Măng khô "nóng" dịp cuối năm
Khảo sát thực tế tại một số chợ đầu mối cung cấp các loại măng khô, măng tươi trên địa bàn Hà Nội như chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), chợ Hà Đông (Hà Đông)... cho thấy tại các quầy bán măng khô, lượng khách mua mặt hàng này dịp cuối năm thường tăng mạnh.
Chị Trần Mai Phương - chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh măng khô tại chợ Đồng Xuân cho biết, những năm gần đây thông tin về việc phát hiện các loại măng ngâm, tẩm hoá chất độc hại đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm ăn, buôn bán mặt hàng này.
Theo nhiều chủ cơ sở kinh doanh măng, những năm trước phần lớn măng khô các loại đang bán tại chợ Đồng Xuân, chợ Hà Đông và các chợ lớn khác trên địa bàn Hà Nội đều được lấy từ các tỉnh như măng lá từ Hà Giang, Tuyên Quang; măng củ, măng nứa từ Hòa Bình do các đầu mối chuyên cung cấp măng đưa xuống.
Tuy nhiên, trong năm nay nguồn măng khô tại Hà Nội và các tỉnh lân cận khá khan hiếm do diện tích rừng khai thác măng tự nhiên tại các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc nước ta đã thu hẹp khá nhiều.
Măng trồng chủ yếu phục vụ cho nhu cầu làm măng tươi nên lượng măng khô chế biến và sản xuất được rất ít nên giá thu mua đầu vào tăng lên rất cao nhưng giá bán ra tăng không đáng kể, việc lời lãi gần như là không có, nay lại có thông tin bất lợi nên mặt hàng măng khô càng khó bán.
Điều này đã khiến cho một số chủ cửa hàng tại các chợ đầu mối thay vì chuyên kinh doanh măng trước đây nay chuyển sang bán kèm thêm các loại lâm sản khô khác như mộc nhĩ, nấm hương, thảo quả,…
Không ít người tiêu dùng lo lắng do không thể phân biệt được măng "sạch" hay măng "bẩn" độc hại bằng mắt thường nên nhiều người chọn phương án hạn chế ăn, thậm chí bỏ hẳn món canh măng và thay thế bằng các loại rau, củ, quả tươi khác.
Còn đối với những gia đình khi chưa bỏ được loại thực phẩm ngon miệng này, nhiều người đành tìm cách đối phó riêng nhằm loại bỏ các chất độc hại có trong măng.
Vừa mua 2kg măng khô để dùng cho dịp Tết, chị Lê Thị Quyên (nhà ở Nguyễn Đức Cảnh, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, mặc dù mua măng ở cửa hàng quen nhưng khi đem măng về thường ngâm nước muối, nước gạo vài ngày sau đó rửa sạch rồi đem luộc măng lên vài lần để loại hết chất bẩn sau đó mới cất vào tủ lạnh để dùng dần trong mấy ngày Tết.
Cách chọn măng khô an toàn
Theo lãnh đạo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, từ trước tới nay măng tươi, măng khô là món ăn truyền thống và khoái khẩu của người dân Việt Nam. Măng được khai thác và chế biến theo kiểu truyền thống, áp dụng kinh nghiệm dân gian là chính.
Người tiêu dùng cần thận trọng tìm hiểu kỹ thông tin liên quan đến hàng hóa và doanh nghiệp cung cấp hàng hóa mà mình có nhu cầu. Lựa chọn các loại hàng hóa, không riêng gì măng tươi, măng khô mà tất cả các mặt hàng tiêu dùng khác có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, mua tại các địa chỉ tin cậy.
Trong khi đó, thông tin từ Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, nguyên liệu măng truyền thống thường là măng nứa, tre, vầu được khai thác hầu hết từ các tỉnh miền núi, trung du chủ yếu được khai thác quanh năm nhưng tập trung chủ yếu vào tháng 7,8,9 trong năm.
Người dân vào rừng khai thác măng sau đó để tươi, luộc lên (măng chua) hoặc phơi khô lên để bán cho các chủ thu mua tùy theo mục đích sử dụng mà người ta có thể bảo quản bằng cách (ngâm nước), phơi khô hoặc sấy (măng sợi, măng khô) để bán cho người sử dụng.
Theo ThS. Cao Văn Trung - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), người tiêu dùng có thể nhận biết măng không đảm bảo an toàn thực phẩm thông qua một số dấu hiệu sau:
- Măng sấy bằng lưu huỳnh sẽ có mùi khét đặc trưng của Măng ngâm lưu huỳnh khi ngửi sẽ có mùi SO2 rất đặc trưng SO2 (mùi diêm sinh).
- Măng ngâm hóa chất thường có độ bóng, trông bắt mắt, không bao giờ bị ẩm mốc.
- Không nên mua măng có màu sắc khác thường.
- Hạn chế mua măng chua trái mùa thu hoạch thông thường.
- Chỉ nên mua măng khô được bảo quản trong túi ly non có nhãn mác, có địa chỉ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết, người tiêu dùng không nên sử dụng các loại măng đã bị hỏng, mốc để chế biến thành thức ăn.
- Cần rửa măng thật kỹ bằng nước sạch trước khi chế biến. Riêng đối với măng khô cần rửa sạch sau đó đổ ngập nước ngâm bằng nước ấm hoặc nước gạo (ngâm thời gian khoảng một đêm).
- Nên luộc măng kèm thay nước 2 đến 3 lần (mỗi lần 30 phút) để đảm bảo an toàn.
Măng an toàn có những đặc điểm nổi bật:
- Măng có màu vàng nâu nhạt, xuất hiện màu hổ phách, đường vân tỉ mỉ, bề rộng thịt dày, Khi sờ vào không có cảm giác ẩm tay, có thể bẻ gãy được.
- Măng còn lưu giữ mùi thơm đặc trưng, không có mùi lạ, không bị mốc.
- Chỉ nên mua măng khô được bảo quản trong túi ly non có nhãn mác, có địa chỉ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Nguồn: https://giadinhvietnam.com/nguoi-tieu-dung-loay-hoay-chon-mang-kho-an-toan-an-tet-d165728.html