Bộ Xây dựng vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về tình trạng cư dân khiếu nại, phản đối chủ đầu tư tại các dự án bất động sản.
Theo báo cáo, trên 43 địa phương toàn quốc có 215 dự án bất động sản có khiếu nại, tranh chấp và trong số này có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân hoặc giữa các chủ thể liên quan trong phạm vi dự án.
Bộ Xây dựng đã đề xuất Bộ Công an và các ngành liên quan tiến hành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy cũng như việc thực hiện thẩm định, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà chung cư theo quy định của pháp luật.
Đối với những chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định của pháp luật, Bộ Xây dựng đề xuất các cơ quan chức năng tiến hành tổ chức, điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở nói chung và quản lý, sử dụng nhà chung cư nói riêng đã được ban hành tương đối đầy đủ và đồng bộ so với giai đoạn trước năm 2014.
Đây là hành lang pháp lý khá đầy đủ để điều chỉnh các mối quan hệ giữa các chủ thể có liên quan trong quá trình quản lý, sử dụng nhà chung cư, góp phần hạn chế các tranh chấp, khiếu nại so với thời điểm trước khi có Luật Nhà ở 2014.
Bộ Xây dựng nhận định, việc xảy ra các tranh chấp, khiếu nại giữa các bên (chủ đầu tư, cư dân, ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành) thời gian qua chủ yếu do quá trình tổ chức triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư tại các địa phương chưa đáp ứng yêu cầu.
Các hành vi vi phạm trong xây dựng đầu tư, quản lý vận hành nhà chung cư mà các cơ quan chức năng chưa phát hiện, xử lý kịp thời, triệt để, công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm cũng không thường xuyên và chưa có hiệu quả.