1. Nắm vững cấu trúc và mức độ của đề thi

Câu I, thường 2 điểm, nhằm kiểm tra kiến thức cơ bản, phổ thông và khái quát nhất như trình bày ngắn gọn, hoặc tóm tắt những đặc điểm chính về con người, cuộc đời của một nhà văn.

Câu II, thường 5 điểm, hay kiểm tra năng lực cảm thụ văn xuôi, phân tích nhân vật, tác phẩm văn xuôi hoặc một vấn đề văn học sử hay lí luận văn học nào đó.

Câu IIIa và IIIb, thường 3 điểm, nhằm kiểm tra năng lực cảm thụ thơ, phân tích hoặc bình giảng 1 khổ hoặc 1 đoạn thơ ngắn

2. Xác định đầy đủ, chính xác yêu cầu của đề

Trước khi làm bài, các em cần đọc kĩ đề và xác định đầy đủ yêu cầu của đề thi về các phương diện như kiểu bài: xác định xem đề bài yêu cầu sử dụng kĩ năng nghị luận nào: trình bày, giải thích, chứng minh, bình giảng, phân tích, so sánh hay kiểu bài tổng hợp đòi hỏi kết hợp nhiều kĩ năng nghị luận

Phải xác định yêu cầu của đề thi trong thời gian nhanh nhất, để dành thời gian làm bài. Phải cố gắng làm hết tất cả các câu trong yêu cầu của đề bài, không được bỏ sót ý nào, dù là nhỏ nhất.

3. Mở bài và kết bài nhanh, ngắn

Đã là bài văn, dù dài hay ngắn, đều phải có mở và kết bài. Cần tập trung rèn luyện kĩ năng mở bài, kết bài để có thể mở bài thật nhanh, kết bài thật ấn tượng.Không nên mất quá nhiều thời gian vào việc mở và kết bài, bởi mở bài giống như một chút rượu khai vị trước bữa ăn, còn kết bài giống một món tráng miệng, thân bài mới là bữa tiệc chính cần thưởng thức.

4. Tìm ý (luận điểm) nhanh, đúng, đủ và sắp xếp triển khai ý hợp lý

Bài văn hay, đạt điểm cao, thậm chí điểm tuyệt đối là bài văn có một hệ thống ý đầy đủ, sáng tạo, chặt chẽ, đáp ứng toàn diện yêu cầu của đề, được thể hiện qua một hình thức trình bày và  diễn đạt chính xác, trong sáng, rõ ràng, tinh tế, khéo léo, có hình ảnh và cảm xúc.

5. Tăng cường chiều sâu tư tưởng và lí luận

Để tăng cường chiều sâu tư tưởng cho bài văn, cần chú trọng khám phá những lớp ý nghĩa sâu sắc hơn, chìm lấp của văn bản nghệ thuật. Mỗi tác phẩm văn học là cả một hệ thống ý nghĩa sâu sắc, mà chỉ những người có năng lực cảm thụ tinh tế, sắc sảo và vốn văn hóa sâu rộng mới có thể nhận ra.

6. Xây dựng đoạn văn chặt chẽ và chuyển ý khéo léo

Khi đã có dàn bài, các em cần diễn đạt nó thành một bài văn hay. Mỗi ý lớn cần được triển khai thành nhiều ý nhỏ, có phân tích, giảng giải, chứng minh, và được tổ chức thành một đoạn văn, sao cho khi các đoạn văn kết hợp với nhau sẽ tạo thành một bài viết hoàn chỉnh, đáp ứng toàn diện yêu cầu của đề bài.

Các thí sinh nên viết 1 ý thành đoạn văn, dưới nhiều hình thức như quy nạp, diễn dịch, tổng - phân -  hợp… Sự kết hợp luân phiên của các đoạn văn với các hình thức khác nhau như thế, sẽ tránh cho bài văn khỏi sự lặp lại nhàm chán, đơn điệu.

Bài viết liên quanCách trình bày bài thi đại học đạt điểm cao 

7. Tăng cường tính chính xác và tư duy khoa học

Một bài văn đạt điểm cao, là một bài viết kết hợp được tư duy khoa học chặt chẽ (như của một nhà toán học) với năng lực cảm thụ nghệ thuật tinh tế. Văn học là một môn khoa học về nghệ thuật ngôn từ. Vì vậy, cần kết hợp vừa tăng cường chất văn vừa tăng cường tính chính xác trong bài văn, nhất là trong việc trích dẫn kiến thức và dẫn chứng.

Bên cạnh đó, việc hiểu rõ, nắm vững và sử dụng chính xác các khái niệm, các thuật ngữ văn học cũng giúp tăng cường tính chính xác của bài văn. Các em không nên sử dụng khái niệm, nếu như chưa hiểu rõ về nó.

8. Dẫn chứng hợp lý, bình dẫn chứng tinh tế

Bài văn đạt điểm cao không chỉ cần đủ ý, với các đoạn văn được xây dựng chặt chẽ, diễn đạt khéo léo…, mà còn cần có các dẫn chứng được trích dẫn chính xác, tiêu biểu, có chọn lọc, giàu sức thuyết phục, góp phần làm sáng tỏ và nổi bật hơn hệ thống ý của bài văn…

Trước khi nêu dẫn chứng, cần có lời dẫn, nghĩa là một lời giới thiệu khéo léo về dẫn chứng. Lời dẫn này nên kết hợp với lời bình, với cảm nhận của các em về dẫn chứng, để làm nổi bật ý của bài văn.

9. Tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc sạch đẹp

Để đạt điểm cao, bài văn phải được trình bày sáng sủa, sạch đẹp. Vì vậy, trong quá trình triển khai ý làm bài, các em nên trình bày mỗi ý thành một đoạn văn, được phân biệt với nhau bởi các dấu chấm xuống dòng.

Phải trình bày bài văn sạch đẹp, gây được thiện cảm của người chấm. Cần hết sức tránh việc dập xóa, để bài làm không bị xấu và bẩn. Trong trường hợp bất khả kháng, bắt buộc phải bỏ phần vừa viết, cách tốt nhất và duy nhất là dùng thước kẻ gạch đè lên để bỏ đi, rồi viết tiếp. 

10. Phân bố thời gian làm bài hợp lý

Việc sử dụng và phân bố thời gian làm bài thông minh và hợp lý là điều có ý nghĩa rất quan trọng. Theo yêu cầu của đề thi, trong thời gian 180 phút, các em phải viết 3 bài văn nhỏ, đáp ứng được đầy đủ, toàn diện, sâu sắc và tinh tế yêu cầu của 3 câu hỏi trong đề thi.

Trong thực tế, nhiều em có kiến thức tốt, vẫn không đủ thời gian để làm bài. Các em nên tận dụng thời gian làm bài ngay khi nhận được đề thi mà không nên chờ đến khi có trống tính thời gian làm bài, đồng thời phải tận dụng thời gian làm bài đến tận phút cuối cùng.

 






 

 

Trang Bùi (tổng hợp)/ Theo GĐXH