Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới ngày 3-3, chính quyền các địa phương đã tích cực hỗ trợ công dân nước ngoài phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tổ chức giám sát, cách ly đối với những người đi về từ vùng dịch trên tinh thần bảo đảm an toàn sức khỏe, không kỳ thị, tôn trọng quyền cá nhân.
Đến từng ngõ, gõ từng nhà
Ngày 3-3, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, công tác cách ly những người nhập cảnh từ vùng dịch Covid-19 đang được thành phố thực hiện rất tốt, đồng thời việc sàng lọc cũng được tiến hành chặt chẽ. Tất cả người nhập cảnh từ các quốc gia đang có dịch gia tăng, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Italia, Iran đều thực hiện khai báo y tế và kiểm dịch y tế tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài. Những người có dấu hiệu sốt, ho, khó thở được chuyển ngay tới các cơ sở y tế để cách ly và xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Cũng theo ông Khổng Minh Tuấn, tại các cơ sở cách ly tập trung, căn cứ tờ khai y tế, cán bộ y tế phỏng vấn xác minh, phân loại để áp dụng hình thức cách ly phù hợp. Sau khi sàng lọc, những trường hợp không phải cách ly tập trung, Sở Y tế lập danh sách và gửi các quận, huyện, thị xã để đón công dân, tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày. Cán bộ y tế địa phương 2 lần/ngày đến nhà kiểm tra sức khỏe.
Hiện, trên địa bàn quận Thanh Xuân có hơn 3.000 người nước ngoài sinh sống, trong đó nhiều nhất là người Hàn Quốc (hơn 1.400 người), tập trung đông ở Khu chung cư Royal City (phường Thượng Đình). Đến ngày 3-3, trên địa bàn quận Thanh Xuân còn 31 trường hợp thực hiện cách ly, 49 trường hợp hướng dẫn theo dõi sức khỏe tại nhà.
Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết, quận đã thiết lập được hệ thống, mạng lưới giám sát, xử lý dịch từ quận đến các tổ dân phố. Hằng ngày, cán bộ địa phương chịu trách nhiệm “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, bảo đảm tất cả các trường hợp thuộc diện theo dõi, giám sát, cách ly được triển khai đúng quy định. Bên cạnh đó, các phường trên địa bàn quận cũng đã phát tờ rơi tuyên truyền các biện pháp phòng dịch Covid-19 bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc và tiếng Nhật Bản…
Tương tự, trên địa bàn phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm) có khoảng 2.800 người nước ngoài đăng ký tạm trú, trong đó có gần 50 người Trung Quốc và hơn 2.200 người Hàn Quốc, chủ yếu sống tại chung cư Goldmark City. Sau khi thực hiện rà soát, đến nay, tại chung cư này còn khoảng 10 hộ gia đình người nước ngoài đang thực hiện cách ly do đi từ vùng dịch về. Chủ tịch UBND phường Phú Diễn Nguyễn Ngọc Lương cho biết, không chỉ theo dõi tình hình sức khỏe, việc sinh hoạt, ăn uống của những người nước ngoài cũng được Ban quản lý tòa nhà quan tâm chu đáo. Nhờ đó, những công dân nước ngoài chấp hành nghiêm túc yêu cầu cách ly, không ra khỏi nhà.
Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có hơn 9.300 người nước ngoài lưu trú trong ngày, trong đó khách đến từ Trung Quốc là 29 người, Hàn Quốc là 74 người, Nhật Bản 533 người... Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm Đoàn Văn Việt cho biết, bất kể thời gian nào, khi nhận được thông tin có người về từ vùng dịch là cán bộ y tế dự phòng trên địa bàn đến tận nơi, thu thập thông tin và hướng dẫn người dân tuân thủ việc cách ly. Tính đến ngày 3-3, tổng số khách nước ngoài thực hiện cách ly y tế tại quận Hoàn Kiếm là 74 trường hợp, trong đó đã có 65 trường hợp hết thời gian cách ly.
Tuân thủ các điều kiện an toàn
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khuyến cáo, đối với bệnh truyền nhiễm, nguyên tắc số 1 là phải cách ly thật tốt; phấn đấu không để lây sang thầy thuốc và không để lây từ cơ sở y tế ra cộng đồng. Đặc biệt, khu vực cách ly phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người được cách ly.
Theo ông Khổng Minh Tuấn, tại khu vực cách ly, mọi người phải tuân thủ các biện pháp phòng bệnh, như đeo khẩu trang y tế, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch khử khuẩn. Việc vệ sinh, khử khuẩn được thực hiện thường xuyên… Rác thải, vật dụng của người được cách ly cũng phải xử lý theo chế độ phòng bệnh lây nhiễm.
Nhân viên y tế tại khu cách ly kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt người được cách ly 2 lần/ngày. Nếu thấy một trường hợp có dấu hiệu bất thường, ho, sốt, thậm chí chưa có kết quả xét nghiệm cũng sẽ xử lý ngay như một ca bệnh xác định. Những người ở cùng phòng với trường hợp này sẽ được giám sát chặt chẽ hơn…
Đối với trường hợp cách ly tại nơi cư trú, PGS.TS Lương Ngọc Khuê khuyến cáo, cách tốt nhất là cách ly ở một phòng riêng. Trong trường hợp gia đình, nơi lưu trú không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2m. Phòng cách ly nên bảo đảm thông thoáng khí, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế các đồ đạc vật dụng tại nơi cách ly. Hằng ngày hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác; tự theo dõi sức khỏe; thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác.