Dường như hiện nay khẩu trang không còn là mặt hàng được săn lùng ráo riết như hồi đầu năm. Nhiều đơn vị cũng tung ra thị trường các loại khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang vải thông thường để người dân có nhiều lựa chọn đa dạng hơn.
Sau cơn sốt cháy hàng nước sát trùng và khẩu trang thì người dân lại đổ xô đi mua đồ bảo hộ chống dịch Covid-19. Đó là các loại như quần áo bảo hộ, kính bảo vệ, nón kính chống giọt bắn,…Vậy các sản phẩm này có tác dụng ngăn ngừa dịch bệnh như mọi người truyền tai nhau không?
Nón/mũ chống giọt bắn
Chiếc nón chống dịch Covid-19 được nhiều người tiêu dùng khá tin tưởng là một công cụ hỗ trợ đắc lực trong mùa virus SARS-CoV-2 hoành hành. Nón chống dịch được làm thêm lớp kính bảo hộ bằng nhựa trong suốt, che chắn mặt hoàn toàn đủ màu sắc cho người lớn và trẻ em.
Trên mạng xã hội, các chợ online, các loại mũ chống giọt bắn được rao bán rộng rãi với nhiều mức giá khác nhau, dao động từ 50.000 – 150.000 đồng/chiếc tùy chất liệu của mũ.
Mũ chống giọt bắn bán rộng rãi trên các trang mạng xã hội
Chị Nguyễn Ngoan (Đông Anh) kinh doanh nón chống dịch cho biết, chị có thể bán được nón với số lượng tăng gấp 2 hoặc gấp 3 lần sau vài ngày bán. Thậm chí hồi đầu chị còn bán được cả trăm đơn một ngày. Chị cho rằng, dù loại mũ này không thay được khẩu trang nhưng vẫn có tác dụng giảm được lây lan khi cần đến chỗ đông người, do vậy mà hiện tại chị vẫn bán được rất nhiều. Về nguồn gốc của sản phẩm, chị khẳng định nón được sản xuất và gia công tại Việt Nam. Người bán không nhập hàng từ nước ngoài về được vì hiện tại tình hình dịch bệnh đang rất phức tạp.
Tình trạng mọi người đổ xô đi mua nón chống dịch Covid-19 khiến cho loại nón này trở nên cháy hàng và trở thành một xu hướng “thời trang đường phố” mới. Nhiều người đã sẵn sàng mua cho gia đình mỗi người một chiếc vì tin tưởng sẽ giúp giảm thiểu được dịch bệnh.
Một khách hàng tên B.T. (Nguyễn Trãi) cho biết "Nói về mẫu mã của sản phẩm, anh bày tỏ: "Nón này đẹp lại an toàn trong thời điểm này, phần nhựa phía trước che chắn tốt, đi ra đường đội vào cho an toàn. Hình thức của nó rất bắt mắt, phần nhựa bảo hộ rất phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay".
Chị T. còn cho biết, bất kể đi làm, đi chợ hay đi ăn uống bên ngoài chị đều đội chiếc nón này. “Khi ra đường có khá nhiều người hỏi xem mình mua ở đâu để đặt mua”.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lại khuyên người dùng không nên quá đặt niềm tin vào mũ chống giọt bắn này.
PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: "Con virus bám vào tất cả các bề mặt rất lâu tùy chất liệu. Với bề mặt plastic như cái mũ thì virus Corona sống rất lâu. Rồi người ta lại còn sờ tay lên mũ nữa rồi lại cho tay lên mắt mũi miệng thì lại càng nguy hiểm hơn".
Bác sĩ cho rằng "Người dân không cần thiết phải đội mũ chống giọt, khuyến cáo đeo khẩu trang thì cứ đeo thôi cứ tự sáng tác ra làm gì. Người dân không hiểu được, cứ nghĩ Covid-19 có thể lây qua giọt bắn. Giọt bắn sẽ truyền qua lực hít của bạn chứ không phải bắn, nếu không thì nó rơi xuống, hoặc theo chiều gió. Ví dụ bạn ho rồi nó bắn ra xa và rơi xuống đất chứ nó không bay được trong không khí. Vì vậy người ta mới khuyên giữa khoảng cách xã hội là tối thiểu 2m và khuyên nên đeo khẩu trang để tránh giọt bắn qua đường hô hấp".
Một bác sĩ tại bệnh viện Y học Cổ truyền Bộ Công An cho rằng, bạn có thể sử dụng nón để ngăn giọt bắn từ người bệnh khi ho. Tuy nhiên, nên sử dụng kết hợp cùng khẩu trang. Nón chỉ giúp hỗ trợ một phần, không có nhiều tác dụng và không thể thay thế cho khẩu trang. Hoặc nếu có sử dụng thì đối với chiếc nón chống giọt bắn này nên vệ sinh thường xuyên bằng các dung dịch có tính sát khuẩn để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Kính chống dịch
Một trong những mặt hàng cũng hot không kém mũ chống giọt bắn là kính chống dịch. Những chiếc kính bảo hộ bình thường bây giờ biến thành “kính chống dịch Covid-19” dù không có điểm gì khác biệt.
Những chiếc kính này được làm từ chất liệu nhựa poly carbonate (PC), có thể kéo dài ra để điều chỉnh cho phù hợp với khuôn mặt của từng người, có khả năng chống va đập cao và chống vỡ vụn. Trước đây chiếc kính này thường được các công nhân dùng bảo vệ mắt nhưng vì thời gian gần đây dịch bệnh bùng phát nên nó mới biến thành kính chống dịch bệnh. Thậm chí bây giờ gọng kính được làm nhiều màu sắc hơn khiến nó bắt mắt và thời trang hơn.
Hiện tại, những chiếc kính này đã tăng giá lên gấp đôi gấp 3 ngày thường, dao động từ 50.000 – 70.000 đồng/chiếc. Nhiều người đang săn lùng những chiếc kính này cho bằng được.
Tuy nhiên, bác sĩ Tiến Dũng cũng bày tỏ quan điểm là mang gì thì mang nhưng phải hiểu cách sử dụng: "Cái kính bảo hộ chỉ trong trường hợp tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân thì mới cần thiết. Hoặc dùng thì phải thật cẩn thận. Tháo xuống là phải tiệt trùng sạch sẽ, trước khi tháo xuống cũng phải rửa tay, chứ không phải cứ tháo xuống rồi lại đeo lên thì có tác dụng gì?"
Set đồ bảo hộ
Một loại đồ bảo hộ đang hot trên thị trường là set đồ bảo hộ. Hiện, một set đồ bảo hộ bao gồm 1 bộ quần áo liền mũ, bao chân, găng tay, kính bảo hộ và một chiếc khẩu trang y tế hiện đang được nhiều người tìm mua vì giá rẻ, dao động từ 80.000 - 100.000 đồng/set.
Chị Q. C. – một người chuyên bán mặt hàng phòng dịch Covid-19 tại chợ Hà Đông khẳng định: “Bộ quần áo bảo hộ được làm từ chất vải chống tĩnh điện không dệt. Đặc biệt, là sản phẩm dùng một lần nên sau khi vứt đi sẽ dễ dàng phân hủy trong môi trường thông thường mà không gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, vì bộ quần áo này được làm từ vải không dệt nên tương đối mỏng, mặc thoáng mát, không gây khó chịu cho người dùng. Chính vì đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trong mùa dịch nên từ khi dịch bệnh bùng phát, bình quân mỗi ngày tôi bán được vài trăm bộ cả sỉ lẫn lẻ” .
Những set đồ bảo hộ này còn được bán rất nhiều tại những trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… hầu hết shop nào cũng miêu tả bảo vệ người sử dụng trước tác động của virus, vi khuẩn, khí độc, hóa chất và những tác nhân gây ra các căn bệnh về đường hô hấp.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho rằng: “Đồ phòng hộ y tế gọi là PPE gồm găng tay, quần áo mặc, mũ kính, khẩu trang… và phải có kiểm định chất lượng của cơ quan y tế thì mới gọi là đảm bảo trong công tác phòng chống được dịch bệnh. Còn nếu không có kiểm định thì đương nhiên có thể bảo hộ nhưng hiệu quả của nó không cao và không thể dùng trong y tế được. Người dân nên vệ sinh tay chân thường xuyên bằng xà phòng sát khuẩn. Hơn nữa, thời gian này người dân cũng nên hạn chế tụ tập đông người để tránh nguy cơ dịch bệnh chứ không nên trông chờ vào các biện pháp bảo hộ thông thường như vậy”.