Đúng như trăn trở của PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu - Phát triển TP.HCM: “Điều lo lắng nhất về trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM là làm sao có cơ chế chính sách đột phá, ưu đãi mạnh mẽ để thu hút được các “đại bàng”, làm cho những “đại bàng” đó tin tưởng đầu tư vào Thành phố thay vì các thị trường khác”.
Đánh giá về lợi thế để phát triển trung tâm tài chính Quốc tế (TTTC) tại TP.HCM, ông Nguyễn Xuân Thành - Trường Chính sách công và quản lý Fulbright nhìn nhận: Hiện nay Tổ chức xếp hạng các trung tâm tài chính toàn cầu đã xác định, TP.HCM vốn đã là một TTTC thứ cấp. Tuy nhiên, những dịch vụ tài chính ở đây vẫn phục vụ thị trường tài chính và nền kinh tế nội địa nên bây giờ, chúng ta cần đẩy mạnh tính chất quốc tế của nó dựa trên những lợi thế sẵn có – trong đó cần thiết có sự đột phá mạnh về cơ chế, chính sách.

Chẳng hạn trong lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính), TP.HCM có khoảng 200 doanh nghiệp fintech và nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán nhưng thật sự chưa có tập đoàn tài chính do hạn chế về giấy phép nên không mở rộng được.

Theo đó, ông Thành đề xuất cần xây dựng khung pháp lý cho các định chế tài chính hoạt động theo mô hình tập đoàn tài chính. Ðây sẽ là chính sách đột phá hấp dẫn nhất, tạo điểm nhấn để thu hút các tập đoàn tài chính đến với thành phố.

Ở góc độ là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, TS. Trần Du Lịch chia sẻ: Quá trình xây dựng TTTC cần trải dài và phân kỳ, ban đầu là phát triển các nền tảng vững chắc của một TTTC quốc gia, sau đó trở thành TTTC khu vực, và tiến tới TTTC quốc tế và toàn cầu. Dù ở cấp độ nào, tầm nhìn của nó phải mang tầm nhìn toàn cầu. Theo đó, thành phố phải chọn cách phát triển chắc chắn nhưng phải có tính đột phá chính sách rất cao, nhằm thu hút được các quỹ đầu tư, định chế tài chính quốc tế đến đây phát triển.

TTTC cũng cần phải có thị trường hàng hóa phái sinh để chia sẻ rủi ro từ người sản xuất sang thị trường, đây là vai trò giao thương quốc tế quan trọng của thành phố. Nhưng chúng ta phải dựa trên sự phát triển công nghệ số để hình thành những sản phẩm mới, mạnh dạn áp dụng cơ chế thí điểm để tạo sức hút - ông Lịch nói.

Ở góc nhìn khác, ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng trong bối cảnh hiện nay có hai từ đang được dùng nhiều nhất nếu muốn phát triển, đó là tốc độ và sáng tạo. Với TTTC quốc tế tại TP.HCM lại càng thách thức, vì khoảng cách với thế giới quá xa về mức độ hội nhập, những tiêu chuẩn thông lệ, quy mô thị trường tài chính…

Theo đó, ông Thành đưa ra 5 vấn đề lớn về cách tiếp cận xây dựng TTTC quốc tế tại TP.HCM gồm:

Một là, thể chế đột phá vượt trội có khả năng cạnh tranh quốc tế, để trung tâm này có thể cạnh tranh với các trung tâm tại Hồng Kông, Singapore, Dubai… và trở thành một điểm đến cho các nhà đầu tư lựa chọn.

Hai là, lựa chọn mô hình TTTC mới chứ không phải theo cách truyền thống, tiếp cận ngay mô hình tài chính tích hợp gắn với đô thị hóa, các dịch vụ chất lượng cao.

Ba là, ngay từ đầu đã có những nhà đầu tư quan tâm Việt Nam. Điều kiện nhà đầu tư thế nào, lợi ích và trách nhiệm, cam kết nghĩa vụ của họ ra sao để tìm ra nhà đầu tư thật sự chất lượng.

Bốn là, khách hàng. Trong đó Ban soạn thảo kết hợp giữa nước ngoài với trong nước, vừa có tư tưởng tài chính tiền tệ kinh tế nhưng lại gắn với câu chuyện pháp lý rất chặt chẽ để làm đề án.

Năm là, cần có một văn bản pháp lý triển khai ngay đề án.

Cũng theo ông Thành, trong bối cảnh hiện nay cần thiết phải tư duy vượt khỏi khung khổ pháp lý hiện hành, phải đột phá để dự án TTTC quốc tế tại TP.HCM khả thi và triển khai được.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu - Phát triển TP.HCM, cũng cho rằng: Điều lo lắng nhất về TTTC quốc tế tại TP.HCM là làm sao có cơ chế chính sách đột phá, ưu đãi mạnh mẽ để thu hút được các “đại bàng”, làm cho những “đại bàng” đó tin tưởng đầu tư vào Thành phố thay vì các thị trường khác.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân nhìn nhận thêm, hiện vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến thể chế, tự do hóa cán cân thị trường vốn, tự do hóa chuyển đổi thị trường tiền tệ... nên phải được xem xét và trình Quốc hội trong thời gian tới.

Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, trong bối cảnh cần phải điều chỉnh nhiều luật lệ để có đột phá thu hút đầu tư thì TP.HCM cần thay đổi cách tiếp cận. Như với thị trường hàng hóa phái sinh, có thể đề xuất nghị định của Chính phủ về thành lập thị trường hàng hóa sản phẩm. Riêng với thị trường fintech thì cần ban hành luật riêng về ngân hàng số thay vì sửa đổi các luật hiện nay.

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM Trần Du Lịch cũng nhìn nhận: Chúng ta phải làm sao để tập trung chính sách thu hút các quỹ đầu tư, các định chế tài chính quốc tế tầm cỡ. Đặc biệt, trong lĩnh vực này cần lưu ý các mảng công nghệ số, fintech và các sản phẩm khác, kể cả đồng tiền số, ngân hàng số…

PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lưu ý thêm: TTTC quốc tế phải hướng đến quy mô, thế hệ của tương lai. Trong đó cơ chế, chính sách phải có tính cạnh tranh không chỉ vượt trội mà còn phải khác biệt với khu vực và quốc tế, vài chục năm nữa cũng vẫn hiệu quả. Đây là điểm then chốt trong câu chuyện cạnh tranh của Việt Nam và quốc tế.

Tựu trung mà nói, “thể chế” chính là nút thắt của sức hút của một TTTCQT. Bởi bản chất thị trường hàng hóa phái sinh là giao dịch tài chính. Với công nghệ hiện nay, địa điểm không còn quan trọng mà cần có chính sách, công cụ phù hợp để hấp dẫn nhà đầu tư.

Theo congluan.vn

Nguồn: https://congluan.vn/can-dot-pha-manh-ve-co-che-chinh-sach-post190798.html