Cứ vào mùa đông bệnh cúm lại hoành hành không trừ một ai. Thậm chí, tại nước Anh, cúm đã trở thành dịch bệnh H3N2 khiến nhiều người tử vong và hàng ngàn người nhập viện. Bệnh cúm này đã có vắc xin nhưng chỉ làm việc hiệu quả khoảng 34%, còn lại có thoát khỏi nó được hay không là do miễn dịch của cơ thể.
Từ vấn nạn cúm trở thành dịch trong mùa đông, các nhà khoa học phải nghiên cứu và tìm ra những biện pháp ngăn chặn cúm và kích thích vắc xin làm việc hiệu quả hơn.
Nghiên cứu cho thấy, thiếu ngủ có thể gây ra các vấn đề sức khỏe mãn tính như bệnh tiểu đường và bệnh tim. Ngoài ra, còn làm cho vắc xin hoạt động không hiệu quả.
‘‘Mọi người đều cho rằng, ngăn ngừa cúm tốt nhất là ngăn virus vào cơ thể bằng cách vệ sinh sạch sẽ và giữ sạch tay chân. Tuy vậy, thực tế thì giấc ngủ còn quan trọng hơn. Nó giống như sạc pin, cần thiết để ngăn ngừa cúm và các tác nhân tiêu cực bên ngoài vào cơ thể. Rất tiếc, hầu như mọi người đều không nghĩ như vậy’’, nhà nghiên cứu Chris Brantner nói.
Tốt hơn hết là bạn nên ngủ đủ và ngủ sâu. Các bác sĩ khuyến cáo, trẻ từ 6 đến 13 tuổi nên ngủ từ 9 - 11 giờ. Trẻ vị thành niên nên ngủ 8 – 10 giờ và những người 18 tuổi trở lên nên ngủ 7 – 9 giờ đồng hồ.
Đừng nghĩ rằng đây chỉ là lời khuyên, đó thực sự là khuyến cáo và chỉ dẫn nếu như muốn tránh virus cúm, nhất là loại cúm H3N2 hiện đang hoành hành ở các quốc gia.
Giấc ngủ được chia thành 4 giai đoạn : Giai đoạn bắt đầu vào giấc ngủ khoảng 5-10 phút. Sau đó là giai đoạn ngủ mơ màng, đến ngủ sâu (30 – 45 phút) và cuối cùng là giai đoạn chuyển giấc ngủ sang một chu kỳ khác (REM).
Giai đoạn quan trọng nhất là giấc ngủ sâu. Lúc này, cơ thể sẽ tái tạo một loại tế bào T nhất định chịu trách nhiệm cho các phản ứng miễn dịch như giết chết các tế bào nhiễm virus và sản sinh tế bào mới.
Trong thời gian này, hệ miễn dịch cũng giải phóng các cytokine - Một loại protein tốt khi cơ thể bị nhiễm trùng hoặc viêm.
Vì vậy, nếu bạn không đảm bảo có giấc ngủ đúng giai đoạn, đúng chu kỳ thì sẽ vô tình làm cho cơ thể giảm sản xuất tế bào T và làm suy yếu hệ thống miễn dịch.
Nói cách khác, hệ miễn dịch sẽ đối phó với tình trạng thiếu ngủ bằng cách phải ‘‘làm thêm giờ’’ và nó sẽ bị kiệt sức, virus dễ dàng xâm nhập hơn.