Thời gian gần đây, trên một trang facebook có tên “Cần sa Y tế” công khai quảng cáo, bán cần sa với những lời giới thiệu có cánh như “chữa bách bệnh”, chữa bệnh ung thư. Chính vì lời giới thiệu đó đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Theo đó, dù trang facebook mới lập ra, nhưng đã thu hút hơn 7.000 lượt người thích trang. Trong trang này có đoạn giới thiệu về việc chữa bệnh ung thư: “Việc điều trị ung thư máu, cũng giống như những căn bệnh ung thư khác, sẽ thường đòi hỏi vài liệu trình hoá trị hoặc xạ trị.
Trong khi hoá trị, xạ trị là phương pháp “chính quy” được nhiều bác sĩ nói rằng là phương pháp điều trị ung thư hiệu quả nhất được biết đến hiện nay, và chúng có nguy cơ gây ra những tác dụng phụ rất có hại.
Thì vài nghiên cứu khuyến nghị rằng cần sa y tế có thể giúp giảm các tác dụng phụ rất độc hại từ các liệu pháp điều trị khắc nghiệt, và đồng thời kích thích sự thèm ăn để đảm bảo cơ thể nhận được đầy đủ dinh dưỡng cần thiết để chiến đấu với căn bệnh ung thư…”.
Trước thông tin trên, trao đổi với PV Gia đình Việt Nam, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, chưa cần bàn đến những vấn đề khác nhưng ngay từ tên gọi của trang faccebook “Cần sa y tế” đã có vấn đề dễ gây hiểu lầm cho người dân.
Vì cần sa hay thuốc phiện đều là các loại cây làm nên các chất gây nghiện và tâm thần. Những cây cần sa hiện ở Việt Nam cấm trồng vì gắn với luật phòng chống ma túy. Nhưng facebook này lại gắn thêm chữ y tế vào sau từ cần sa để gây sự mập mờ cho cộng đồng. Việc rao bán, quảng cáo cần sa một lúc vi phạm 3 luật: Luật phòng chống ma túy, Luật dược, Luật khám chữa bệnh.
Riêng về vấn đề điều trị ung thư, trao đổi với PV, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc BV K Trung ương cho biết, cần sa và các dẫn chất của cần sa không phải là thuốc điều trị ung thư. Tuy có một số chế phẩm được chiết suất từ cần sa có vận dụng trong hỗ trợ điều trị ung thư nặng ở giai đoạn cuối để giảm đau, hạn chế triệu chứng như nôn, mệt mỏi nhưng cách dùng và liều lượng như thế nào thì cần có chỉ định của bác sĩ.
Theo PGS Thuấn, nếu dùng nhiều có thể gây nghiện hoặc một số biến chứng khác như buồn nôn, hoặc gặp một số biến chứng về tiêu hóa, tim mạch… Nguy hiểm hơn, nếu không được kiểm soát chắc chắn thì sẽ gây ra hệ lụy đối với xã hội đó là gia tăng số người nghiện.
Đồng thời ông Thuấn cũng cảnh báo, hiện nay không chỉ riêng cần sa mà ngay cả những loại thuốc giảm đau hay thuốc điều trị ung thư khác, nếu người bệnh sử dụng mà không tuân thủ theo đúng sự chỉ dẫn của bác sĩ thì sẽ gây nên những biến chứng nguy hiểm.
“Các trường hợp dùng thuốc nói chung, đặc biệt là thuốc có khả năng gây nghiện thì tuyệt đối phải có sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa”, PGS Thuấn nói.
PGS Thuấn khuyến cáo, người mắc bệnh ung thư không phải là dấu chấm hết. Điều quan trọng là không được bỏ dở liệu trình điều trị do các bác sĩ đưa ra để đi theo các cách chữa bệnh khác.
Như vậy sẽ làm mất đi thời gian vàng điều trị bệnh và rút ngắn cuộc sống của người bệnh. Nếu đã bị ung thư thì cần điều trị bằng biện pháp chính thống. Việc kết hợp các phương pháp tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh cụ thể và theo chỉ định của thầy thuốc./.