 bác sỹ Nguyễn Thị Thúy Giang đã lấy đó để làm luận văn tốt nghiệp bác sỹ nội trú dưới sự hướng dẫn PGS.TS Đỗ Như Hơn. Đầu đề luận văn tốt nghiệp ghi rõ: “Đánh giá kết quả điều trị Glôcôm góc đóng nguyên phát có đục thẻ thủy tinh bằng phẫu thuật phaco phối hợp tách dính góc tiền phòng”. Chuyên ngành nhãn khoa. Mã số: 60720157.
Sau khi nhóm nghiên cứu này thực hiện xong phương pháp mổ mới, một thời gian vụ việc mới bị bại lộ. Tại biên bản họp nhóm kiểm tra đề tài cho thấy, tên bệnh nhân trong danh sách nghiên cứu trùng khớp với tên bệnh nhân.
Đồng thời qua báo cáo kết quả kiểm tra đánh giá mắt phẫu thuật của bệnh nhân tham gia đề tài cho thấy, trên toàn bộ 24 mắt nghiên cứu đã mổ đặt thể thủy tinh nhân tạo; những biểu hiện có tổn thương thoái hóa, mất sắc tố vùng chân mống mắt ở hầu hết các mắt…
Điều đáng nói ở đây để qua mặt các cơ quan chức năng, nhóm nghiên cứu đã tìm mọi cách làm sai lệch hồ sơ bệnh án. Cụ thể dù họ dùng kỹ thuật Phaco+Tách dính góc tiền phòng để phẫu thuật cho bệnh nhân nhưng trong hồ sơ bệnh án lại thể hiện rất rõ là phẫu thuật bằng kỹ thuật “Phaco + cắt bè”.
Vi phạm luật khám, chữa bệnh
Theo Luật khám bệnh, chữa bệnh, hồ sơ bệnh án vừa là hồ sơ pháp y vừa là hồ sơ pháp lý nên mọi thông tin đều phải được ghi rõ ràng, đầy đủ.
Những hành vi như tẩy xoá, sửa chữa hồ sơ bện án nhằm làm sai lệch thông tin về khám bệnh, chữa bệnh đều bị nghiêm cấm.
Vì vậy, căn cứ vào hồ sơ bệnh án thì các bệnh nhân phải thanh toán viện phí theo kỹ thuật phaco + cắt bè, dù rằng họ không được phẫu thuật bằng kỹ thuật này.
Sau khi có đơn tố cáo, Bảo hiểm xã hội Việt Nam lập tức đã vào cuộc. Trong báo cáo kết quả kiểm tra tại Bệnh viện mắt Trung ương đôàn kiểm tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ ra hàng loạt các sai phạm như: “…27 bệnh nhân được phẫu thuật điều trị Glôcôm góc đóng thể thủy tinh bằng phương pháp phaco kết hợp tách dính góc tiền phòng nhưng bệnh án ghi chỉ định phẫu thuật phaco + cắt bè; kiểm tra bệnh án và hồ sơ thanh toán BHYT (mẫu 02/BV) có 20/26 trường hợp đã thanh toán BHYT…số tiền Đoàn thanh tra đề nghị thu hồi là 5.625. 000 đồng.
Theo quy định tại Khoản 4, Điều 23, Luật BHYT số 25/2008/QH12, tham gia lâm sàng, nghiên cứu khoa học không được hưởng BHYT. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 70, Luật khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12, việc áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam phải được Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế cho phép áp dụng.
Điểm c, Khoản 6, Điều 29 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định “triển khai thí điểm hoặc áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh mà chưa được cấp phép của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở y tế” là hành vi vi phạm quy định về điều kiện hoạt động và sử dụng giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh chữa bệnh.
Căn cứ vào văn bản này có thể thấy kỹ thuật tách dính góc tiền phòng chưa được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt chứng tỏ vi phạm các quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh. Trong khi đó các bệnh nhân vừa bị lạm dụng cơ thể cho nghiên cứu “chui” lại vừa phải trả tiền cho dịch vụ mà mình không được hưởng.
Với thực tế trên câu hỏi được đặt ra ai sẽ chịu trách nhiệm nếu hệ quả xấu xảy ra? Liệu có chuyện “trục lợi” tiền của Nhà nước trong việc áp dụng mổ “chui” bằng phương pháp mới này hay không?...
Báo Gia đình Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc!