Theo nghị định 49/2017/NĐ-CP, các thuê bao phải được bổ sung thông tin và ảnh chụp chân dung, sau ngày 24/4 các thuê bao sẽ bị khoá một chiều (sau 15 ngày) và sẽ tiếp tục khoá nếu không thực hiện (15 ngày tiếp).
Tuy nhiên, do việc cập nhật thông tin diễn ra quá gấp gáp nên hàng chục triệu thuê bao vẫn chưa kịp cập nhật thông tin khi đến hạn, buộc các nhà mạng phải dời hạn chót khóa thuê bao như đã định ban đầu.
Ngày 25/5, ghi nhận tại các điểm giao dịch của cả ba nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobifone tại Hà Nội, tình trạng người dân đăng kí hoàn thiện thông tin đã không còn đông như trước.
Theo lời của một nhân viên hỗ trợ khách hàng của Viettel, cho đến hôm nay việc bổ sung thông tin cho khách hàng qua hình thức trực tiếp đã giảm bớt nhờ có ứng dụng MyViettel để khách hàng trực tiếp bổ sung thông tin tại nhà mà không cần phải đến các cửa hàng, trung tâm uỷ quyền của Viettel trên toàn quốc.
Cô Mười, người dân sống tại phố Khương Trung cho biết, nhà mạng thông báo thì đến đăng kí. Sim dùng cũng 10 năm nên thấy tiếc nếu bị khóa. Vì dùng vào nhiều công việc nên phải đăng kí không họ khoá mất.
Mặc dù đã hai lần lùi thời hạn bổ sung thông tin nhưng với con số tổng hơn 30 triệu thuê bao, lượng người dùng tới đăng kí thông tin rất đông nhưng lượng thuê bao đã bổ sung chỉ chiếm phần nhỏ nên thực chất mục đích hạn chế sim rác vẫn còn rất xa với.
Như đã biết sim rác là sim được kích hoạt sẵn, người dùng chỉ cần mua về lắp vào điện thoại mà không cần phải đăng kí hay làm bất kì thủ tục nào. Do quá đơn giản nên “thuận mua vừa bán”, đại lý vừa được lợi nhuận còn khách hàng lại tiện không mất thời gian.
Sim rác lại bắt nguồn từ chính các nhân viên tại nhà mạng do họ bị ép về doanh số. Họ lấy thông tin từ người dùng đã đăng kí chính chủ, mà ngay khách hàng cũng không biết để đăng ký các sim mới. Đây chính là kẻ hở của sự thiếu tôn trọng và trách nhiệm trong bảo mật thông tin cho khách hàng.
Bác Diệu, một khách hàng đến đăng kí thêm thông tin tại nhà mạng Mobifone cho hay, "tôi dùng sim này khoảng 20 năm nay. Việc đăng kí trước kia tôi cũng đã làm, CMT chính chủ, nhưng đến bây giờ phải làm lại. Nó quá mất thời gian mà hơn nữa họ lấy nhiều thông tin thế để làm gì. Trong khi quản lý lại không tốt".
Nhiều khách hàng cũng đã phàn nàn, việc họ liên lạc với ai là quyền riêng tư, tại sao họ phải kê khai các số điện thoại ra. Họ phải kí xác nhận, chụp ảnh chân dung, trong khi khá nhiều người trước kia đã đăng kí bằng chính CMT của họ. Trong khi đó, cần thẳng thắn thừa nhận rằng, giá trị của tấm ảnh trên CMT hơn nhiều so với ảnh tự chụp bởi điện thoại.
Mặc dù không đồng tình với thủ tục khó hiểu, mất thời gian nhưng người dân vẫn đến các điểm đăng kí. Họ sợ bị cắt dịch vụ nếu không hoàn thành bổ sung thông tin. Thêm một câu hỏi đặt ra: “tại sao khi ra quy định từ năm 2017 mà phải đến bây giờ các nhà mạng mới bắt đầu kêu gọi khách hàng bổ sung thông tin ?”