Dưới đây là những bước cơ bản giúp mọi người thoát khỏi cơn hỏa hoạn:
Trước hết, mọi người không nên quá hoang mang khi sự cố xảy ra. Bởi ở bất cứ tòa nhà nào, ngay từ khâu thiết kế, chủ đầu tư và bộ phận thiết kế đã phải nghĩ đến và dự phòng trước các sự cố cháy, nổ... Tại các khu cao tầng, sẽ được lắp đặt hệ thống chống cháy trong tường, hệ thống thông khói tự động cũng như bố trí hai cầu thang thoát nạn…
Nên điều cần làm là mọi người cần biết vị trí đặt các thiết bị phòng cháy chữa cháy, báo động cho mọi người xung quanh và nhận biết vị trí 2 cầu thang thoát nạn để tránh tình trạng xô đẩy nhau, ùn ứ tại 1 vị trí.
Mọi người cần nhanh chóng xuống đất theo đường thoát hiểm này.
Chú ý, cần tuyệt đối tuân thủ việc ngắt điện, sử dụng khăn ấm để bảo vệ cơ quan hô hấp khi thoát hiểm để hạn chế khí độc. Nhanh chóng gọi 114 để được lực lượng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hỏa chuyên nghiệp hỗ trợ.
Tiếp đó, trong trường hợp đám cháy lớn hay đã bùng từ lâu, để tránh bị ngạt khói, trong khi di chuyển mọi người cố gắng bò hoặc trườn, sao cho mặt sát sàn (vì khói thường lơ lửng bên trên), đồng thời, dùng khăn mặt ẩm hay giấy ướt bịt vào mũi, mồm.
Chú ý, khi các cầu thang thoát hiểm quá đông, mọi người có thể phân bổ nhau, tập trung ở các lan can để chờ lực lượng ứng cứu giải thoát. Tránh việc chen lấn, xô đẩy gây khó khăn cho hoạt động cứu hỏa.
Ngoài ra, ở trạng thái chủ động, mọi người có thể thoát ra ngoài bằng cách leo xuống đất bằng thang dây, sợi dây chống nhiệt hay nhảy xuống (với sự hỗ trợ của đệm đặt dưới mặt đất).
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp cuối cùng bởi chúng không đảm bảo an toàn. Đặc biệt, việc nhảy từ trên cao xuống, nhất là từ tầng 4 trở lên, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Đáng chú ý, trong việc tham gia xử lý hỏa hoạn, không ít người tử vong tai nạn là do yếu tố tâm lý.
Thay vì tự tìm cách thoát thân, nhiều người vì quá hoảng loạn đã giẫm đạp lên nhau hoặc ngồi yên chờ cứu hộ hay cố thoát khỏi hiện trường mà không quan tâm đến sự nguy hiểm.
Trong hỏa hoạn, tử vong thường là do ngạt trước khi bị cháy, chính vì thế, điều cần thiết nhất là các nạn nhân phải bình tĩnh tìm cách thoát khỏi hoặc tránh xa những không gian gây ngạt như phòng kín và các địa điểm có thể gây nổ như bình ga, tủ lạnh, máy lạnh…
Khi không có các thiết bị dây hay thang dây an toàn và lại đang ở tầng cao, chờ cứu hỏa, mọi người có thể thắt quần áo, chăn màn lại thành những dây dài để thoát thân qua cửa sổ.
Nhưng, điểm tiêu cực của phương án này là độ an toàn thấp. Việc nhắm mắt lao mình xuống đất bất chấp độ cao là hoàn toàn không thể. Những người trẻ có sức khỏe hoặc bình tĩnh hơn, phải tìm cách trấn an người khác và nhanh chóng vạch kế thoát hiểm.
Một số thao tác khác:
- Kiểm tra độ nóng của tay nắm cửa, trước khi chạy ra hành lang. Nếu hành lang không có khói, nhanh chóng di chuyển đến khu vực thang bộ và chạy ra ngoài.
- Nếu tay nắm nóng, thì hãy ở yên trong phòng, khóa cửa lại, dùng khăn ướt bịt kín cửa để ngăn khói độc và chờ lực lượng cứu hộ đến giải cứu.
- Nhanh chóng lấy khăn ẩm bịt kín các khe cửa, lỗ thông khí, ngắt hệ thống thông gió, ngắt điện.
- Gọi điện cho lực lượng PCCC để thông báo cụ thể về nơi xảy ra hỏa hoạn. Nếu phát hiện lính cửu hỏa, hãy mở cửa sổ, vẫy khăn có màu sắc sặc sỡ để được giải thoát kịp thời.
- Nếu bắt gặp nạn nhân bị ngạt khí, hãy hô hấp nhân tạo để cấp cứu, đặt nạn nhân ở tư thế nằm nghiêng an toàn, sau khi hồi phục hãy kiểm tra mạch và hô hấp của nạn nhân thường xuyên, trước khi có sự can thiệp của các lực lượng y tế.