Thống kê mới nhất của Tổ chức Đường thế giới cho thấy, vụ 2020/2021 thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 4,8 triệu tấn đường, cao hơn mức ước tính trước đó là 3,5 triệu tấn. Giá đường thế giới đã tăng 11% kể từ cuối năm 2020 và tăng 56% từ mức đáy thiết lập vào tháng 4/2020.
Mặc dù giá đường thế giới đã điều chỉnh mạnh sau khi lập đỉnh ngắn hạn vào cuối tháng 2/2021, song một số chuyên gia cho rằng, giá đường vẫn còn dư địa tăng khi nhu cầu toàn cầu đang phục hồi mạnh mẽ trong các tháng sắp tới.
Lý do, đường là thực phẩm thiết yếu và nhu cầu đối với mặt hàng này ít nhạy cảm với dịch Covid-19, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vẫn thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung đường, khi đường sản xuất trong nước dự kiến niên vụ 2020/2021 của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) chỉ đạt 600 nghìn tấn (giảm 34% so với cùng kỳ). Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ đường trong nước vẫn ổn định với mức tăng trưởng khoảng 3 - 5%/năm và đạt mức 2,2 triệu tấn trong năm 2021. Do vậy, nguồn cung trong nước hiện tại chỉ đáp ứng được gần 30% nhu cầu.
Chính vì thế việc áp thuế tự vệ tạm thời, cùng với kỳ vọng đường lậu được kiểm soát, nguồn cung đường trong nước thiếu hụt sẽ hỗ trợ giá đường nội địa tiếp tục tăng mạnh, hỗ trợ các nhà sản xuất đường gia tăng biên lợi nhuận gộp và cải thiện lợi nhuận.
Đáng chú ý, theo đại diện của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tới nay đã có một số dấu hiệu tích cực từ khi Quyết định số 477 về áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ Thái Lan do Bộ Công Thương ban hành có hiệu lực.
Cụ thể, giá bán đường sản xuất trong nước đã tăng trung bình từ 1.500 - 2.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2020; Giá thu mua mía nguyên liệu của người trồng mía cũng tăng so với vụ ép năm ngoái, tăng từ 50.000 - 100.000 đồng/tấn (giá mua trung bình hiện tại dao động khoảng 950.000 - 1 triệu đồng/tấn).
Đặc biệt, với sản lượng mía niên vụ 2020-2021 được dự báo ở mức thấp, chỉ luyện được khoảng 600 nghìn tấn đường - sẽ là cơ hội để các nhà máy đường gia tăng công suất luyện đường thô ngoài vụ. Và các nhà máy có vị trí địa lý gần nguồn nhiên liệu sinh khối ngoài bã mía (phế phẩm nông nghiệp như vụn gỗ, vỏ trấu) sẽ có lợi hơn về chi phí sản xuất ngoài vụ.
Nguồn: https://congluan.vn/bo-cong-thuong-nganh-mia-duong-dang-tren-da-phuc-hoi-post126615.html