Không còn cuống cuồng với guồng quay vội vã của cơm áo, gạo tiền, mà thay vào đó là vào bếp nấu ăn, dành thời gian chăm sóc bản thân và gia đình. Theo nhiều người, cách ly xã hội không phải là điều gì đó quá khủng khiếp mà trái lại đây lại chính khoảng thời gian quý giá để mỗi người cân bằng lại cuộc sống của mình.
Cơ hội “làm mới” mối quan hệ gia đình
Đã 3 năm sau khi ra trường và trở thành quản lý của một công ty mỹ phẩm, dường như cuộc sống của chị Trần Thu Hà (Trần Quốc Hoàn, Cầu Giấy) luôn chỉ quanh quẩn với việc tìm kiếm sản phẩm, lựa chọn các nhà cung cấp, nghiên cứu các dòng mỹ phẩm được ưa chuộng… áp lực công việc khiến chị không còn đủ thời gian để quan tâm, chăm sóc gia đình. Đầu tháng 4, chấp hành nghiêm túc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, công ty chị tạm thời đóng cửa, chuyển sang hình thức kinh doanh online.
Chị Hà trở về nhà, dành thời gian chăm sóc gia đình trong những ngày giãn cách xã hội (Ảnh: NVCC) |
Trong những ngày giãn cách xã hội, việc đầu tiên mà chị Hà lựa chọn là trở về Hải Phòng, nơi có bố mẹ và em trai chị sinh sống. Từ ngày về nhà, ngày nào chị Hà cũng chịu khó vào bếp nấu những món ăn ngon. Bên cạnh đó, chị cũng dành thời gian tâm sự, định hướng, nghề nghiệp và dạy thêm một số kỹ năng cần thiết cho cậu em trai sắp bước vào cuối cấp.
Chị Hà chia sẻ: “Cách ly xã hội làm cho gia đình tôi trở nên gắn kết hơn. Tôi phát hiện ra, bản thân mình không tới mức vụng về, vô tâm và thiếu khả năng chăm sóc người thân như trước vẫn nghĩ. Có lẽ tôi phải cảm ơn quãng thời gian này, vì nó đã cho tôi cơ hội thực hiện những điều mà 3 năm qua tôi luôn trăn trở”.
Từ khi có lệnh cách ly xã hội, cuộc sống của chị Phan Thanh Nhàn (Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm) cũng có nhiều đổi thay. Từ Phó Giám đốc của một kênh truyền hình có tiếng nhưng lại vụng về chuyện bếp núc, đến nay chị Nhàn đã trở thành một bà nội trợ giỏi việc nước, đảm việc nhà thực thụ. Thậm chí, chị còn lập cho mình riêng một kênh Youtobe “Tối nay ăn gì” với hàng nghìn lượt theo dõi để cùng chị em bạn bè chia sẻ công thức nấu nướng và những món ăn ngon trong mùa Covid-19.
Chị Nhàn quay video hướng dấn nấu ăn. (Ảnh: NVCC) |
Chị Nhàn chia sẻ, bình thường công việc của vợ chồng chị khá bận rộn, mỗi ngày đều đi làm từ sáng sớm tới 18h - 19h mới về đến nhà. Vì đã quá muộn nên chị thường mua đồ ăn sẵn hoặc làm các món ăn đơn giản như luộc, xào, rán khiến bữa ăn của gia đình trở nên khá nhàm chán.
Thời gian gần đây, khi được làm việc tại nhà thay vì đến cơ quan, chị Nhàn đã có thêm thời gian để học cách nấu các món ăn ngon. Đầu tiên, chị tham gia các nhóm, hội về nấu ăn trên facebook, học hỏi cách nấu và nhờ các chị em khác tư vấn. Khi nấu được các món ăn, chị bắt đầu cân đối chi phí và học thêm cách trang trí cho sao cho đẹp mắt và hợp lý. Việc tự nấu ăn và cân đối tài chính giúp các bữa ăn của gia đình chị vừa đủ chất, đẹp mắt lại không quá tốn kém.
Từ ngày chăm chỉ nấu ăn thay vì mua đồ ăn sẵn chồng và con, chị Nhàn cũng tỏ ra thích thú và vui hơn. Mỗi bữa ăn hai bé đều khen các món ăn mẹ nấu. Đó là động lực cho chị mỗi ngày. Không chỉ có thêm thời gian nấu nướng, giãn cách xã hội cũng giúp chị có thời gian thực hiện những công việc mà trước đó chị ít có cơ hội làm như cùng con ôn bài, nghe con kể chuyện…
“Có thể việc giãn cách xã hội sẽ khiến thu nhập của chúng ta giảm sút đi, nhưng đừng quá tập trung vào vấn đề đó. Cơ hội kiếm tiền còn nhiều nhưng thời gian bên gia đình thì không phải lúc nào cũng có. Thay vào việc chỉ chăm chăm nghĩ về những điều tiêu cực, chúng ta nên nhìn thấy những điều tuyện vời mà giãn cách xã hội đã mang đến”- chị Nhàn tâm sự.
Mân cơm ngon gắn kết tình cảm gia đình. (Ảnh: NVCC) |
Chia sẻ mâm cơm do vợ cùng với mình hợp tác nấu, anh Đỗ Văn Ngọc (Lý Tự Trọng, Hà Đông) không khỏi tự hào: Lâu nay tôi luôn mải mê với các cuộc bia rượu ở bên ngoài mà ít khi có thời gian về ăn cơm cùng với gia đình. Thời gian này công việc chững lại, cũng chẳng tiếp khách, tôi có nhiều thời gian ở nhà hơn. Tôi phát hiện ra vợ tôi là một đầu bếp giỏi, nấu món gì cũng ngon, thấy vợ vất vả nên tôi cũng vào bếp giúp vợ. Dịp này, gia đình tôi thường xuyên quây quần ăn uống, không khí thật ấm áp và bình yên.
Dành thời gian cho bản thân
Không chỉ là thời gian quý báu để gắn kết, làm mới mối quan hệ gia đình, giãn cách xã hội còn là thời điểm “vàng” để nhiều người mà đặc biệt là các bạn trẻ có thêm thời gian để nhìn nhận lại cuộc sống và định hướng tương lai cho bản thân.
Mải mê ngắm nhìn kệ sách được trưng bày trong quán cà phê nay đã đóng cửa tạm ngừng kinh doanh, anh Nguyễn Văn Tuấn (Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng) chia sẻ, trước đây mình rất mê đọc sách, mỗi ngày ít nhất phải đọc được một cuốn, thế nhưng từ ngày đi làm, thời gian dành cho việc đọc sách của mình ít dần, có thời gian còn quên bẵng đi. Nhiều khi mình cũng trăn trở lắm vì cảm thấy bản thân đang dần lãng quên đi một đam mê cũng là thói quen tốt đã duy trì nhiều năm.
Cách ly xã hội giúp các bạn trẻ có thêm thời gian cân bằng lại bản thân. (Ảnh: NVCC) |
"Nhờ có giãn cách xã hội mình mới có thời gian đọc nốt những cuốn sách đã mua và cũng có thêm thời gian để sắp xếp và định hình lại xem làm sao để vừa làm tốt công việc vừa duy trì được các sở thích cá nhân”- anh Tuấn cho hay.
Nhiều bạn trẻ cũng tâm sự trên các diễn đàn rằng mùa dịch Covid-19 đã cho họ có thêm cơ hội để cân bằng lại cuộc sống sau những ngày tháng vất vả lăn lộn tìm chỗ đứng cho bản thân.
Từ ngày giãn cách xã hội đến nay, Chị Hoàng Thị Tiền (Dịch Vọng, Cầu Giấy) đã có nhiều thời gian dành chăm sóc bản thân hơn. Không còn ngày 8 tiếng đi làm, tối về lên chương trình, chuẩn bị kịch bản quay hay chạy show sự kiện cho nhiêu công ty khác nhau, giờ đây sau phần việc cần phải làm để đáp ứng yêu cầu mà công ty chính giao chị Tiền lại dành thời gian để học thêm ngoại ngữ, trồng rau, chăm hoa… làm mới cuộc sống.
Đọc sách, trồng rau, đinh hướng lại cuộc sống và công việc. (Ảnh: NVCC) |
Chị Tiền tâm sự, là một người trẻ với áp lực phải nhanh chóng thành công để hiếu thuận với bố mẹ và chăm lo cho cuộc sống cá nhân, vừa ra trường chị đã nộp đơn vào làm việc cho một công ty y dược lớn. Sức ép của một môi trường làm việc chuyên nghiệp, đòi hỏi nhân viên luôn phải nỗ lực cống hiến tối đa khiến chị không còn đủ thời gian để chăm sóc bản thân hay làm những điều mình thích.
“Sang ngày thứ hai thực hiện giãn cách xã hội, tôi nhớ ra việc trước đây hay đọc ngoại văn và mang sách ra đọc lại thì tôi bỗng phát phát hiện ra mình không còn dịch nổi nghĩa của trang sách. Trước đó tôi còn có ý định úp học bổng, đi du học… điều này làm tôi thực sự sốc. Tôi tự hỏi thời gian qua mình đã làm gì, bỏ lỡ bao nhiêu dự định. Cuối cùng tôi quyết định dành thời gian cách ly xã hội này để định hướng lại con đường đi cho tương lai, sống một cuộc sống bình yên, thanh thản”- chị Tiền chia sẻ.
“Mùa dịch” tuy khiến kinh tế giảm sút đi nhưng lại mang đến cho chúng ta một khoảng thời quý giá, có thể cùng nhau vun đắp tình cảm gia đình hay định hướng lại cuộc sống cho bản thân. Và chắc chắn, khi dịch bệnh qua đi, trở về với guồng quay vội vã của cuộc sống thường nhật thì mỗi người sẽ trân trọng thêm những phút giây được sống trọn vẹn cho bản thân. Vì vậy, thay vì quá trăn trở về cơm áo gạo tiền, hãy tìm cách biến cách ly xã hội trở thành những khoảnh khắc quý giá trong cuộc đời.