Không chỉ ngày Tết mà hiện nay nhiều gia đình vì quá bận rộn nên có thói quen tích trữ thực phẩm trong tủ lạnh đến cả tháng. Mặc dù điều này được các chuyên gia khuyên là không nên vì thực phẩm lâu trong tủ lạnh có thể làm giảm chất lượng, mất độ tươi, ngon.
Nhưng thực tế, việc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, đặc biệt là dịp Tết là việc không thể tránh khỏi. Điều được nhiều gia đình quan tâm hiện nay là bảo quản sao cho đúng cách để thực phẩm tươi ngon, giữ được giá trị dinh dưỡng và đảm bảo sức khỏe.
Dưới đây là lời khuyên của chuyên gia trong quá trình bảo quản thực phẩm đông lạnh:
Vệ sinh tủ lạnh
Trong tủ lạnh hay có hiện tượng đọng đá, những nước đá đọng lại ấy có mang những vi khuẩn của những thực phẩm trước vô hình chung khiến thực phẩm bị lây nhiễm vi khuẩn. Trong tủ lạnh có những thực phẩm tươi sống hoàn toàn như thịt, cá nhưng cũng có những loại thực phẩm đã được nấu chín như giò, chả. Nếu chúng ta để chung cùng một nơi sẽ xảy ra hiện tượng "nhiễm chéo" từ những thực phẩm tươi sống sang thực phẩm chín.
Sơ chế trước khi lưu trữ
Nhiều người có thói quen bảo quản thịt sống và một số loại hoa quả tươi trong tủ lạnh ngay sau khi mua về mà không sơ chế hay vệ sinh sạch. Điều này khiến các loại vi khuẩn và mầm bệnh từ thực phẩm có điều kiện phát triển.
Việc làm sạch rau và bảo quản trong tủ lạnh là cần thiết, tuy nhiên, chị em cần lưu ý để ráo nước trước khi cất vào tủ, tránh tình trạng rau bị đọng nước, nẫu và ủng.
Với thịt, cá sống, chị em cũng cần sơ chế sạch trước khi bảo quản. Dù cất thịt sống vào ngăn mát hay ngăn đá trong tủ lạnh đều phải bọc thịt thật kỹ để giữ được độ tươi ngon và tránh lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh.
Bảo quản thực phẩm sống
Thực phẩm tươi sống cần bảo quản cẩn thận và tránh để chung với các loại thực phẩm khác để đề phòng lây nhiễm vi khuẩn. Đối với các loại thịt sống thì cần được giữ đông ở ngăn đá của tủ lạnh để bảo quản lâu hơn, đồng thời cũng phòng tránh việc có thể lây nhiễm vi khuẩn sang thực phẩm khác.
Nên làm sạch thực phẩm, sau đó chia nhỏ thành từng phần phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình, cho vào túi nilon hoặc hộp đựng thực phẩm, bọc thật kỹ và mang giữ trong ngăn đá tủ lạnh. Khi cần sử dụng, bạn mang rã đông, thực phẩm vẫn đảm bảo tươi ngon và hợp vệ sinh.
Bảo quản thực phẩm chín
Các loại thực phẩm chín hoặc các món ăn chuẩn bị sẵn, bạn nên để thức ăn nguội hẳn mới cho vào hộp đựng thực phẩm và giữ lạnh trong tủ. Nếu cho thức ăn còn nóng vào tủ lạnh sẽ làm thức ăn bị biến chất, ngưng đọng hơi nước và tác động không tốt cho sức khỏe khi ăn.
Nên bảo quản thực phẩm chín bằng các hộp đựng thực phẩm chuyên dụng, tránh để thực phẩm chín tiếp xúc với các loại thực phẩm khác, trước khi ăn nên nấu lại để bảo đảm vệ sinh.
Rã đông đúng cách
Khi lấy thực phẩm từ trong tủ lạnh, chúng ta thường có thói quen cho vào nước nóng để làm tan đá, làm lãng phí chất dinh dưỡng bởi vì tế bào bị vỡ ra, thoát ra ngoài cùng nước, làm giảm chất dinh dưỡng. Chúng ta nên cho thực phẩm từ ngăn đá xuống ngăn dưới để làm tăng nhiệt độ từ từ sau đó mang ra ngoài thì thực phẩm sẽ tan đá và không bị mất chất dinh dưỡng.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội), trong tủ lạnh có hai ngăn là ngăn đá và ngăn mát. Thực phẩm bỏ vào ngăn đá có thể đặt xuống nhiệt độ -10 độ C, -12 độ C, thậm chí có loại tủ lạnh có thể đạt đến -18 độ C. Ở ngăn đá do nhiệt độ thấp nên việc ức chế vi sinh cao có thể bảo quản đồ ăn trong 1 tuần. Còn ở ngăn mát thực phẩm được giữ ở nhiệt độ 8 - 12 độ C, dùng cho bảo quản thực phẩm trong thời gian ngắn tầm khoảng 2 - 3 ngày cho các loại rau, củ quả.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng chỉ ra rằng, hiện nhiều gia đình vì quá bận rộn hoặc giữ thói quen không tốt đó là tích trữ thực phẩm trong tủ lạnh đến cả tháng, điều này là không nên vì trước hết thực phẩm hiện nay rất nhiều và sẵn nên có thể mua và dùng ngay được, trong khi đó nếu bảo quản thực phẩm lâu trong tủ lạnh có thể làm giảm chất lượng, mất độ tươi, ngon