Vi phạm bị phạt gần 6 tỷ đồng…

Chiều 31 - 5, Thanh tra Bộ Y tế đã ra quyết định xử phạt Cty URC Hà Nội với số tiền 5.826.867.000 đồng do có những sai phạm về kho bảo quản, đặc biệt là hành vi sản xuất và bán sản phẩm có hàm lượng chì cao hơn so với mức công bố ra thị trường.

Nội dung Quyết định số 50/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Cty TNHH URC Hà Nội cho biết Cty đã có hàng loạt hành vi vi phạm hành chính, cụ thể như sau:

Thứ nhất, kho bảo quản sản phẩm Hataco và kho Lan Khoa không đảm bảo kín, biện pháp phòng chống động vật gây hại chưa đảm bảo theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 13 Nghị định 178/NĐ-CP (Nghị định 178) về an toàn thực phẩm.

Thứ hai, kho bảo quản sản phẩm Hataco, khu vực bảo quản hàng chờ hủy hàng hư hỏng do vận chuyển không bố trí cách biệt với khu bảo quản thành phẩm, vi phạm quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 14 Nghị định 178 về an toàn thực phẩm.

Thứ ba, sản xuất 2 lô sản phẩm thực phẩm: Trà xanh hương chanh C2, ngày sản xuất 4 – 2 – 2016, hạn sử dụng 4 – 2 – 2017; nước tăng lực hiệu hương dâu Rồng Đỏ ngày sản xuất 10 – 11 – 2015, hạn sử dụng 10 – 8 – 2016 có hàm lượng chì cao hơn mức công bố, vi phạm quy định tại điểm a, khoản 2, điều 17 Nghị định số 80/2013/NĐ-CP (NĐ 80) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Thứ tư, bán 2 lô sản phẩm thực phẩm: Trà xanh hương chanh C2, ngày sản xuất 4 – 2 – 2016, hạn sử dụng 4 – 2 – 2017; nước tăng lực hiệu hương dâu Rồng Đỏ ngày sản xuất 10 – 11 – 2015, hạn sử dụng 10 – 8 – 2016 có hàm lượng chì cao hơn mức công bố, vi phạm quy định tại khoản 5, Điều 20 Nghị định 80. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ ngoài thị trường không thu hồi được là 3.875.244.610.

Nhiều lô hàng C2, Rồng đỏ của URC có hàm lượng chì vượt phép đã bị tạm dừng lưu thông và thu hồi.

Nhiều lô hàng C2, Rồng đỏ của URC có hàm lượng chì vượt phép đã bị tạm dừng lưu thông và thu hồi.

Cũng trong chiều 31-5, với sự chứng kiến của đoàn thanh tra của Bộ Y tế, đại diện Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an), Cty TNHH URC Hà Nội đã bàn giao toàn bộ lô sản phẩm thực phẩm không đạt chất lượng (chủ yếu là lô sản phẩm Trà xanh hương chanh C2, NSX: 4 – 2 - 2016 – HSD: 4 – 2 - 2017) cho cơ sở xử lý chất thải của Cty CP đầu tư phát triển công nghiệp và môi trường Việt Nam KCN Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên để tiêu hủy theo quy định. Cụ thể tổng số sản phẩm đem đi tiêu hủy khoảng hơn 10 tấn.

Quy trình tiêu hủy lô hàng này được tiến hành gồm các công đoạn như: Sau khi tiếp nhận lô hàng không đạt, bộ phận kỹ thuật của cơ sở xử lý chất thải đã cho sản phẩm vào máy để tách vỏ và nước ra riêng biệt. Đối với vỏ chai sau khi tách riêng sẽ được làm sạch đạt tiêu chuẩn quy định rồi tái chế.

Đối với phần nước sau khi được tách ra khỏi vỏ đã được xử lý tại trạm xử lý nước thải lỏng của cơ sở theo đúng quy định về môi trường hiện hành. Hiện Thanh tra Bộ Y tế vẫn tiếp tục quá trình thanh tra toàn diện Cty URC Hà Nội.

Nhưng dường như động thái “tích cực” nói trên vẫn chưa đủ để khiến người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm khi quyết định tiếp tục lựa chọn các loại nước giải khát mang nhãn hiệu C2, Rồng Đỏ.

Tôi từng "nghiện" C2 và giờ tôi nghĩ mình phải đi khám

Ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân là một trong những người tiêu dùng bày tỏ thẳng thái độ lo lắng của mình trên facebook, vì bản thân anh chia sẻ, mình đã từng rất mê C2. Trong nhiều năm liền, anh thường xuyên sử dụng loại nước uống này.

"C2 là loại nước uống thường trực trong thời học sinh cấp 3 của tôi. Tôi nhớ năm lớp 10, C2 là loại nước được yêu thích nhất. Lúc đầu, nhãn hàng này mới chỉ có hương vị táo, sau đó lại có thêm vị chanh và cả 2 đều ngon khiến tôi rất thích".

Trung Quân chia sẻ, anh đã từng uống sản phẩm này thay nước, cứ khát là uống như một thói quen. "Không chỉ có tôi mà nhiều bạn bè cũng uống C2 thay nước như thế. Thậm chí cánh anh em nghệ sĩ, mỗi lúc tập luyện mệt mỏi hoặc trình diễn, khi khát họ cũng rất hay gọi C2".

Vì vậy, khi thông tin một số lô hàng của loại nước uống giải khát này bị nhiễm độc được công bố rộng rãi, Trung Quân cảm thấy rất thất vọng. "Tôi cảm thấy rất mất lòng tin. Rõ ràng họ đã không tôn trọng và quan tâm đến người tiêu dùng. Họ có thể đã kiểm soát được chất lượng sản phẩm nhưng cuối cùng những lô hàng nhiễm độc vẫn ra đến thị trường và tiêu thụ một số lượng lớn như thế thì quả thực rất vô trách nhiệm".

Trung Quân cho biết, anh chắc chắn sẽ phải sớm đi khám xem lượng chì tích lũy trong cơ thể như thế nào. "Tôi cũng không biết sức khỏe của mình như thế nào nhưng thực sự rất lo lắng vì tôi biết, nhiễm độc chì sẽ vô cùng nguy hiểm. Với niềm tin và sự yêu thích, sử dụng nhiều C2 trong thời gian dài như thế, tôi thật sự bức xúc khi biết sản phẩm này có dư lượng chì cao như vậy", Trung Quân nói thêm.

Lo ngại cho sức khỏe người tiêu dùng

“Sau khi sự việc Cty URC Hà Nội sản xuất lô sản phẩm nước giải khát C2 và Rồng Đỏ nhiễm chì quá mức cho phép được phát hiện. Khách hàng của chúng tôi đều rất e dè, cảnh giác, nên sản phẩm này bán rất ế ẩm. Lượng hàng nước giải khát C2, Rồng Đỏ cửa hàng tôi nhập hiện nay đã giảm xuống chỉ còn 1/3 so với thời điểm trước khi sự cố xảy ra. Nhưng nhìn chung là vẫn không bán chạy, tôi đang cân nhắc có nên nhập sản phẩm này về bán nữa hay không, vì bán không được thì để lại cũng chật chội, vô ích” – bà Nguyễn Thị Hòa, chủ một đại lý tạp hóa tại khu Bách Khoa nói.

Là một khách hàng từng có thời gian dài trung thành với sản phẩm nước giải khát nhãn hiệu C2, anh Đỗ Quốc Huy tỏ ra rất bất bình khi “niềm tin bị phản bội” – anh Huy không tưởng tượng được rằng, mình lại có thể là nạn nhân của chính sản phẩm nước giải khát mà mình từng yêu thích. Trao đổi với PV khi đang mua hàng tại siêu thị Thành Đô, anh Huy cho biết:  

“Tôi từng rất yêu thích nước giải khát C2, đúng như lời quảng cáo kêu gọi sử dụng sản phẩm của nhà sản xuất “chỉ một tình yêu chỉ một C2”. Trước đây, tôi thường mua một lúc khoảng 10 chai để trong tủ lạnh uống dần, đặc biệt là những khi “quá chén”. Thời gian gần đây, khi biết nhà sản xuất bán ra thị trường những sản phẩm nhiễm chì quá mức cho phép nên tôi rất sợ, thất vọng và bất bình - cảm giác như mình đã bị họ… âm thầm đầu độc. Sau vụ việc này, cá nhân tôi sẽ cẩn trọng hơn trong việc chọn nước uống đóng chai”.

Là một người thuờng xuyên uống C2 trong suốt nhiều năm qua, bạn Kim Ngọc (SV năm 4 trường ĐH Công nghệ TP. HCM) hết sức lo sợ: "Mấy tháng qua tôi đã theo dõi thông tin trên báo, đài để hiểu thêm về vụ việc C2 nhiễm chì, ban đầu chỉ có 2 lô hàng có hàm lượng chì vượt ngưỡng, tôi còn tự trấn an rằng chắc mình không xui xẻo đến mức uống phải những chai C2 trong lô đó. Nhưng đến khi thống kê mới đây cho biết 40.000 thùng C2, Rồng Đỏ có vấn đề nhưng đã tiêu thụ hết, tôi thực sự rất sốc...".

Theo Ngọc chia sẻ, buổi trưa cô thường xuyên đến những quán vỉa hè uống nước cùng bạn bè trong thời gian chờ buổi học vào đầu giờ chiều, và những lúc đó Ngọc luôn gọi C2 để uống. "Tôi nghĩ đó là nước trà thanh mát, nguyên chất, có lợi hơn nhiều so với cafe, nước ngọt, nào ngờ... Tôi không biết thời gian qua mình có uống phải sản phẩm C2 nhiễm chì hay không, nếu có thì chỉ hy vọng hàm lượng chì trong máu không quá cao để phải điều trị...", Ngọc tâm sự.

Có con nhỏ thuờng xuyên uống C2 suốt thời gian qua, anh Tạ Minh Thắng (Thụy Khuê) lo lắng: "Các con tôi uống C2 nhiều. Tôi cũng nghĩ loại nước này sẽ tốt hơn nước có ga nên hay mua chiều con. Bây giờ nghe tin C2 bị thu hồi, tôi rất lo lắng vì đọc trên báo, nghe nói chì tích lũy ở trẻ em mạnh hơn người lớn".

Anh Thắng cho biết, từ hôm đọc được thông tin về sản phẩm C2 và Rồng đỏ bị thu hồi, anh đã khuyên các con không được sử dụng các loại nước uống này. "Tôi cũng đang tính chuyện đi khám cho các cháu vì dù hiện tại các bé đang rất khỏe mạnh nhưng tôi vẫn thấy lo lắng".

Đồng tình với quan điểm này, chị Vũ Thị Tâm (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Gia đình mình thì người lớn không uống nhiều C2 hay Rồng đỏ nhưng loại nước này hai con gái đều rất thích. Thực sự là mình cũng không nhớ trước đó đã cho các bé tiêu thụ nhầm những chai C2 có lượng chì cao vượt ngưỡng hay không, nên rất lo lắng".

Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Hồng Thái (nhân viên y tế mầm non, TP Huế) bày tỏ: "Mình từng là fan của trà xanh C2 nhưng khi đọc thông tin có hàm lượng chì cao trong sản phẩm, mình cũng hơi sốc một chút. C2 là một sản phẩm gần đây mới được kiểm nghiệm và phát hiện hàm lượng chì cao, loại này cũng lâu năm rồi mà còn bị vậy thì không biết những loại sau này như thế nào nữa nên chắc từ giờ đi đâu mình chỉ uống nước lọc thôi".

Trả lời trên báo Tiền Phong, PGS.TS Trần Hồng Côn, giảng viên hóa học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết, khi bị nhiễm độc chì, phải đưa thuốc đặc trị vào để giúp đào thải vì chì là loại kim loại nặng được liệt vào mức độc mạnh, có khả năng tích lũy sinh học trong cơ thể con người, lâu dần sẽ gây bệnh như gây phá hủy dần tủy xương là bộ phận sản xuất ra hồng cầu.

Khi chì đã vào cơ thể thì khó để đào thải, nếu không có thuốc đặc trị để đẩy chì ra khỏi cơ thể thì nguy cơ tử vong là cực cao.

Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, với hàm lượng chì trong C2, Rồng Đỏ như trên, nếu người dùng uống trong thời gian ngắn sẽ chưa có biểu hiện bệnh ngay bởi chì cần thời gian để tích lũy. Người tiêu dùng uống loại nước này suốt thời gian dài, liên tục thì có nguy cơ tích tụ chì trong cơ thể. Vì thế, nếu uống nhiều, lo lắng cho sức khỏe, người dân có thể đi xét nghiệm chì trong máu, trường hợp phát hiện hàm lượng chì trong máu cao sẽ phải điều trị thải độc chì.

Luật sư Phạm Thanh Bình, Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội, cho rằng theo luật An toàn thực phẩm và luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì công ty URC phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người đã sử dụng sản phẩm C2 và Rồng Đỏ không đảm bảo chất lượng. Về mặt nguyên tắc, những người đã tiêu thụ C2 và Rồng Đỏ nhiễm chì có quyền tự mình hoặc đề nghị các tổ chức xã hội, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng khởi kiện để yêu cầu URC bồi thường thiệt hại. 

Tuy nhiên, trên thực tế người tiêu dùng đơn lẻ khởi kiện URC để yêu cầu bồi thường thiệt hại là rất khó thực hiện bởi họ thường mua lẻ và ít lưu giữ chứng cứ (sản phẩm kém chất lượng). Hơn nữa, việc chứng minh thiệt hại do sản phẩm kém chất lượng gây ra không đơn giản và cần có hóa đơn chứng từ cho các chi phí khám chữa bệnh, mất khả năng lao động, cơ hội việc làm, thời gian, ăn uống…/.

Theo Quý Dương (Tổng hợp) / Gia đình Việt Nam