Doanh nghiệp hàng không đồng loạt “kêu cứu”

Chỉ tính đến giữa năm 2021, khoản nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng bay lớn nhất đã lên tới 36.000 tỷ đồng, Vietnam Airlines chiếm hơn 66%. Việc nhiều đường bay dừng khai thác, đặc biệt là đường bay quốc tế đã tác động rất tiêu cực lên các DN hàng không. Theo tính toán của Hiệp hội DN hàng không Việt Nam (VABA), mỗi ngày dừng bay, ngành hàng không thiệt hại trên 500 tỷ đồng.

Chủ tịch VABA cho biết từ khi bùng phát dịch đến nay, doanh thu các hãng hàng không liên tục giảm, hiện chỉ còn chưa đến 10% so với trước dịch. DN hàng không bị lỗ ngày càng lớn, dự báo năm 2021 có thể lên tới 20.000 tỷ đồng; nợ ngắn hạn và đến hạn phải trả của các hãng lên tới 36.000 tỷ đồng. Trước tình hình trên, VABA đã có kiến nghị gửi tới Ngân hàng Nhà nước đề xuất được vay tái cấp vốn lãi suất 0% cho các DN hàng không tư nhân như Vietnam Airlines (Vietnam Airlines đã được hưởng gói ưu đãi này). VABA đề xuất các hãng hàng không tư nhân được cấp vốn vay lãi suất 0% này trong tối đa 3 năm hoặc được vay gói ưu đãi lãi suất 3 - 4%/năm.

Gói vay trên được coi là vô cùng quan trọng đối với các hãng hàng không tư nhân để họ có thêm nguồn lực phục hồi kinh doanh sản xuất. Trong đó, Vietjet đề nghị hỗ trợ khoản vay tín dụng 8.000 - 10.000 tỷ đồng; Bamboo mong được vay 5.000 tỷ đồng… dưới hình thức tái cấp vốn từ các ngân hàng thương mại như đã áp dụng cho Vietnam Airlines và khoản tín dụng dài hạn với lãi suất và điều kiện ưu đãi. Vietravel Airlines cũng đề nghị cho vay 1.000 tỷ đồng với mức lãi suất 0% hoặc lãi suất ưu đãi và thời gian trả nợ dài hạn.

Hỗ trợ giúp doanh nghiệp hàng không phục hồi
Hỗ trợ giúp doanh nghiệp hàng không phục hồi

Muốn phục hồi, cần được hỗ trợ để trụ vững

Không chỉ “cầu cứu” Ngân hàng Nhà nướ, VABA cũng đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị bộ này xem xét, chấp thuận và có văn bản kiến nghị Chính phủ và Quốc hội và các bộ, ngành liên quan cho các hãng hàng không khác vay gói tái cấp vốn 4.000 - 6.000 tỷ đồng, lãi suất 0% như đã thực hiện với Vietnam Airlines (gói 4.000 tỷ vay tối đa 3 năm). Số vay cụ thể căn cứ vào nhu cầu của từng hãng, vào quy mô, thị phần, đóng góp cho ngân sách trong thời gian qua và khả năng đáp ứng của ngân sách.

Các chuyên gia khẳng định, dù đường bay nội địa đã được nối lại được một thời gian nhưng nhìn chung các DN hàng không vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Không phủ nhận hàng không và du lịch đang có dấu hiệu phục hồi với những đường bay nội địa đã được khôi phục tuy nhiên để các hãng bay thật sự thoát ra khỏi khó khăn, khủng hoảng thì vẫn cần tới các gói hỗ trợ của Nhà nước, từ chính sách cho tới vốn vay. PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế cho rằng, các đường bay nội địa về cơ bản không thể xem là cứu cánh cho hàng không mà phải chờ tới khi đường bay quốc tế được nối trở lại. “Dù chúng ta đã có kế hoạch nối lại đường bay quốc tế nhưng dịch bệnh Covid-19 đang phức tạp trở lại ở nhiều quốc gia, nhất là sự xuất hiện của chủng mới Omicron” – PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.

Theo chuyên gia kinh tế này, các hãng hàng không vẫn cần các gói hỗ trợ để vượt qua khó khăn vào lúc này. “Việc phục hồi của các DN hàng không sẽ cần nhiều thời gian, có thể kéo dài nhiều năm nhưn để chờ được đến lúc đó, họ cần được hỗ trợ ngay lúc này để có thể tiếp tục trụ vững trong thời gian tới” – chuyên gia Ngô Trí Long cho biết.

Khi hàng không tưởng chừng phục hồi, đợt dịch Covid-19 thứ ba và thứ tư quay lại đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hãng. Có tới 80 - 90% máy bay đắp chiếu tại sân bay, doanh thu tụt dốc chỉ còn 10 - 20%. Tình hình dịch bệnh kéo dài so với dự đoán, tác động của đại dịch trở nên vượt quá khả năng chịu đựng của DN hàng không.
Tổng thư ký VABA, TS Bùi Doãn Nề

Theo Kinh tế Đô thị

Nguồn: https://kinhtedothi.vn/ho-tro-giup-doanh-nghiep-hang-khong-phuc-hoi-443658.html