Viettel vừa phát đi thông báo sẽ khoá một chiều những thuê bao không bổ sung thông tin chủ thuê bao và ảnh chân dung theo Nghị định 49 kể từ ngày 2/6, tức là khoảng 10 ngày tới. Điều này đồng nghĩa là hàng triệu thuê bao sẽ bị khóa 1 chiều và tiến tới khóa 2 chiều sau đó ít ngày.  

2 ông lớn khác trong ngành viễn thông là Mobifone và Vinaphone, dù chưa có thông báo gì cụ thể nhưng được cho rằng cũng sẽ có những động thái tương tự bởi đã quá 1 tháng so với thời hạn mà Nghị định 49 yêu cầu nhà mạng phải bổ sung đầy đủ thông tin khách hàng kèm ảnh chân dung.

Không ra thông báo cụ thể, tuy nhiên rất có thể sắp tới Mobifone và Vinaphone cũng sẽ theo bước Viettelbằng cách ra tói hậu thư với khách hàng. Ảnh: Kim Bách.

Hiện vẫn chưa ra thông báo cụ thể, tuy nhiên rất có thể sắp tới Mobifone và Vinaphone cũng sẽ theo bước Viettel bằng cách ra "tốii hậu thư" về hạn chót bổ sung thông tin đối với khách hàng. Ảnh: Kim Bách.

Việc làm này, vốn được kỳ vọng sẽ giúp xóa nạn SIM rác đang khiến nhiều người đau đầu, tuy nhiên, thực tế đây lại là cách xử lý không đến đầu đến đũa, không mang nhiều ý nghĩa thực tiễn và đẩy hết cái khó cho người dân.

Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu quyết định khóa các thuê bao không bổ sung thông tin, không có ảnh chân dung thì có giải quyết được nạn SIM rác hay không?

Rất tiếc, câu trả lời là không?

Để đi tìm câu trả lời, trước hết chúng ta cần hiểu sim rác là gì?

SIM rác là gì?

Đây thực chất là những sim số đã được kích hoạt sẵn để bán cho người dùng. Sở dĩ có cái tên này vì đây là loại SIM mua được rất dễ dàng, không phải kê khai bất kỳ thông tin gì cũng như dùng hết tài khoản có thể vứt bỏ, mua SIM rác mới để hưởng khuyến mại dành cho người dùng mới.

Điều đáng nói là những sim rác này lại xuất phát từ chính các nhân viên nhà mạng khi bị ép doanh số nên buộc phải kích hoạt khống một số lượng SIM lớn và đẩy xuống các đại lý.

Về phía các đại lý, việc nhập SIM số lượng lớn sẽ giúp họ được hưởng nhiều ưu đãi hơn. Bởi vậy, họ thường dễ dàng chấp nhận SIM đã kích hoạt sẵn.

Các nhà mạng chỉ cho khoảng 30 triệu thuê bao trả trước khoảng hơn 1 tháng để cập nhật thông tin cá nhân và ảnh chân dung.

Các nhà mạng chỉ cho khoảng 30 triệu thuê bao trả trước khoảng hơn 1 tháng để cập nhật thông tin cá nhân và ảnh chân dung.

Còn đối với khách hàng, do SIM rác thường đi kèm nhiều ưu đãi dành cho người dùng mới nên nhiều người luôn ưu tiên chọn SIM rác để tiết kiệm chi tiêu. Họ có thể là tiểu thương, nông dân, công nhân, sinh viên,… những người chỉ cần SIM điện thoại để liên hệ mà không cần 1 số điện thoại “chính chủ” nào hết.

Hoặc, những người này vẫn dùng 1 số thuê bao chính để giữ liên hệ với người quen, đồng thời liên tục dùng SIM rác để nhắn tin, nghe gọi hàng ngày nhằm tiết kiệm chi phí. Đặc biệt, đối tượng thường xuyên sử dụng SIM rác nhiều nhất là những người bán hàng với nhu cầu nhắn tin quảng cáo hàng ngày luôn ở mức cao.

Nghịch lý từ nhà mạng

Tình trạng quá tải luôn diễn ra khắp các điểm giao dịch của các nhà mạng trong thời gian qua. Ảnh: Kim Bách.

Tình trạng quá tải luôn diễn ra khắp các điểm giao dịch của các nhà mạng trong thời gian qua. Ảnh: Kim Bách.

Cần nhấn mạnh rằng, việc sử dụng SIM rác tràn lan hiện nay bắt nguồn chính từ nghịch lý kinh doanh của các nhà mạng đó là: Khuyến mãi “khủng” đối với người dùng mới mà thờ ơ với những khách hàng lâu năm.

Đơn cử như một thuê bao trả trước hòa mạng mới thường được tặng tiền vào tài khoản, ưu đãi dùng dung lượng data tốc độ cao, hàng tháng được tặng một số lượng đáng kể tin nhắn miễn phí, gọi nội mạng miễn phí hay được hưởng nhiều lần khuyến mại khi nạp tiền hơn so với thuê bao “cũ”.

Nghịch lý thứ 2 là các nhà mạng lại thường ưu ái các thuê bao trả trước hơn so với thuê bao trả sau trong khi chính các thuê bao trả sau mới là khách hàng “trung thành” và minh bạch nhất của các nhà mạng. Điểm rõ ràng nhất của ưu ái này chính là các lần khuyến mãi khi nạp thẻ.

Trước đây, khi quy định về khuyến mại chưa bị “siết”, các nhà mạng thường xuyên khuyến mại tới 50%, thậm chí là 100% số tiền nạp thẻ dành cho thuê bao trả trước. Điều này đồng nghĩa với việc cước sử dụng mạng của các thuê trả trước chỉ còn một nửa so với thực tế. Trong khi đó, các thuê bao trả sau đã không được khuyến mại lại còn bị tính thêm một khoản chi phí cố định hàng tháng khoảng 60.000 – 80.000 đồng khiến chi phí sử dụng thực tế bị đội lên khá nhiều.

Nghịch lý thứ 3 chính là sự quản lý thông tin cá nhân khách hàng bị các nhà mạng buông lỏng. Đây là lý do dẫn đến tình trạng nhiều khách hàng “kêu trời” khi phát hiện ra tên tuổi của mình đang bị sử dụng để đăng ký 3-4, thậm chí là hàng chục thuê bao “lạ hoắc”.

Tuy nhiên, khi nhận được phản ánh từ khách hàng về tình trạng trên, các nhà mạng như Mobifone thường chỉ phản hồi chung chung theo hướng thoái thác trách nhiệm bằng việc yêu cầu khách hàng ra các điểm giao dịch để cập nhật thông tin thuê bao và cắt các thuê bao khác nếu không có nhu cầu sử dụng.

Theo đánh giá của các chuyên gia thì việc sao chép dữ liệu khách hàng một cách vô tội vạ từ thuê bao này sang thuê bao khác không thể làm được nếu không có sự can thiệp của nhân viên nhà mạng vì chỉ những người này mới truy cập được hệ thống quản trị được bảo mật nhiều lớp.

Bởi vậy, nếu nhà mạng không tăng cường quản lý chặt chẽ thông tin cá nhân của khách hàng thì dù có yêu cầu khách hàng bổ sung thông tin cá nhân hay ảnh chân dung bao nhiêu lần đi nữa thì cũng không có giá trị gì.

Qua đó, có thể thấy yêu cầu chỉnh trang lại thị trường SIM số nhà mạng bằng việc buộc gần 30 triệu thuê bao trả trước phải đi bổ sung thông tin cá nhân và ảnh chân dung trong thời gian khoảng 1 tháng là việc làm không mấy ý nghĩa, thậm chí còn gây lãng phí tiền của, thời gian và gây bứcxúc cho hàng triệu người dùng.

Phần tiếp theo: Khóa thuê bao thiếu thông tin chỉ như xây nhà từ nóc

Hồng Hạc/Reatimes.vn