10 ngày đồng lòng truy vết, khoanh vùng, dập dịch
Ngày 3/5, sau gần một năm trở về cuộc sống bình thường từ đợt dịch đỉnh điểm năm 2020, Đà Nẵng quay trở lại trạng thái báo động với ca nhiễm đầu tiên xuất hiện trở lại. Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng phong tỏa. Toàn thành phố trở lại cuộc chiến. Trong khi đó, dịch cũng đang bùng phát trên cả nước với những diễn biến phức tạp, khó lường.
10 ngày khẩn trương kiểm soát và chống dịch, Đà Nẵng liên tiếp nâng cấp độ các biện pháp từ khoanh vùng ca nghi nhiễm đến mở rộng xét nghiệm và dừng các hoạt động không thiết yếu. Cuộc chiến chống dịch được triển khai ở mức độ cao hơn, dứt khoát, nhanh và mạnh hơn. Nhưng không thấy bất cứ sự bối rối nào từ một thành phố bất ngờ phải ứng phó với dịch sau thời gian dài trở lại đời sống bình thường. Đà Nẵng đã được “nâng cấp” lên một phiên bản mới trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Đó là phiên bản ưu việt của sự đồng lòng. Cả hệ thống chính trị từ chính quyền tới các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp và người dân lại đồng lòng vào cuộc, vẫn với tinh thần quyết liệt, sáng tạo như đã từng.
Một ngày sau, Đà Nẵng yêu cầu dừng tất cả các hoạt động lễ hội, các dịch vụ không thiết yếu. Sáng 4/5, những bãi biển của thành phố biển nổi tiếng nhất Việt Nam không một bóng người.
Liên tiếp những ngày sau đó, từng cấp độ chống dịch với các biện pháp cụ thể được chính quyền thành phố triển khai dứt khoát, với tinh thần dốc toàn lực “bảo vệ thành phố” của toàn bộ các thành phần trong cuộc chiến giữa thời bình.
Đà Nẵng lại bước vào những đêm trắng, với gần 70 điểm nóng trên khắp thành phố.
Những bộ đồ bảo hộ khoác trên mình các bác sĩ Bệnh viện Phổi Đà Nẵng nhiều tháng qua, giờ phủ trắng các bệnh viện, các phòng xét nghiệm và các điểm lấy mẫu xét nghiệm trên thành phố. Lại lấy bệnh viện làm nhà, bàn họp làm chỗ ngủ, và thời gian thì cứ như vô tận chẳng phân biệt đêm ngày trong khối lượng công việc khổng lồ chưa từng có. Phương pháp xét nghiệm gộp được áp dụng thành công đã mang về kết quả tối ưu cho công tác sàng lọc, cũng chính là một nỗ lực phi thường của đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế: hàng chục ngàn mẫu xét nghiệm mỗi ngày, trong đó 22.844 mẫu xét nghiệm trong ngày 13/5 là một “kỷ lục” từ trước tới nay.
Trên khắp các ngả đường, lực lượng an ninh, tình nguyện viên coi thành phố là nhà, cộng đồng là người thân, và những con số được kiểm soát mỗi ngày làm động lực để không lùi bước. Trong khi đó, những khu du lịch chủ động đóng cửa ngay cả khi chưa có yêu cầu. Các cửa hàng chuyển sang bán đồ mang về. Người dân sinh hoạt tại nhà, đi chợ bằng tem phiếu và tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu, biện pháp từ thành phố.
Con số ca nhiễm giảm dần sau 10 ngày “tổng lực” là thành quả bước đầu của người dân và chính quyền thành phố.
Đến câu chuyện của một thành phố nặng nghĩa tình
Tối 17/5, Đà Nẵng lại khiến cộng đồng không khỏi ngạc nhiên và xúc động khi cho biết sẽ hỗ trợ Bắc Giang, Bắc Ninh 12.000 sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2, tương đương 6 tỷ đồng để đồng hành cùng vượt qua đại dịch. Mặc dù Đà Nẵng, với những tổn thất nặng nề về kinh tế năm 2020 và thực trạng phải đối mặt của hiện tại, không thể nói là không trong khó khăn trăm bề.
Nhưng đây không phải lần đầu tiên thành phố ven sông Hàn khiến người ta cảm phục vì tình người, vì tinh thần đồng cam cộng khổ đáng trân quý.
Tháng 8/2020, khi dịch bùng phát với mức độ chóng mặt tại Đà Nẵng, một câu chuyện đẹp đã được viết lên giữa những u ám của dịch bệnh. Đó là một bệnh viện dã chiến quy mô và hiện đại nhất từ trước tới nay được lắp dựng thần tốc ở cung thể thao Tiên Sơn, bởi một tập đoàn tư nhân. Chính quyền gấp rút triển khai và phê duyệt phương án. Doanh nghiệp huy động toàn bộ nguồn lực, những cán bộ nhân viên không ngại ngần xung phong ra tuyến đầu làm bệnh viện cho bà con. 400 suất ăn mỗi ngày được tình nguyện phục vụ cho công trường, các đơn vị cung cấp thực phẩm, dẫu trong những ngày cách ly xã hội mua bán khó khăn, cũng nhiệt tình vận chuyển tận nơi kể cả trong đêm khi bếp cần. Và những ngày nắng như đổ lửa, phía bên ngoài công trường bệnh viện dã chiến, nhiều người dân thành phố vẫn trực chờ, không phải để xem “cái bệnh viện dã chiến ra sao”, họ chờ, hỏi xem mình có thể giúp được gì, dù chỉ là nấu nước cho anh em công nhân uống.
Cũng những ngày tâm dịch ấy, khi ở nhiều nơi người ta lo lắng vì các địa phương “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, những người đang đi công tác hay du khách không biết đi đâu về đâu, thì ở Đà Nẵng, người ta lại tìm được một “mái nhà”. Gác lại những lợi ích kinh tế phía sau, đặt nỗi lo sợ vì nguy cơ dịch bệnh sau tình đồng bào, lá lành đùm lá rách, nhiều khách sạn tại Đà Nẵng đã mở cửa miễn phí cho du khách bị kẹt ở Đà Nẵng một “ngôi nhà” lưu trú những ngày khó khăn.
Và Đà Nẵng cũng là ngôi nhà thứ hai của hàng ngàn người về từ vùng dịch. Hơn 80% các chuyến bay đưa người Việt hồi hương an toàn đã đáp xuống Đà Nẵng, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của hàng không, cảng vụ, an ninh và các bác sĩ bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Tình người là như thế. Đà Nẵng là như thế.
Tinh thần quyết liệt và sáng tạo của Đà Nẵng đã được Thứ trưởng Bộ Y tế biểu dương, đánh giá cao ngay trong đợt dịch tháng 4/2020. Và mới đây thôi, ngày 16/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định tặng bằng khen cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) và Sở Y tế thành phố Đà Nẵng vì đã có thành tích trong công tác phòng, chống Covid-19. Những khen tặng đó là nguồn động viên to lớn để toàn thể người dân và chính quyền Đà Nẵng tiếp tục nỗ lực trên con đường còn nhiều chông gai phía trước.
Hơn 10 năm trước, Đà Nẵng đồng lòng tái thiết để trở thành thành phố đáng sống nhất Việt Nam. Và giờ đây, Đà Nẵng lại đồng lòng bên nhau và bên cả nước, trở thành thành phố nặng ân tình, giữ bình yên cho quê hương, cho tổ quốc.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/cach-da-nang-chong-dich-mot-thanh-pho-nang-nghia-tinh-20201231000002239.html