Căn bệnh hiện đại “ảo tưởng”
Thực sự thì “căn bệnh” ảo tưởng – thổi phồng chính mình – giới trẻ thời nào cũng mắc vì đó là một “tác dụng phụ” tương đối phổ biến trong giai đoạn thai nghén ước mơ và định hình lý tưởng của tuổi trẻ.
Thứ nhất, ai cũng có ưu và nhược nhưng lứa tuổi càng trẻ thì thường điểm ưu là điểm sáng, còn “điểm đen” là “điểm mù”! Vì vậy, lý tưởng của tuổi trẻ thường lúc nào cũng rất cao và rất đẹp, nhưng do chưa tự hiểu rõ năng lực của mình nên lý tưởng ấy biến thành ảo tưởng xa vời.
Thứ hai, đây là lứa tuổi bắt đầu bước ra ngoài xã hội, tiếp xúc với nhiều “cái Tôi” khác nhau, do đó thanh niên có nhu cầu tự khẳng định rất cao. Nhưng ta đã biết, “thùng rỗng” khi va chạm thì lại “kêu rất to”. Một số khác phải cường điệu hóa bản thân mình để tránh những cú sốc tâm lý khi nhận ra sự thật phũ phàng về thực lực của mình khi gặp thất bại, khi bị phê bình…
Thứ ba, những thành công nho nhỏ đầu đời rất dễ làm cho người ta “ngỡ” bản thân đã trở thành tài giỏi. Với vẻ bề ngoài có một chút xinh xắn, thỉnh thoảng có vài bài đăng trên tạp chí, dẫn thành công vài chương trình của trường của lớp… cộng với “chất xúc tác” là những lời tán dương sẽ làm cho phản ứng hóa học “bom tấn” xảy ra, ngọn lửa tự mãn lại bùng lên và thiêu cháy đi mất sự khiêm tốn cần thiết.
Thứ tư, môi trường xã hội ngày nay dễ tạo nên “tên tuổi ảo”. Chỉ cần chụp một bộ ảnh “nóng bỏng” hay bốc lửa rồi tung lên mạng là có thể trở thành một người tai tiếng (nhưng thường chủ nhân sẽ nghĩ là… nổi tiếng). Những cơn bão sành điệu đổ bộ vào giới trẻ qua kênh phim ảnh, internet… khiến thanh thiếu niên không thể chấp nhận cho mình một vị thế “hai lúa”, quê mùa trong khi muốn mang danh hot boy, hot girl một cách nhanh nhất thì chỉ còn cách “nổ”.
Thông thường, khi ngã vào hiện tượng “ăn cơm mặt đất nhưng sống trên mây” này sớm muộn cũng sẽ bị “chiếc roi thực tế” quất cho thức tỉnh sau vài cú ngã điếng người. Tuy nhiên, nhiều trường hợp “hơi bị nặng” sẽ không tự thoát ra được và cuối cùng là họ chết trong suy nghĩ tự ngưỡng mộ bản thân, và quên mất mình cần làm gì cho tương lai phía trước.
Làm sao để chữa trị?
Thứ nhất: Thuốc đắng thì dã tật, nước lạnh làm cho người ta tỉnh giấc. Hãy tạo cơ hội cho họ nhận ra năng lực của mình; giới thiệu họ đi casting, nhờ họ làm ca sĩ biểu diễn, khuyến khích họ thử sức trong một cuộc thi sắc đẹp, giao cho họ một nhiệm vụ khó… Những cú ngã sẽ làm cho chủ nhân biết mình đang đứng ở chỗ nào.
Thứ hai: người khác chính là tấm gương soi để ta thấy được chính mình, hãy dẫn họ đi trên “con đường so sánh”. Hãy nhẹ nhàng kể về những tấm gương thành đạt nhờ thực lực và nghị lực, những gì mà các hot boy, hot girl đã làm được… và ý nhị hỏi xem họ đã làm được những gì so với những tên tuổi có “chất” thật sự đó? Nhận ra sự chông chênh giữa thành tích của chính mình và những gì to tát mà người khác đã làm được sẽ giúp cho họ nhận biết chiếc bong bóng của mình là “đặc” hay “rỗng”?
Thứ ba, thông thường, những người như thế ít có bạn bè thân thiết, những lời tán dương nịnh bợ từ những người xung quanh chỉ là liều thuốc ru ngủ khiến người ta ngày càng mụ mị. Hãy dùng tình bạn, lắng nghe nhu cầu và khát vọng của họ, chỉ cho họ cách để “ghi điểm” bằng chính năng lực của mình. Đừng để họ một mình với chiếc bong bóng ngày càng to rồi một ngày nào đó nó sẽ cuốn họ bay đi mất…
Nhân Mã (Tổng hợp)