Mặc dù được người Pháp xây dựng với cấu trúc kiên cố, tuy nhiên trải qua lịch sử hàng trăm năm, những căn biệt thự cổ tại Hà Nội cũng không nằm ngoài sự bào mòn của thời gian, của quá trình đô thị hóa. Rõ ràng mang tiếng sống trong “biệt thự” nhưng phải tận mắt chứng kiến mới thấy được sự nguy hiểm, nỗi lo âu của những cư dân nơi đây.
Nét đẹp của một Hà Nội yêu kiều, cổ kính có lẽ không thể không nhắc đến những công trình kiến trúc thời Pháp thuộc. Nổi bật là những căn biệt thự cổ đặc trưng được xây dựng kiên cố theo phong cách Pháp nhưng vẫn thấp thoáng hơi thở lối sống của người Việt. Đa phần các biệt thự cổ khi xưa đều thuộc sở hữu của những quan chức, sĩ quan Pháp hoặc những gia đình Việt giàu có. Tuy nhiên, qua lớp bụi của thời gian, cuộc sống xa hoa, cổ kính ở những căn biệt thự này chỉ còn là những hồi ức của một thời vang bóng. Thay vào đó là sự chen chúc, chật chội, khổ sở của người dân và những mâu thuẫn trong câu chuyện bảo tồn và phát triển vẫn chưa tìm ra lời giải.
Bà Lê Thanh Thủy – thế hệ thứ 3 của căn biệt thự số 44 Hàng Bè cho biết: "Căn nhà này từ thời ông bà để lại được xây dựng năm 1925, hồi đó gia đình rất khá giả. Kiến trúc và nội thất ngôi nhà đa phần sử dụng gỗ lim nên đến nay vẫn giữ được tương đối nguyên vẹn. Tuy nhiên, hiện tại, tường nhà cũng đã bị nứt, vỡ phải vá lại bằng xi măng, mỗi khi trời mưa, trần nhà bị dột và ngấm nước".
Hỏng đâu sửa đấy là cách gia đình bà Thủy làm để cố gắng gìn giữ giá trị của căn biệt thự gần trăm tuổi này. Nhưng không phải biệt thự nào cũng được tu sửa kịp thời mà giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa khoác trên nó đang bị mai một dần theo thời gian.
Ở một gian phòng khác cùng căn biệt thự, bà Nguyễn Thị Đào sống trong căn phòng xập xệ với diện tích hơn chục mét vuông chia sẻ: Cuộc sống ở đây rất bất tiện, vệ sinh, bếp, nước dùng đều phải đi xa. Mỗi khi trời mưa phải phải đội nón, mặc áo mưa để nấu nướng, đi lại rất khó khăn.
Không chỉ căn biệt thự số 44 Hàng bè bị xuống cấp mà rất nhiều những căn biệt thự khác tại phố cổ cũng đang rơi vào tình cảnh này. Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Tuyết - sinh sống tại tầng 2, căn biệt thự cổ số 8 Tăng Bạt Hổ - cho biết, bà đã sống ở đây hơn 60 năm, căn nhà đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa từng được sửa chữa. Phần mái nhà phía trên đã bị hư hỏng nặng, gia đình bà phải che chắn bằng nylon để nước không nhỏ xuống.
Bà Lan – tổ trưởng tổ 6b phường Tăng Bạt Hổ, quận Hai Bà Trưng - cho biết: căn biệt thự số 8 Tăng Bạt Hổ đã xuống cấp ở mức báo động đỏ. Đã có lần cửa gỗ rơi xuống gây nguy hiểm cho người qua đường. Đã nhiều tổ dân cư gửi đơn kiến nghị lên phường về tình trạng xuống cấp của ngôi biệt thự nhưng chưa có phản hồi.
Theo số liệu của Sở xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có hơn một nghìn căn biệt thự cổ được xây dựng từ thời Pháp từ những năm 1920 khi công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ 2 của Pháp đẩy mạnh trên xứ Đông Dương. Trong đó, có khoảng 200 biệt thự hiện đang là trụ sở của các cơ quan nên thường xuyên được tu sửa, bảo trì, số còn lại đa phần đều đã ít nhiều xuống cấp, thậm chí ở mức độ trầm trọng, “chờ sập” bất cứ lúc nào.
Xác định được giá trị trên nhiều phương diện như kiến trúc, lịch sử, văn hóa và tầm quan trọng của việc bảo tồn, giữ gìn những nét đẹp đó; năm 2008, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành nghị quyết số 18/2008/NQ-HĐND về Đề án Quản lý Quỹ biệt thự trên địa bàn Hà Nội. Sau đó, UBND thành phố Hà Nội đã lập danh mục 1.253 nhà biệt thự xây trước năm 1945 và chia thành các nhóm theo mức độ cần bảo tồn để quản lý. Tuy nhiên, sau nhiều năm thì kế hoạch, chủ trương vẫn “bất động” trên giấy; bài toán bảo tồn vẫn quẩn quanh chưa được giải đáp trong khi tình trạng xuống cấp đang diễn ngày một nghiêm trọng gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của các hộ dân cư.
Hồng Hạnh - Thanh Liêm