Nhiều nước trên thế giới cũng đã hỗ trợ cho ngành hàng không, như Trung Quốc, Thái Lan áp dụng nới lỏng thuế, phí; Singapore, Canada... trực tiếp bơm tiền bù đắt chi phí cho doanh nghiệp hoặc mua trái phiếu chuyển đổi, mua cổ phiếu để tăng vốn.

Thái Lan chi 770 triệu USD để cứu trợ các hãng hàng không giá rẻ nội địa

Cùng với cam kết cứu trợ, Chính phủ Thái Lan cũng yêu cầu các hãng hàng không này giữ lại 20.000 nhân viên trong suốt cuộc khủng hoảng Covid-19 để đổi lại.

Bộ Tài chính trước đó miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu máy bay và giảm mức giảm thuế tiêu thụ đặc biệt xuống 0,2 baht, nhưng việc cắt giảm sẽ hết hạn vào cuối tháng 9. Các chi phí khác được miễn hoặc giảm bao gồm phụ phí hàng không, phí hành khách, phí bãi đỗ và phí khởi hành quốc tế.

Truyền thông sở tại ngày 29/8 dẫn lời Người phát ngôn Chính phủ Anucha Burapachaisri cho biết ông Prayut nói với các giám đốc điều hành hãng hàng không rằng Chính phủ sẽ sớm tìm kiếm các giải pháp để hỗ trợ các công ty của họ, thừa nhận rằng hàng không, vốn đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Thái Lan, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Ông Prayut nói tại cuộc họp hôm 28/8 rằng Trung tâm Xử lý tình hình Covid-19 (CCSA) có kế hoạch nới lỏng các biện pháp khác nhau đối với hàng không và du lịch nội địa. Ông yêu cầu các nhà khai thác duy trì việc làm của nhân viên trong khi Chính phủ tìm kiếm các giải pháp.

Chính phủ các nước đã nỗ lực tìm mọi cách để giải cứu ngành vận tải hàng không
Chính phủ các nước đã nỗ lực tìm mọi cách để giải cứu ngành vận tải hàng không

Trung Quốc đang xem xét bơm tiền trực tiếp cho ngành hàng không

Chính phủ Trung Quốc sẽ bơm hàng tỉ USD để bảo lãnh cho ngành công nghiệp hàng không. Covid-19 đã dẫn đến một động thái chưa từng có, các hãng hàng không trên toàn cầu đã dừng khoảng 80% các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc, trong khi các hãng hàng không của Trung Quốc cũng cắt giảm 10,4 triệu ghế trong các chuyến bay nội địa.

Hiện tại, Trung Quốc cũng đang xem xét việc miễn trừ nợ và đưa ra các điều khoản thuế máy bay thuận lợi hơn, để giải cứu ngành hàng không trong cơn bão dịch Covid-19.

Tuần trước,  Cục Hàng không Trung Quốc (CAAC) đã cho biết Chính phủ Trung Quốc sẽ có các biện pháp hỗ trợ ngành hàng không, trong đó có việc sáp nhập. Dù vậy, cơ quan này từ chối cho biết thêm chi tiết. Chính phủ cũng đã công bố kế hoạch giảm thuế, phí cho các hãng hàng không, tạm thời miễn bảo hiểm xã hội các các doanh nghiệp trong ngành này.

Thị trường hàng không Trung Quốc dự kiến sẽ vượt qua Mỹ trong thập kỉ này, và trở thành thị trường lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, hiện nước này đã tụt xuống vị trí thứ 25, xếp sau Bồ Đào Nha, theo OAG Aviation Worldwide.

Việt Nam giảm thuế bảo vệ môi trường đến 50%

Thuế Bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay là khoản thu khi sử dụng nhiên liệu bay. Năm ngoái, để hỗ trợ cho ngành hàng không, Thuế Bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay đã được giảm 30% về 2.100 đồng một lít, hiệu lực từ tháng 8/2020 đến hết năm nay.

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc với đề xuất mức giảm thuế môi trường với nhiên liệu bay còn 1.000 đồng/lít, áp dụng trong năm 2022. Việc đề xuất tăng mức giảm thuế từ 30% lên 50% theo Bộ Tài chính nhằm hỗ trợ hơn nữa cho ngành hàng không.

Mức giảm thuế này được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI đưa ra trên cơ sở phân tích và phản ánh từ các doanh nghiệp, hiệp hội. Lập luận của các doanh nghiệp, hiệp hội là ngành hàng không đã trải qua 2 năm bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh và mức ảnh hưởng năm sau nhiều hơn năm trước.

Bộ Tài chính nỗ lực để cứu cánh hàng không Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Bộ Tài chính nỗ lực để cứu cánh hàng không Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Theo số liệu từ Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam, doanh thu năm 2021 của các hãng tiếp tục giảm nặng nề so với năm 2020 và có thể sụt giảm đến hơn 65% doanh thu so với năm 2019. Các giải pháp hỗ trợ ngành hàng không thời gian qua cũng chỉ đỡ được một phần, các hãng vẫn trong trạng thái suy kiệt dòng tiền và khả năng cạnh tranh.

Nợ ngắn hạn, dài hạn của các hãng hàng không lên tới 50.000 tỉ đồng, trong khi việc phục hồi kinh tế, đi lại bằng đường hàng không còn nhiều bất định do sự xuất hiện của các biến chủng mới. Vì thế, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ ở mức cao sẽ giúp doanh nghiệp và ngành hàng không tiếp tục gắng gượng và tạo đà để hồi phục.

Theo VCCI, bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong năm 2021 đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến ngành hàng không, nên đề xuất giảm mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay (xăng Jet A1) là rất cần thiết, nhằm hỗ trợ kịp thời cho ngành hàng không trong quá trình phục hồi sau đại dịch.

Mức đề xuất giảm thuế về còn 1.000 đồng một lít này thấp hơn so với dự thảo của Bộ Tài chính đưa ra trước đó là 1.500 đồng một lít (giảm 50% so với mức đang áp dụng 3.000 đồng một lít).

Việc giảm thuế bảo vệ môi trường theo Bộ Tài chính giúp giảm chi phí bay, gián tiếp tạo nguồn tài chính cho doanh nghiệp trong bối cảnh suy yếu dòng tiền, âm thanh khoản. Việc giảm thuế cũng có tác động gián tiếp khuyến khích các ngành kinh tế khác như thương mại, dịch vụ, du lịch...

Theo Kinh Tế Môi Trường

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/chinh-phu-cac-quoc-gia-lam-gi-de-chong-te-liet-nganh-hang-khong-62088.html