Trước tình trạng thiếu hụt lao động, tuyển dụng khó khăn, nhiều doanh nghiệp treo băng rôn tuyển dụng lao động ngay trước cổng, trên hàng rào công ty, thậm chí một số doanh nghiệp phải chủ động mang bàn ghế ra ngoài đường, khu vực đông người qua lại để phát tờ rơi tuyển dụng lao động.

Tỉnh Bình Dương là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực giày da, may mặc, gỗ, kỹ thuật, cơ khí, tự động hóa, điện, điện tử, nhưng nguồn lao động không đủ để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, dẫn đến doanh nghiệp thiếu hụt lượng lớn lao động. Nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao trong thời gian vừa qua và trong thời gian sắp tới.

Theo ghi nhận của PV Báo Dân Sinh, dọc trên tuyến đường ĐT745 và các đường gần khu công nghiệp Nam Tân Uyên, hầu hết các công ty ở thị xã Tân Uyên đều căng băng rôn đăng thông báo tuyển dụng. Một số công ty phải để cả bàn tuyển dụng lao động ngay ngoài cổng, khu vực đông dân qua lại, thậm chí cán bộ nhân sự cũng phải đi ra đường phát tờ rơi.

Bình Dương: Thiếu nguồn lao động phổ thôngp/- Ảnh 1Nhiều doanh ngiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương thiếu trầm trọng nguồn lao động phổ thông.

Đại diện công ty TNHH đồ gỗ Burden cho biết, do nhu cầu phát triển sản xuất công ty cần tuyển thêm hơn 100 lao động, nhưng tuyển vẫn chưa đủ. Dù chủ động ra ngoài mặt tiền đường để tuyển dụng nhưng mỗi ngày chỉ nhận được 1 hoặc 2 bộ hồ sơ.

Để tuyển được lao động, các doanh nghiệp cam kết mức lương "cứng" cố định trung bình 6 triệu đồng/tháng, tổng thu nhập mỗi tháng thấp nhất 7 triệu đồng, cao có thể lên tới 10 triệu đồng. Ngoài ra doanh nghiệp còn trả phụ cấp nhà ở, đi lại và tổ chức cho đi du lịch hàng năm… để thu hút lao động.

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ nhân sự công ty chuyên sản xuất đồ gỗ đóng trên địa bàn phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên cho biết, để có đủ lao động, công ty phải cử cán bộ ra các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên… để tuyển dụng.

Trao đổi với PV báo dân sinh, đại diện Trung tâm Dịch vụ Việc làm Bình Dương (TTDVVL) cho biết Khó khăn chung mà các doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay là tuyển dụng lao động. Trong khi nhu cầu sản xuất các ngành may mặc, giày da, gỗ nội thất đang tăng mạnh vào thời gian này thì nguồn lao động trực tiếp sản xuất trở nên khan hiếm. Nhất là lao động có tay nghề và lao động phổ thông. Những doanh nghiệp có qui mô lớn trên 1.000 lao động, đang cần tuyển dụng từ 100 công nhân trở lên khó khăn trong việc tuyển dụng lao động. 

Để đạt được tuyển dụng trong thời gian tới của doanh nghiệp đạt hiệu quả, góp phần giúp doanh nghiệp khắc phục được tình trạng thiếu hụt lao động, Trung tâm đã triển khai đồng bộ hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp để xứng đáng là “Cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động”.

Bình Dương: Thiếu nguồn lao động phổ thôngp/- Ảnh 2Để giải quyết tình trạng thiếu nguồn lao động, Trung tâm DVVL Bình Dương đã liên kết giữa các doanh nghiệp với các trung tâm DVVL ở các tỉnh Tây Nguyên và Tây Nam bộ.

Giải pháp cấp thiết được Trung tâm DVVL tỉnh Bình Dương triển khai hành động từ cuối năm 2018 đến nay là liên kết với Trung tâm DVVL các tỉnh Tây nguyên và Tây Nam bộ để tuyên truyền tư vấn về việc làm trong các công ty, nhà máy cho đối tượng là thanh niên các dân tộc thiểu số. Giúp họ có được công ăn việc làm ổn định và tạo thu nhập góp phần cải thiện cuộc sống. Hiện nay, Trung tâm DVVL tỉnh Bình Dương đã kết nối thành công giữa doanh nghiệp với Trung tâm DVVL các tỉnh Tây Nguyên. Giúp cho doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn lao động các tỉnh Gia lai, Kon Tum, Đắc Lăk , Đăk Nông để đưa nguồn lao động về Bình Dương làm việc. Thông qua chương trình liên kết lao động, Trung tâm DVVL Đăk Lăc và Trung tâm DVVL Kon Tum đã thỏa thuận cung ứng nguồn lao động phổ thông cho công ty gỗ RK resoures và công ty Cổ Phần XNK Hoàng Sinh. Tính đến thời điểm hiện tại, mỗi công ty đã tuyển dụng trên 40 lao động nam nữ. Với số lượng này chưa thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất của công ty nhưng cũng đã góp phần giảm thiểu tình trạng thiếu hụt lao động trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã Triển khai chương trình tư vấn việc làm cho người lao động các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, Bến Tre và các tỉnh Tây Nguyên. Với số lượng lao động về Bình Dương làm việc trên 5.000 lao động.

Trong năm 2018, 2019, Trung tâm tập trung liên kết lao động tại các tỉnh vùng Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông) và thu thập nguồn lao động đa chiều ngoài lao động tự do, lao động từ các tỉnh, BHTN, Xã, Phường, các Trường ĐH, CĐ, cơ sở nghề thì còn thu thập cả lao động nông thôn lao động là bộ đội xuất ngũ...

Nguồn: http://baodansinh.vn/binh-duong-thieu-nguon-lao-dong-pho-thong-d102287.html

Theo baodansinh.vn