Thay đổi mùa du lịch để đi xa hơn

Khí hậu thay đổi sẽ ảnh hưởng đến nơi mà con người có thể du lịch an toàn. Theo nhóm tác giả Viện Khoa học khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu; trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã cho thấy điều kiện thời tiết và khí hậu không thuận lợi có thể gây nên ô nhiễm không khí, nhiệt độ tăng cao, mưa, gió lớn, bão lũ… điều này sẽ tác động xấu đến hoạt động du lịch khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Kết quả nghiên cứu nhận thấy, biến đổi khí hậu đã làm chỉ số khí hậu du lịch thay đổi nhiều so với quá khứ. Cụ thể vào mùa mưa ở ĐBSCL từ tháng 5 đến tháng 11 thì chỉ số khí hậu đã không còn thuận lợi, đặc biệt vào những tháng mùa mưa đã có những nơi không tốt cho du lịch. Những kết quả đã tính toán về chỉ số khí hậu du lịch tại ĐBSCL chịu tác động rất lớn của BĐKH, làm thu hẹp diện tích và thay đổi cảnh quan du lịch của khu vực. Trong tương lai dưới tác động của BĐKH, một số khu vực tại ĐBSCL đã không còn tốt cho hoạt động du lịch và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của du khách khi tới du lịch.

Nhiều khu du lịch đang chịu hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu.

Mặc dù có những thay đổi đáng kể, nhưng trong tương lai vào mùa mưa vẫn còn một số vùng vẫn thuận lợi cho du lịch ở ĐBSCL và các điểm đến nghỉ dưỡng thú vị cho du khách. Với những kết quả tính toán trên, trong những năm tới khi du lịch ở ĐBSCL, du khách sẽ có cảm giác thoải mái và hầu hết sẽ không gây ảnh hưởng tới sức khỏe khi có những hoạt động du lịch ở khu vực này.

Phát thải cùng biến đổi khí hậu đã đặt ra nhiều thách thức với ngành du lịch, nhất là với các khu du lịch ven biển. Các bãi biển luôn là điểm đến du lịch quan trọng chiếm gần 50% lượng khách du lịch toàn cầu đang phải đối mặt với một mối đe dọa tiềm tàng do mực nước biển ngày một tăng, nhiều bãi tắm có thể bị “xóa sổ” trong tương lai.

Nhiệt độ tăng lên cũng sẽ tác động đáng kể đến các tiểu ngành du lịch khác như: Du lịch sinh thái và nông nghiệp; Du lịch ở những khu vực có tuyết; Du lịch liên quan đến rừng…

Các biện pháp thích ứng cũng đóng vai trò quan trọng trong cách ngành du lịch ứng phó với những rủi ro trong tương lai. Trong đó việc phát triển du lịch cả 4 mùa là điều mà các địa phương đang áp dụng để “sống khỏe” giữa nhiều khó khăn bao quanh.

Sản phẩm du lịch thích ứng biến đổi khí hậu

Để giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu, ngành du lịch Quảng Bình đang tiến tới thay đổi tư duy du lịch mùa vụ, để mùa nào, thời gian nào cũng có thể phát triển du lịch. Tân Hóa được biết tới là “rốn lũ” của huyện Minh Hóa. Trước đây do chưa chủ động ứng phó nên người dân gặp nhiều khó khăn và thiệt hại hơn. Thế nhưng hiện nay với mô hình nhà phao, cuộc sống của người dân mùa nước lũ trở nên an toàn hơn.

Mới đây, tại Tân Hóa còn có tour du lịch trải nghiệm cuộc sống mùa lụt duy nhất tại Việt Nam. Nhiều hoạt động được kết hợp như, đón khách bằng thuyền máy tại điểm tập kết theo quy định đến khu vực ngã ba Tân Lý, trải nghiệm mùa lụt tại Tân Hóa và nghỉ ngơi ở khu điều hành Tân Hóa, chèo kayak, sup, thuyền ngắm cảnh quan mùa lụt tại khu vực trước cửa của khu điều hành Tú Làn,.... Tân Hóa cũng được định hướng phát triển theo mô hình làng du lịch thích ứng với thời tiết.

Tân Hóa được định hướng phát triển theo mô hình làng du lịch thích ứng với thời tiết.

Ngoài ra ở xứ sở của người Rục xã Thượng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) cũng tiềm ẩn nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Tuy nhiên ở đây là thung lũng, nên Hung Trâu (nơi người Rục sinh sống) sẽ bị ngập lũ trong khoảng một tháng, vừa đủ để tạo ra một hành trình thú vị và hấp dẫn cho du khách bao gồm cả các hoạt động ngắm cảnh thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa cuộc sống cộng đồng người Rục.

Các phương án trên sau khi thử nghiệm sẽ có kết quả đánh giá và giao cho doanh nghiệp đủ năng lượng triển khai. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức về du lịch mùa lũ, tăng thu nhập cho người dân và khách du lịch tới Quảng Bình. 

Theo kinhtemoitruong.vn

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/nganh-du-lich-dan-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-84348.html