Sự việc 3 người ở Hà Tĩnh tử vong do nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng, dù trước đó chỉ có những biểu hiện "cảm xoàng" như mệt mỏi, sốt nhẹ, ớn lạnh..., sau đó tăng nặng lên không tự chủ vệ sinh, khiến nhiều người lo lắng.
Vì sao bệnh nhân lại có diễn tiến nhanh như vậy? Có nhiều người bị chung tình trạng này hay không? Nhiễm khuẩn huyết là gì mà có thể cướp sinh mạng nhanh đến thế?
Nhiễm khuẩn huyết do đâu?
Nhiễm khuẩn huyết ( nhiễm trùng máu ) xảy ra khi vi trùng xâm nhập vào cơ thể, tiết ra chất độc dẫn đến suy đa cơ quan, rối loạn đông máu hoặc suy gan, suy thận... Hệ miễn dịch phản ứng thái quá với các viêm nhiễm và tự tấn công chính các tế bào và cơ quan bên trong cơ thể.
Nhiễm trùng máu không phải bệnh nhưng đây là tình trạng nguy kịch có thể gây tử vong cho bệnh nhân, hoặc để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân có thể là do bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm hoặc virus. PGS.TS.BS Nguyễn Duy Phong, Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho hay, khi xác định nhiễm trùng máu, bác sĩ sẽ xác định "ngõ vào" của vi khuẩn, ví dụ nhiễm trùng máu hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu… do trước đó người bệnh đã bị nhiễm trùng các hệ này trước.
Bàn chân của một bé gái bị nhiễm khuẩn huyết không rõ nguyên nhân, buộc phải cắt bỏ để bảo toàn tính mạng.
Những "cửa ngõ" khiến cơ thể bị nhiễm khuẩn huyết?
Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm khuẩn huyết từ một tình trạng nhiễm trùng ban đầu, ví dụ như viêm phổi, viêm đường tiết niệu hoặc thậm chí là một vết thương hở ở tay hoặc chân.
Nhiễm trùng cấp tính có nguyên nhân từ vi khuẩn lưu hành ở trong máu; chúng gây ra các triệu chứng lâm sàng đa dạng, làm suy đa phủ tạng, sốc nhiễm khuẩn với tỉ lệ tử vong rất cao có thể từ 20 - 50% các trường hợp; trong đó sốc nhiễm khuẩn là một tình trạng biểu hiện trầm trọng của nhiễm trùng máu.
Nguyên nhân gây nhiễm trùng máu do vi khuẩn xâm nhập trực tiếp vào máu hoặc từ các ổ nhiễm khuẩn ở các mô tế bào, những cơ quan như: da, mô mềm, cơ, xương, khớp, hô hấp, tiêu hóa (như ăn tiết canh nhiễm liên cầu lợn)...
BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay, chỉ từ vết xước trên da nhỏ thôi cũng khiến toàn thân bị nhiễm khuẩn huyết.
Đã có nhiều trường hợp chỉ bị đinh gỉ, vết xước siêu nhỏ trên da cũng bị nhiễm trùng, sốc nhiễm khuẩn, có thể dẫn đến sự suy giảm chức năng ở một số bộ phận như phổi, thận và gan, thậm chí tử vong.
Nhân tố gây bệnh đi vào máu, máu đi khắp cơ thể, hàng rào bảo vệ bị phá vỡ thì nhiễm trùng máu xâm nhập dễ dàng gây ra nhiễm khuẩn nghiêm trọng. Trẻ nhỏ hay người lớn dù chỉ bị một cái mụn nhỏ, cũng có thể bị nhiễm khuẩn tụ cầu vàng vốn sống trên da xâm nhập vào máu, gây nhiễm khuẩn huyết.
Bị thuỷ đậu, bé trai này bị bội nhiễm gây nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng
Nếu bị nhiễm trùng xương hay còn gọi là chứng viêm tủy xương cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng máu. Hoặc vi khuẩn gây ra nhiễm trùng máu có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua đường truyền tĩnh mạch, các vết mổ, ống thông tiểu niệu đạo và các vết loét do nằm liệt giường.
Hoặc vi khuẩn gây ra nhiễm khuẩn huyết có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua đường truyền tĩnh mạch, các vết mổ, ống thông tiểu niệu đạo và các vết loét do nằm liệt giường.
BS Tuấn Anh, Khoa Chỉnh hình Nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay những căn nguyên "không đâu vào đâu", như viêm họng, viêm tai, hay thậm chí là con côn trùng đốt cũng có thể dẫn đến nhiễm khuẩn huyết. Đã từng có trường hợp ở ngay Hà Nội bị nhiễm khuẩn huyết, hôn mê sau khi bị côn trùng đốt.
Hoặc những ca bệnh bị con mò đốt mà không biết, bị nhiễm khuẩn Whitmore - loại khuẩn tưởng chừng đã bị lãng quên, vẫn tử vong vì bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết.
Năm 2018, một bé trai 12 tuổi (Hà Giang) xuất hiện mụn mủ toàn thân do thủy đậu bội nhiễm, nhiễm khuẩn huyết bởi tụ cầu vàng.
Dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm khuẩn huyết
Do nhiễm khuẩn huyết có thể bắt đầu ở bất kỳ các bộ phận nào trên cơ thể nên tình trạng này có nhiều triệu chứng khác nhau.
Nhiễm trùng máu sẽ có đầy đủ các biểu hiện của hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc như: sốt cao, nhiệt độ cơ thể không ổn định; thở gấp hoặc rối loạn nhịp thở; ớn lạnh; đi tiểu ít hơn bình thường; mạch nhanh; thở nhanh; buồn nôn, ói mửa; bị tiêu chảy.
Bệnh nhiễm trùng máu đặc biệt nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bởi bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nặng về tuần hoàn, hô hấp, rối loạn đông máu, suy gan thận và các cơ quan nội tạng khác.
Đáng cảnh báo hơn là bệnh có thể gây tử vong chỉ trong vài giờ.
Tuy nhiên, ban đầu bệnh lại có biểu hiện như cảm cúm, sốt thông thường nên không phải ai cũng nghĩ đến tình huống xấu này.
Để xác định có phải nhiễm trùng máu hay không bác sĩ sẽ cho làm những kiểm tra chuyên sâu, cấy máu, xác định vi khuẩn trong máu, nguồn lây nhiễm từ đâu, số lượng tiểu cầu, thay đổi chức năng gan thận…
T.Nguyên