Theo các chuyên gia, khi mua thịt lợn ở chợ, các bà nội trợ cần lưu ý phân biệt như sau:

- Thịt lợn khỏe mạnh thường có màu hồng nhạt đến đỏ thẫm trong khi thịt lợn siêu nạc thường có màu đỏ đậm khác thường, sáng và bóng.

- Dùng ngón tay ấn vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra. Các thớ thịt đều, săn chắc, không nhũn nhão, đàn hồi tốt, không rỉ dịch, chảy nhớt.

 

- Đường cắt mặt thịt khô ráo, thịt hơi rít, cơ hơi se lại; lớp bì mềm, mỡ màu trắng trong đến hơi ngà, khi ngửi không có mùi gắt dầu.

- Nội tạng của lợn khỏe mạnh và tươi có màu sắc tự nhiên, nhìn trên bề mặt có độ ánh, bóng sáng.

- Thịt lợn ngon khi mua về, đem luộc có nước trong, váng mỡ to, dậy mùi thơm của thịt và đặc biệt không có mùi lạ.

- Thịt lợn sạch sẽ có màu hồng tươi, còn thịt lợn nhiễm sán thường có màu đỏ đậm khác thường, sáng bóng, kèm theo một số đốm đỏ ngoài da. Khi chưa chế biến, thịt lợn nhiễm sán có mùi tanh hơn thịt lợn sạch.

- Khi mua thịt, hãy nhờ người bán hàng cắt thịt theo thớ dọc. Nếu thấy các bọc nhỏ màu trắng xen giữa các thớ thịt, bắp thịt thì không nên mua vì nguy cơ cao đã bị nhiễm kén sán.

- Thịt lợn sạch thường có lớp bì dày, mỡ dày, có màu trắng trong hoặc trắng ngà. Ăn vào thấy giòn, không bị ngấy như thịt lợn tăng trọng. Còn nếu nhiễm sán thì thịt lợn sẽ có phần nạc và chứa lớp mỡ mỏng, lỏng lẻo, hoặc tách rời nạc và mỡ.

Đặc biệt, cần tránh mua thịt lợn có các ấu trùng hình bầu dục. Vì thịt lợn gạo thường chứa ấu trùng nằm ở các miếng thịt, ấu trùng có thể dài tới 9mm, màu trắng đục, bên trong chứa dịch thể và đầu sán.

Dấu hiệu nhận biết thịt lợn bệnh

Cục An toàn thực phẩm cũng chỉ ra một số dấu hiệu nhận biết thịt heo bị bệnh như:

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thịt lợn bị thương hàn: Bề mặt da có những nốt bầm hoặc lấm tấm xuất huyết, thịt nhão, tai lợn bị tím.

Thịt lợn bị tả: Nốt xuất huyết nằm dưới da hoặc trên vành tai, lấm tấm như nốt muỗi đốt.

Thịt lợn bị tụ huyết trùng: Thịt có những mảng bầm, tụ máu.

Thịt lợn bị viêm gan: Thịt có mầu vàng.

Thịt lợn đóng dấu: Bề mặt da có những nốt tròn đỏ, tía hoặc son, có khi màu tím bầm, kích thước khác nhau, như hình đóng dấu.

Nguồn: http://giadinh.net.vn/song-khoe/cach-phan-biet-thit-lon-ngon-an-toan-khong-lo-chon-nham-thit-lon-benh-20190606161230453.htm

Theo báo Gia đình & xã hội