ng Trương Gia Bình - Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế Tư nhân

Ông Trương Gia Bình - Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế Tư nhân

Sáng ngày 6/12, phiên thứ hai của Diễn đàn Du lịch đã thảo luận về các giải pháp trọng tâm phát triển du lịch Việt Nam chất lượng, bền vững tới năm 2030. Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Trương Gia Bình - Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế Tư nhân nhấn mạnh du lịch là ngành tăng trưởng 2 lần trong nhiều năm qua, đóng góp 7,5% GDP và đóng góp gián tiếp 22,5% GDP. "Nhưng chúng ta cũng thấy sự lo lắng trong những năm tiếp theo. Trong nhiều năm Việt Nam chỉ xây dựng 2 sân bay mới. Nếu không thay đổi thì chúng ta đã đến ngưỡng giới hạn", ông Bình nói.

Học hỏi mô hình làm du lịch của Nhật Bản

Ông John Lindquist - thành viên Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh cho rằng, du lịch Việt Nam có nhiều tiềm năng, tăng trưởng nhanh và đã đạt được nhiều thành tựu nhưng khó khăn là làm sao để đưa ngành công nghiệp không khói lên tầm cao mới.

Theo ông John, những người làm du lịch cần đưa các điểm du lịch Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Việt Nam cần tạo thương hiệu và quảng bá thương hiệu này đến với các khách hàng tiềm năng. Để tạo thương hiệu, chúng ta cần nguồn ngân sách và có những chính sách phù hợp.

Ông John Lindquist - thành viên Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh

Ông John Lindquist - thành viên Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh

Bên cạnh đó, Việt Nam cần có chương trình phù hợp để giúp du khách biết rằng cách du lịch Việt Nam dễ dàng như thủ tục visa đơn giản, hệ thống hàng không thuận tiện, đi lại dễ dàng.

Ông John Lindquist cũng điểm lại những gì Việt Nam đã đạt được và so sánh với các quốc gia khác. Hiện, Việt Nam đã đạt 15 triệu lượt khách, tăng 10% so với 2 năm gần đây. Việt Nam phát triển nhanh nhưng so với Thái Lan mới chỉ đứng thứ 3.

So sánh với Nhật Bản, 10 năm gần đây, du lịch quốc gia này hiện tăng trưởng mạnh bởi từ năm 2015, Thủ tướng Shinzo Abe chọn du lịch là lĩnh vực quan trọng để phát triển trở lại. Trong một thập kỷ qua, Nhật Bản đã đưa ra nhiều chính sách như tăng công suất sân bay, nới lỏng visa, tăng ngân sách cho du lịch. Theo thành viên Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh, Việt Nam có thể đi theo hướng này.

Về tác động kinh tế, người Nhật Bản chi hơn 1.500 USD cho mỗi chuyến đi trong khi Việt Nam chỉ hơn 900 USD. Về số lượng, chúng ta đã phấn đấu bằng Thái Lan nhưng lượng chi tiêu phải phấn đấu nhiều hơn, ông nói tiếp.

Bí quyết giúp Singapore thu hút thêm một triệu khách quốc tế mỗi năm

Chia sẻ kinh nghiệm từ Singapore, ông Chang Chee Pey - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Singapore cho rằng nhờ việc theo đuổi ba yếu tố: đa dạng thị trường; phát triển, quy hoạch đề án và bắt kịp xu hướng người dùng, ngành Du lịch Singapore đã phát triển nhanh chóng.

Ông Chang Chee Pey - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Singapore

Ông Chang Chee Pey - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Singapore

Trong đó, điểm nổi bật là việc đa dạng hóa thị trường khách du lịch. Tổng cục Du lịch Singapore có 21 văn phòng đại diện tại các nước, đang hướng nhiều tới châu Á - nhóm thị trường tiềm năng. Bên cạnh đó, quy hoạch du lịch là nỗ lực của toàn Chính phủ và Tổng cục Du lịch Singapore. Trước đây, xuất phát điểm của ngành du lịch tại đây khá khiêm tốn. "Năm 1964, có 91.000 du khách đến thăm đất nước Singapore, khoảng 87.000 khách khác đến bằng đường biển. Ngành du lịch Singapore đã phát triển năng động trong thập kỷ qua, mạnh nhất là giai đoạn 3 năm gần đây. Cụ thể, từ 2015 đến 2017, mỗi năm, quốc đảo sư tử đón thêm hơn một triệu lượt khách.

Chia sẻ về lượng khách du lịch quốc tế tới Singapore 2017, ông Chang Chee Pey cho biết, khách Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ chiếm số đông, đây cũng là ba thị trường du khách lớn nhất của Singapore hiện nay. Việt Nam cũng nằm trong nhóm 10 thị trường lớn của ngành du lịch Singapore.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Singapore cũng đề xuất Tổng cục Du lịch Việt Nam có thể cân nhắc việc mở rộng mạng lưới văn phòng du lịch để định hình thị trường.

Các nước chi hàng chục triệu USD cho quảng bá du lịch, Việt Nam chi 2 triệu USD

Việt Nam có nhiều tài nguyên du lịch nhưng chưa khai thác hiệu quả, cũng như quảng bá, ông John Lindquist nói tiếp. Ông John cho biết Việt Nam hiện chỉ xếp 80 trong tổng số 136 quốc gia, thậm chí sau Lào, Campuchia.

"Đây là thách thức lớn Việt Nam cần vượt qua. Visa là điểm yếu mà Việt Nam cần cải thiện. Nếu Việt Nam muốn xây dựng thương hiệu du lịch cần đầu tư hơn. Khi nhìn vào các thương hiệu du lịch đã duy trì bền vững qua hàng thế kỷ, ta có thể thấy điều cần thiết là nguồn tài chính ổn định", vị này nhấn mạnh.

Theo ông John, về marketing quảng bá, Việt Nam có thể quảng bá thương hiệu thông qua các chiến dịch rộng rãi hơn. Ví dụ tại Anh, Chính phủ dùng thông điệp "Great - vĩ đại" nhất quán tại nhiều lĩnh vực, thể hiện cho một quốc gia.

Việt Nam có nhiều tài nguyên du lịch nhưng chưa khai thác hiệu quả, cũng như quảng bá

Việt Nam có nhiều tài nguyên du lịch nhưng chưa khai thác hiệu quả, cũng như quảng bá

Một thương hiệu sẽ giúp nâng cao nhận thức nhưng cần định hướng giá trị rõ ràng với từng nhóm du khách. Vị này dẫn ví dụ từ Dubai - điểm đến mà ông cho rằng "cực kỳ thành công". Bởi họ xác định thương hiệu cho toàn quốc gia có 3 trụ cột, gồm: mua sắm, sang trọng, nghỉ dưỡng - giải trí.

Tại Malaysia họ thành công trong cả thập kỷ cũng nhờ 4 trụ cột là: đa dạng văn hóa, sang trọng, niềm vui gia đình và phiêu lưu với thiên nhiên. Họ nhắm đến từng đối tượng khách chuyên biệt, ít du khách nhưng mức chi tiêu cao.

"Có thương hiệu tổng thể sau đó xác định các trụ cột. Việt Nam cần định hướng giá trị cho du khách tiềm năng của mình", vị này nói.

Australia, Anh, hay các nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia... chi tiêu nhiều vào hoạt động quảng bá với hàng chục hoặc hàng trăm triệu USD. Trong khi đó, Việt Nam mới dành khoảng 2 triệu USD quảng bá cho ngành du lịch. Do đó, theo ông cần tăng tỷ lệ đầu tư. Du lịch là sản phẩm tiêu dùng cần cung cấp nhiều lựa chọn cho du khách. Ngoài nguồn tiền, nhiều nước còn có quỹ phát triển du lịch và quỹ quảng cáo.

Hội đồng tư vấn du lịch của Việt Nam được ông đánh giá là ý tưởng tốt. Khi có sự hợp tác giữa khu vực công và tư, việc tiêu tiền đầu tư cũng hiệu quả hơn.

Nhìn chung, Việt Nam muốn đột phá hơn cho ngành du lịch cần lưu ý một số điểm như: nới lỏng chế độ visa cho khách du lịch, tăng cường kết nối giao thông, đầu tư hãng hàng không, xây dựng thương hiệu quốc. Ngoài ra, các bạn cần thay đổi căn bản chi tiêu cho quảng bá, xây dựng thương hiệu và kênh marketing. Tổ chức du lịch phải tách biệt chức năng quản lý nhà nước để xây dựng các mạng lưới văn phòng tại nước ngoài.

"Đây là những điểm để du lịch Việt Nam có thể tầm cao mới. Nếu đi đúng hướng tôi tin Việt Nam sẽ thành công", Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh bày tỏ.

Minh Đức

Theo dulich.reatimes.vn