Nếu như sân vận động Mỹ Đình được coi là biểu tượng của thời hiện đại thì với nhiều người Hà Nội, sân vận động Hàng Đẫy lại chính là “thánh đường bóng đá” bởi nơi đây chính là “chảo lửa” của những trận đấu đỉnh cao trong lịch sử.
Sân vận động Hàng Đẫy ban đầu được xây dựng và sử dụng từ năm 1934, là nơi diễn ra rất nhiều các sự kiện lớn của thể thao nước nhà.
Với khoảng 3 vạn chỗ ngồi, sân vận động Hàng Đẫy là nơi diễn ra những trận đấu đầy ắp người xem của bóng đá Việt Nam.
Dù đã được tu sửa vài lần nhưng sân vận động này đã không còn đáp ứng được tiêu chuẩn của một sân vận động hiện đại.
Hiện sân vận động này đã là quá "già nua" so với đô thị hiện tại.
Nhiều khu vực khán đài đã xuống cấp trầm trọng.
Nhằm phục vụ Seagame 31 vào năm 2021 tổ chức tại Việt Nam, TP. Hà Nội đã đồng ý giao Tập đoàn T&T Hà Nội xây dựng mới sân vận động Hàng Đẫy với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 6.300 tỷ đồng.
Cụ thể, khu đất TP.Hà Nội đề xuất nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng tổ hợp thể thao Hàng Đẫy có tổng diện tích 32.158 m2, bao gồm khu vực sân vận động Hàng Đẫy và phụ cận gồm khu vực nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức và khu đất của Sở Kế hoạch và Đầu tư ở phường Cát Linh, quận Đống Đa.
Theo đó, khu nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức sẽ được xây dựng khu nhà thi đấu đa năng mới rộng 6.938 m2, có 1.500 chỗ ngồi. Nhà thi đấu có tổng chiều cao 35 m (8 tầng, 1 tum). Tầng 1 được bố trí sảnh, nhà thi đấu đa năng, khán đài và khu dịch vụ; tầng 2-3 là khu dịch vụ; tầng 4-8, là khu dịch vụ và văn phòng.
Khu đất trụ sở Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội sẽ trở thành khu văn phòng cao 23,05 m, 4 tầng hầm, tầng 1 làm quảng trường, tầng 2-4 là khu trưng bày, bảo tàng lưu niệm, văn phòng làm việc và dịch vụ công cộng. Theo dự kiến, tổ hợp sân vận động Hàng Đẫy sẽ được hoàn thành trước tháng 10/2021.
Theo Bảo Linh/Đô thị mới
Like Page để nhận được nhiều thông tin tiêu dùng hữu ích 24/24h